Trọng Nghiã – RFI
Một hôm sau khi tổng thống Philippines lên tiếng về các hành vi « sai trái » của Trung Quốc khi đe dọa tàu thuyền và phi cơ nước khác tiến lại gần các tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh ngày 16/08/2018, đã lập tức phản bác bằng lập luận cố hữu : Họ có quyền xua đuổi mọi phương tiện áp sát các đảo vốn là lãnh thổ Trung Quốc.
Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định rằng quần đảo Trường Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Theo tuyên bố này, dù tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải mà tất cả các nước được hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, « nhưng Trung Quốc có quyền thực hiện các bước cần thiết để đối phó với máy bay và tàu thuyền nước ngoài cố tình tiến gần hoặc xâm nhập vào không phận và vùng biển gần các đảo của Trung Quốc, và có các hành động khiêu khích đe dọa an ninh của nhân viên Trung Quốc đồn trú ở đó ».
Lời tái khẳng định chủ quyền tiếp tục được Trung Quốc đưa ra bất chấp việc các láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng Trường Sa, nơi Trung Quốc đã nhanh chóng biến các rạn san hô thành đảo nhân tạo, bên trên xây dựng các cơ sở quân sự, nơi mà lực lượng đồn trú Trung Quốc thường xuyên dùng vô tuyến điện xua đuổi tàu thuyền nước ngoài ra ngoài khu vực.
Trong những ngày gần đây, báo chí đã vạch trần một loạt hành động xua đuổi tàu thuyền và máy bay nước ngoài – cụ thể là của Mỹ và Philippines – do lực lượng Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa tiến hành.
Trung Quốc cũng rất tức tối trước việc Hoa Kỳ cho chiến hạm và máy bay đến gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, trong những chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trung Quốc hình thành màng lưới vệ tinh giám sát Biển Đông
Vừa đơn phương đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh vừa tăng cường năng lực giám sát.
Theo trang mạng báo Mỹ Bloomberg ngày hôm nay, 16/08, các vệ tinh do thám Biển Đông đầu tiên sẽ được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019, cho phép giám sát thường trực tàu thuyền hoạt động trong khu vực.
Bắc Kinh mô tả đây là một chương trình khoa học dân sự, nhưng thực ra, hệ thống vệ tinh viễn thám Trung Quốc hoàn toàn có thể được dùng vào lĩnh vực quân sự, hàng hải, phục vụ cho các chiến lược mở rộng quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một bản tin trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã khoe rằng : « Trung Quốc hiện phải mất từ 2 đến 3 tháng để quan sát toàn bộ Biển Đông, nhưng với hệ thống vệ tinh viễn thám mới, toàn bộ vùng biển có thể được « quét » trong vòng vài ngày ».
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm nay cũng trích dẫn giới thiết kế vệ tinh viễn thám Trung Quốc cho biết là toàn bộ Biển Đông có thể được giám sát « trong thời gian thực » để bảo vệ « chủ quyền quốc gia » của Trung Quốc.
Leave a Comment