Quảng Cáo

Tại sao Trump phát động chiến tranh thương mại?

Quảng Cáo

Greg Richards/ Phạm Nguyên Trường dịch|

Tại sao Trump phát động chiến tranh thương mại? Đây là lý do.
Những người chỉ trích chính sách thương mại của Trump nghĩ rằng mọi thứ đều ổn, nếu chúng ta không làm gì cả. Biểu đồ dưới đây cho thấy mọi thứ không ổn nếu chúng ta không làm gì cả.
Đây là biểu đồ đầu tư ở Mỹ từ năm 1968 đến nay. Đây hình ảnh dễ hiểu,được rút ra từ dữ liệu hàng tháng của Bộ Thương mại. Không có gì rắc rối hay phức tạp, cả về số liệu lẫn thời gian được chọn. Bộ Thương mại bắt đầu có những báo cáo như thế này từ năm 1968. Nó thay thế những báo cáo khác về đầu tư.

Tại sao biểu đồ này lại quan trọng?

Nó là bản án tử hình đối với nước Mỹ

Mặc dù đây chỉ là một chuỗi dữ liệu riêng lẻ, về cơ bản, biểu đồ chia làm hai phần, bước ngoặt là năm 2000. Không có thao túng của con người. Dữ liệu phân bố như thế, và đó là lý do vì sao biểu đồ này lại quan trọng.

Từ năm 1968 đến năm 2000, bạn thấy tăng trưởng là ổn định, thực tế của thế giới thực (là “ổn định” xen kẽ với suy thoái). Đường màu đỏ là xu hướng tăng trưởng, tính bằng phần trăm, không đổi hàng năm (tức là, theo lũy thừa). Tính toán cho thất đấy là 6%/năm. Gấp đôi tốc độ gia tăng GDP hàng năm, trong cùng thời kỳ đó. 2X (đầu tư gấp đôi tăng trưởng GDP – ND) chỉ có nghĩa là đầu tư gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế, nói chung, và trên thực tế, nó đúng là như thế.

Tại sao tăng đầu tư lại quan trọng? Ngay cả trong nền kinh tế ngày càng hướng tới lĩnh vực dịch vụ của chúng ta, nó là đầu tư – thiết bị sản xuất – giữ vững mức sống của chúng ta. Đầu tư lành mạnh là rất quan trọng để – trên thực tế, nó đồng nghĩa với nền kinh tế thịnh vượng. Đấy là lý do vì sao đầu tư không đổi (đường thẳng, màu đỏ, song song với trục hoành trên biểu đồ – ND) mà Hoa Kỳ đã trải qua từ năm 2000 rất nghiêm trọng.

Các độc giả của American Thinker sẽ ngạc nhiên khi biết rằng hiện nay họ là những người duy nhất ở trong nước, ngoài tác giả bài viết này, thấy biểu đồ vừa nói. Tôi không thể nghiêm túc hơn, khi nói vậy.

Các nhà kinh tế học không nghĩ về đầu tư bằng những con số của thế giới thực. Họ nghĩ về nó như một khái niệm trong mô hình tự cân bằng của mình. Không có nhà kinh tế học nào, từ Harvard đến Stanford, hay bất cứ nơi nào khác biết biểu đồ này. Xin hãy tin tôi: Tôi đã làm việc với những người này. Nếu bạn là người đang kinh doanh hay đang làm trong các trong học viện, xin hãy phản bác.

Người duy nhất trong xã hội hiểu rõ biểu đồ này là Donald Trump. Tôi không thể nói ông ta đã nhìn thấy nó theo nghĩa đen, nhưng ông ta hiểu nó.

Xin lưu ý, ở đây chúng ta không nói về “sự hủy diệt sáng tạo của chủ nghĩa tư bản”. Chúng ta không nói về việc không còn sản xuất roi ngựa nữa. Chúng ta đang nói về các mặt hàng chủ lực của nền kinh tế hiện đại, chúng ta không còn thiết bị để sản xuất nhiều mặt hàng trong số đó.

Chúng ta là quốc gia duy nhất thoát khỏi Thế chiến II trong tình trạng sung mãn hơn khi chúng ta bắt đầu tham chiến, và sức mạnh tương đối của chúng ta hồi cuối Thế chiến II là vô hạn. “Giúp các nước khác đứng vững trở lại trên đôi chân của mình” đã trở thành chính sách của chúng ta, và sau đó trở thành thái độ mang tính vô thức của chúng ta. Thái độ này đã trở thành một phần không thay đổi trong việc hoạch định chính sách thương mại của chúng ta, trong đó, thực chất là chúng ta mở cửa thị trường của mình cho các nước khác, trong khi chấp nhận sự kiện là thị trường của họ không cho hàng hóa của chúng ta thâm nhập vào.

Biểu đồ này cho thấy khả năng của chúng ta trong việc duy trì cách tiếp cận của Lord Bountiful đối với thương mại đã chấm dứt vĩnh viễn vào năm 2000, mặc dù không người nào trong chính quyền nhận thức được chuyện đó – trước khi Donald Trump xuất hiện vào năm 2016.

Bên cạnh những hiện tượng khác, biểu đồ này là nạn dịch – sự tuyệt vọng do tình trạng thất nghiệp thường xuyên gây ra. Thiếu đầu tư vào thiết bị là nguyên nhân gây ra những khu vực mà người dân bị đẩy khỏi lực lượng lao động và do đó, không còn được tính là người lao động nữa.

Biểu đồ này cũng là bức tranh về hậu quả của sự thất bại của chúng ta trong cuộc chiến thương mại. Chỉ có Trump – và các độc giả đang đọc bài này của American Thinker – là biết rằng chúng ta đã nếm trải thất bại này mà thôi.

Cái gì làm cho đầu tư ở Mỹ không tăng trong suốt 18 năm qua?

George W. Bush – tôi đã bầu cho ông ta hai lần – cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác, đồng ý cho Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 12 năm 2001. Sự kiện này đã giúp Trung Quốc tiếp cận thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vì hệ thống của chúng ta thừa kế truyền thống Thông Luật của nước Anh: Tuân thủ thỏa thuận đã ký. Không có nền văn hóa nào khác tuân theo quan điểm này, Trung Quốc chắc chắn là cũng không. Sau khi ký thỏa thuận WTO, Trung Quốc đã thực hiện chủ nghĩa trọng thương (mercantilism – khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu – ND) và tiếp cận thị trường của chúng ta, trong khi toàn bộ ý nghĩa của WTO là đưa chủ nghĩa trọng thương ra khỏi nền thương mại thế giới.

Các nhà kinh tế học cho rằng chủ nghĩa trọng thương không bao giờ có hiệu quả, do đó, việc Trump tấn công nó, coi đấy là cách làm của Trung Quốc là việc làm vô ích của một thằng ngu hoặc còn tệ hơn thế. Quan điểm này dựa trên lý thuyết về lợi thế so sánh có từ đầu thế kỷ XIX, do David Ricardo đưa ra. Nó nói rằng giữa các bên giao dịch, ngay cả khi chi phí sản xuất tất cả các món hàng của một bên cao hơn hơn chi phí sản xuất tất cả hàng hóa của phía bên kia, thì bên thứ nhất phải tập trung sản xuất những món hàng có lợi thế so sánh – tức là sản xuất những món hàng hóa có chi phí sản xuất thấp hơn. Nếu hai nước này buôn bán với nhau thì cả hai sẽ cải thiện được điều kiện sống của mình. Nếu đúng như thế thì nước theo chủ nghĩa trọng thương sẽ tự làm mình nghèo đi. Đây là quan điểm thấu triệt cực kỳ quan trọng.

Nhưng quan điểm đó dựa vào giả định cơ bản: vốn không thay đổi. Ví dụ của Ricardo là nước Anh nên nuôi cừu và nước Pháp nên sản xuất rượu vang, và họ nên trao đổi những món hàng này với nhau. Ví dụ được đưa ra trên cơ sở khí hậu, quan trọng nhất trong vốn cố định.

Với vốn thay đổi, như hiện nay, chủ nghĩa trọng thương có hiệu quả. Bằng cách buộc đối tác thương mại chuyển tài sản, công nghệ, bí quyết, sở hữu trí tuệ và nghiên cứu-phát triễn (R & D) sang quốc gia theo chủ nghĩa trọng thương thì mới được tham gia vào thị trường của mình, nước này có thể tự vươn lên bằng chi phí của đối tác thương mại của mình. Sau khi gia nhập WTO, bằng cách làm như thế, Trung Quốc đã lợi dụng được nền kinh tế Mỹ với các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và công việc được trả lương cao.

Đây không phải là do lòng căm thù Mỹ, mà nhằm thu lợi cho chính mình. Đối với chúng ta, đó là mất mát kép, vì khi công nghiệp chuyển sang Trung Quốc thì chúng ta sẽ mua hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc bằng tiền mà chúng ta đi vay. Hàng hóa sẽ hỏng, nhưng nợ thì vẫn phải trả, và chúng ta chẳng còn mấy cơ sở sản xuất để có thể trả nợ.

Đây không phải là chuyện nhất định phải xảy ra. Không phải là tuyệt vọng. Đó là thảo luận về sự tương quan lượng. Ở Mỹ, chúng ta không bỏ cuộc.

Ở Mỹ, khi thấy mình bị kẹt, chúng ta lao vào tấn công. Donald Trump đang làm như thế đối với nền thương mại thế giới. Trump không tấn công các nước khác; ông ta tấn công các chính sách thương mại làm cho Mỹ thiệt hại và chúng ta không thể để cho họ lừa nữa. Các nước khác thường không bị Mỹ buộc phải chịu trách nhiệm, cho nên cách làm của Trump là sự sỉ nhục đối với họ, là vi phạm luật chơi trong lĩnh vực ngoại giao tao nhã.

Mặc kệ. Đã đến lúc phải làm như thế.

Nguồn: https://www.americanthinker.com/articles/2018/08/why_is_trump_fighting_the_trade_war.html

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux