Trân Văn – VOA
Ông Phan Trọng Khánh, Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương, vừa giải thích với công chúng rằng, chuyện ông Nguyễn Trọng Điều vẫn là Thanh tra viên chính, đang làm việc với tư cách Chuyên viên tại Phòng Giám sát – Kiểm tra – Xử lý sau thanh tra của cơ quan này là… tất nhiên vì cả giới lãnh đạo Tỉnh ủy lẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương không có chỉ đạo nào khác.
Ông Điều trở thành nổi tiếng vì sử dụng văn bằng tốt nghiệp đại học giả. Sau khi sự việc vỡ lở, ông Điều bị cách chức Phó Chánh Thanh tra của Thanh tra tỉnh Hải Dương nhưng vẫn được lưu dụng, được nâng lương. Rồi ông Điều xin đi học, sau hai năm, đã kiếm được một tấm bằng đại học… thật! Thậm chí ngoài tấm bằng đại học… thật, ông Điểu sắp nhận văn bằng Thạc sĩ Quản lý kinh tế (1).
Nhìn một cách tổng quát, hệ thống công quyền Việt Nam hết sức nhân đạo với cán bộ, công chức của mình. Tuy Luật Hình sự của Việt Nam xác định, làm hoặc sử dụng con dấu, giấy tờ giả là tội phạm nhưng chẳng riêng ông Điểu, trước giờ, nhiều cán bộ, viên chức từng bị lộ vì sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả không chỉ cùng thoát vòng tố tụng mà còn giữ được việc làm, được tạo điều kiện để đi học lại.
Cán bộ rõ ràng là quý, quý hơn rất nhiều so với vài trăm ngàn thanh niên học hành đàng hoàng nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, cao học vẫn không tìm được việc làm.
***
Cán bộ vốn quý nên dù bị xác định là “sai phạm rất nghiêm trọng” trong chuyện sắp đặt để Mobiphone mua “hớ” 95% cổ phần của AVG (An Viên Group – – tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông), khiến công quỹ thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng, dẫu không thể tiếp tục đảm nhận vai trò Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn vẫn được điều động về làm Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng CSVN.
Sự nhân ái của giới lãnh đạo đảng CSVN đối với ông Trương Minh Tuấn đã góp phần nâng số lượng Phó Ban Tuyên giáo của BCH TƯ Đảng CSVN lên thành… bảy, vì chẳng lẽ lại để nhân vật thay ông Tuấn ở vị trí Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông kém ông Tuấn về vai vế trong Đảng. Chẳng rõ ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng quân đội, cựu Tổng Giám đốc Viettel, đã cám ơn ông Tuấn hay chưa khi bước vào con đường ông Tuấn đã khai phá, nhận cùng lúc cả hai hàm đáng giá, một trong chính phủ, một trong Đảng.
Kinh tế suy thoái, ngân sách thất thu, nợ nần đầm đìa và càng lúc càng cao, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền) xấp xỉ 70% đến 80% tổng chi ngân sách, khiến chi cho đầu tư để phát triển, bảo đảm an sinh xã hội giảm liên tục là… chuyện nhỏ, cán bộ, viên chức phải tỏ ra tử tế với… nhau mới là chuyện lớn.
Cách hành xử của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam với ông Tuấn, số lượng Phó Ban của một cơ quan trong BCH TƯ Đảng CSVN lên tới bảy người chính là bằng chứng sinh động nhất cho việc trả lời thắc mắc, tại sao dân chúng Việt Nam, bao gồm cả nam phụ, lão, ấu vẫn phải còng lưng cõng 11,5 triệu cán bộ, viên chức (ngoài 6,5 triệu là cán bộ, viên chức của hệ thống công quyền, còn khoảng 5 triệu là cán bộ, viên chức của các tổ chức chính trị – xã hội như Đảng CSVN và đủ loại hội, đoàn).
Năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố kết quả một cuộc khảo sát về chi phí dành cho việc nuôi nấng cán bộ, viên chức. Theo đó, nếu tính tỉ lệ cán bộ, viên chức của cả hệ thống chính trị và hệ thống công quyền trên dân số thì trung bình, chín người Việt phải cõng một cán bộ, viên chức. Nếu có thêm số liệu về số lượng quân đội, công an, tỉ lệ người Việt cõng số đồng loại đang hưởng lương trích từ tiền thuế của họ hẳn sẽ gây ấn tượng rất mạnh.
***
Cán bộ rất quý nên trong vòng bốn thập niên, từ 1975 đến nay, tại Việt Nam, số cán bộ, viên chức nhận lương hoặc trợ cấp như lương đã tăng khoảng 6,5 lần. Đáng nói là sau bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy, “tinh giản biên chế”, bộ máy lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ. Cách nay hai năm, Bộ Tài chính Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong mười năm vừa qua, cán bộ, viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không giảm mà còn tăng thêm 1,4 triệu người! Còn cán bộ, viên chức của Đảng CSVN và các tổ chức chính trị – xã hội khác thì tăng hơn ba lần. Tháng 4 năm nay, Kiểm toán Nhà nước loan báo, tính đến hết 2017, riêng hệ thống công quyền thừa 57.000 người. Nhân lực của hệ thống chính trị ra sao không được công bố!
Tuy nhiên chuyện sắp xếp lại hệ thống công quyền vốn đã được thừa nhận là hoạt động thiếu hiệu quả, lãng phí trầm trọng lại không dễ dàng. Tuần trước, tại một hội thảo về “sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã” do Bộ Nội vụ tổ chức, điều duy nhất được báo giới ghi nhận và tường thuật rộng rãi là các cán bộ, viên chức hữu trách đều than rất khó vì chưa tìm ra được cách giải quyết số cán bộ, viên chức… dôi dư. Cho dù ở Việt Nam có tới 588/713 huyện (82,4%) và 9.434/11.162 xã (84,5%) không đạt tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng chính phủ Việt Nam chỉ yêu cầu từ nay đến 2021 xóa bỏ 16 huyện và 637 xã kèm khuyến cáo là không được “vắt chanh bỏ vỏ”, “trả công rồi quên ơn” đối với cán bộ, viên chức mất việc trong quá trình sắp xếp, tinh giản (2).
Nhân đạo theo hướng đó thành ra không ai thắc mắc về việc truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến phong trào tách tỉnh, tách huyện, tách xã để bây giờ phải sáp nhập. Cũng vì nhân đạo theo hướng đó nên cầm chắc nam, phụ, lão, ấu tại Việt Nam sẽ tiếp tục phải đóng góp để hệ thống công quyền Việt Nam chăm sóc những cán bộ, viên chức mất việc trong quá trình sắp xếp, tinh giản, không mang tiếng là “vắt chanh bỏ vỏ”, “trả công rồi quên ơn”, bất kể trong số những cán bộ, viên chức ấy không hiếm những người như ông Phùng Trần Anh.
Cách nay hai năm, công chúng Việt Nam sửng sốt trước sự kiện hàng chục người kéo tới trụ sở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nộ để… xiết nợ! Theo thống kê từ các khổ chủ thì chỉ trong vòng một năm, từ 2011 đến 2015, cán bộ, viên chức xã Đồng Thái đã thiếu nhiều nhà hàng, quán karaoke và các cơ sở thương mại, dịch vụ khác trong khu vực này khoản tiền là 3,5 tỉ đồng. Các viên chức lãnh đạo chính quyền xã Đồng Thái khi đó biện bạch rằng, chuyện ăn thiếu ở các nhà hàng, hát chịu tại các quán karaoke, “đi thực tế” đều là vì… công vụ. Họ có đãi nhau thì cũng nhằm khích lệ nhau “hoàn thành công tác”, còn không thì là đãi cấp trên chứ không hề tư túi. Kết quả thanh tra sau scandal “ăn nhậu thiếu, hát chịu” cho biết thêm, chính quyền xã Đồng Thái không chỉ ghi nợ ở nhiều nơi khi tổ chức các cuộc liên hoan, mà còn ghi nợ để đưa nhau “đi thực tế” ở Sầm Sơn – một điểm du lịch thuộc tỉnh Thanh Hóa và Cửa Lò – một điểm du lịch khác tại tỉnh Nghệ An.
Sau nhiều lần bàn tới, tính lui, chính quyền thành phố Hà Nội và chính quyền huyện Ba Vì “nhất trí” cách chức Chủ tịch xã của ông Anh, với tinh thần nhân đạo giữa những người cộng sản với nhau, họ quyết định điều động ông Anh làm… Trưởng Công an xã. Ông Phùng Trần Ngọ, Phó Bí thư xã được chỉ định làm Chủ tịch xã thay ông Anh. Các khổ chủ của chính quyền xã Đồng Thái khẳng định, ông Ngọ chẳng xa lạ gì với họ vì ông cũng nằm trong số “ăn nhậu thiếu, hát chịu”, sự khác biệt giữa ông Anh và ông Ngọ chỉ nằm ở chỗ ông Ngọ là Phó nên không ký giấy nợ. Các khổ chủ tiếp tục rủ nhau đến trụ sở xã Đồng Thái… xiết nợ nữa. Thông qua báo giới, ông Ngọ phân trần rằng, chính quyền xã Đồng Thái không muốn quịt các khoản “ăn nhậu thiếu, hát chịu”. Vấn đề là họ không biết xoay đâu ra tiền. Hai năm vừa qua dù đã cố gắng “cân đối” nhưng vì vừa phải trả 35 tỉ nợ xây dựng… nông thôn mới, thành ra họ chỉ mới trả được chừng trăm triệu “ăn nhậu thiếu, hát chịu” thôi (3)!
***
Ừ thì cán bộ, viên chức quý, thậm chí rất quý, đối xử cần phải có trước, có sau nhưng khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhân đạo với nhau như thế thì dân trông vảo đâu? Công khố còn bao nhiêu để chi tiêu cho phúc lợi và bảo đảm an sinh xã hội?
Chú thích
(2) https://news.zing.vn/sap-xep-lai-don-vi-hanh-chinh-tranh-vat-chanh-bo-vo-post867495.html
(3) http://tinhhoa.net/quan-xa-an-no-hat-chiu-35-ty-chu-quan-keo-den-uy-ban-doi-no.html
Leave a Comment