Không dừng ở những phương cách “dầu nhớt, mắm tôm” như trước. Cuộc trấn áp các nhà bất đồng chính kiến và phong trào dân chủ Việt đã sang giai đoạn rất bạo tàn.
Một Huỳnh Thục Vy đang nuôi con nhỏ mới 22 tháng tuổi bị khởi tố. Một Phạm Đoan Trang bị đánh đến chấn động não.
Rồi những bản án nặng nề tàn độc: 10 năm cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 9 năm cho Trần Thị Nga, 7 năm cho Nguyễn Văn Hoá, 15 năm cho Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức (12 năm), Nguyễn Bắc Truyển (11 năm), Hoàng Đức Bình (14 năm)… và mới nhất là 20 năm với Lê Đình Lượng.
Trấn áp, có khiến họ sợ hãi?
Không!
Với các nhà tranh đấu, tù đày không khiến ai run sợ. Càng bỏ tù nhiều, càng thêm nhiều người đấu tranh. Tăng cường đánh đập, trấn áp thô bạo, chỉ đốt cháy thêm lòng căm thù chế độ.
Sức mạnh của chính quyền là ở khả năng đối thoại được, chứ không phải đe nẹt trấn áp. Đã có lần, tôi mạnh bạo thử khuyên vài vị đương ghế “thượng triều”, nên từ bỏ cách trấn áp đi, ngồi lại đối thoại, một lần lắng nghe để biết họ đấu tranh gì, đòi hỏi gì. Ngay với các cuộc xuống đường biểu tình cũng vậy.
Nhưng chẳng ai nghe.
Hình như, có một lần, duy nhất một lần nghe ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương nhắc đến ý tưởng “đối thoại”. Có vẻ, nó chỉ như một câu lỡ mồm ngẫu hứng, rồi im bặt, không còn nghe bất kỳ một ai nhắc đến.
Chưa thấy, bất kỳ một chuyển biến dân chủ nào trong bộ máy đương quyền. Ngược lại, chỉ thấy một chính quyền đang ngày càng dã man và hung bạo.
Nhớ đâu hồi 2009. Trong một bài trả lời phỏng vấn của tôi, cựu Uỷ viên BCT, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương đảng Đỗ Quang Thắng đã không giấu giếm khi thẳng thắn rằng: “Người Cộng sản có phẩm chất tuyệt vời. Tôi tin điều đó. Nhưng khi đã thoái hoá biến chất thì họ trở nên độc ác hơn ai hết ».
Giờ, nhắc lại câu ông Thắng khiến tôi rùng mình.
Hay phải chăng, đây là “giai đoạn phát triển” tất yếu của thể chế Cộng sản?
Leave a Comment