Quảng Cáo

Sau Bùi Tín, Tô Hải, lớp sóng mới vẫn dâng lên

Quảng Cáo

Ngô Nhân Dụng – Người Việt

Bùi Tín và Tô Hải mới ra đi, nhưng có thể an lòng. Vì chắc họ đã nhìn thấy những thế hệ con cháu mình vẫn giữ vững lòng yêu nước, tiếp tục đấu tranh đòi tự do dân chủ cho gần 100 triệu dân Việt Nam, như hai ông đã theo đuổi vào cuối đời.

Ông Bùi Tín và ông Tô Hải cùng sinh một năm và mất trong vòng một ngày ở hai nơi xa cách, Paris và Sài Gòn. Họ thuộc thế hệ vừa lên 18 tuổi khi lòng yêu nước của 25 triệu người Việt Nam bùng lên; toàn dân vùng dậy quyết đánh đuổi thực dân Pháp.

Khi quyết định đào tị ở thủ đô Pháp năm 1990, ông Bùi Tín đang có một địa vị cao ở báo Nhân Dân. Nếu tiếp tục đóng vai “bồi bút,” như chính ông có lúc tự công nhận, Bùi Tín có triển vọng sẽ gia nhập hàng ngũ lãnh đạo trong guồng máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản, có thể trở thành một thứ tư bản đỏ sau này. Nhưng ông đã suy nghĩ, trăn trở, trước cảnh chế độ Cộng Sản sụp đổ năm 1989 ở chính nơi nó phát sinh. Người trí thức trong ông thức tỉnh khi thấy chủ nghĩa Cộng Sản bị nhân loại vứt vào thùng rác của lịch sử vì tự bản chất hoàn toàn vô nghĩa lý.

Lương tâm trí thức đã thúc đẩy Bùi Tín từ bỏ quá khứ Cộng Sản của chính mình. Từ đó, ông dấn thân trên con đường tranh đấu cho dân chủ tự do.

Ai đã gặp Bùi Tín thì thấy rõ ông càng ngày càng quyết liệt đối với chế độ Cộng Sản phi nhân. Là người làm truyền thông, ông đã phát biểu không ngừng nghỉ trong gần 30 năm qua. Viết báo, viết sách, thuyết trình, tham dự các cuộc hội thảo, trả lời các cuộc phỏng vấn, nói trên các đài radio và truyền hình.

Những cuốn sách của Bùi Tín, như “Hoa Xuyên Tuyết” (1991), “Mặt Thật” (1995)…, và hàng ngàn bài báo, bài phát biểu sẽ là những chứng cớ cho một giai đoạn lịch sử nước ta. Ba tháng trước, dù thân thể đã lâm trọng bệnh, ông đã góp mặt lần cuối cùng với tổ chức Họp Mặt Dân Chủ trong cuộc hội thảo tại thành phố Stuttgart, nước Đức.

Khi ra đi, Bùi Tín không biết rằng nhạc sĩ Tô Hải ở Việt Nam cũng sắp từ giã cõi đời. Nhạc sĩ Tô Hải cũng bị đảng Cộng Sản lợi dụng như Bùi Tín. Ông đã trên dưới 1,000 bản nhạc, như Bùi Tín viết hàng ngàn bài báo, cuối cùng nhận ra mình đã mất hết, chỉ làm công cụ cho đảng Cộng Sản.

Như chính Tô Hải đã thú nhận trong tự truyện “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn,” “hầu hết sáng tác của tôi là do ‘hèn’ nên nội dung chỉ là hát lên hát xuống các khẩu hiệu tuyên truyền.”

Bao nhiêu văn nghệ sĩ thuộc thế hệ trước và sau Bùi Tín và Tô Hải cũng chịu số phận “văn nô” vì lỡ chân theo đảng Cộng Sản, tưởng lầm mình đang xây dựng tương lai dân tộc. Vào cuối đời, Chế Lan Viên đã tỉnh mộng, bày tỏ những lời tạ tội với lịch sử. Ông thú nhận chính mình đã viết những câu thơ thúc đẩy hàng triệu thanh niên đi giết đồng bào rồi chịu cái chết vô ích. Nguyễn Khải đã can đảm nhìn nhận tài viết văn của mình bị uổng phí chỉ vì cả cuộc đời cam tâm làm tay sai cho chế độ. Lê Hiếu Đằng đến khi sắp qua đời còn bày tỏ thái độ dứt khoát từ bỏ con người Cộng Sản ở trong mình để được trở về với dân tộc.

Bao nhiêu con người, nuôi trong mình di sản của dòng máu yêu nước tinh ròng chảy cuồn cuộn trong huyết quản mọi người dân Việt Nam, đã thức tỉnh nhìn ra mình đã bị một bọn người cuồng tín, gian manh, chuyên chế độc quyền lừa bịp. Những người văn nghệ này đã thức tỉnh, quyết định quay lại sống như con những người Việt Nam chân thật. Họ đứng về phía dân tộc, vạch rõ bộ mặt dối trá, phản phúc của chế độ bạo tàn đang đưa nước Việt Nam vào vòng lệ thuộc đế quốc đỏ Trung Cộng. Họ đã chọn con đường danh dự, mong góp tay xây dựng một đất nước tự do dân chủ.

Con đường đó đang lôi cuốn hàng triệu người thuộc thế hệ sau nối gót.

Những lớp sóng đấu tranh đang trỗi dậy ở khắp nước Việt Nam. Các cuộc biểu tình chống Đặc Khu dâng đất cho Trung Cộng và chống luật kiểm soát mạng xã hội đã tự động bùng lên. Người dân đã ý thức nhu cầu tự do dân chủ. Lớp người trẻ đã theo tiếng gọi của những Nguyễn Đan Quế, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Quang A, vân vân.

Những thanh niên còn đang cắp sách đến trường như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Việt Khang…, cùng đứng dậy phản đối Trung Cộng lấn chiếm quê cha đất tổ. Những cô gái như Đỗ Thị Minh Hạnh, Bùi Thị Minh Hằng, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Huỳnh Thục Vy, Phạm Đoan Trang… nêu tấm gương dũng cảm cho các thanh niên cùng thế hệ.

Trong lúc hai ông Bùi Tín và Tô Hải sắp từ giã cõi trần, họ có thể được nghe tin Huỳnh Thục Vy, ở Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, đang phải đối đầu với chế độ Cộng Sản phản dân tộc. Tác giả cuốn “Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền” bị sách nhiễu chỉ vì đã từng thẳng thắn công khai xác nhận chính cô là người xịt sơn lên các lá cờ đỏ sao vàng trong những bức ảnh hồi cuối năm 2017 trên mạng của mình.

Huỳnh Thục Vy nói không úp mở: “… đối với tôi thì cờ đỏ, ‘cờ máu’ là biểu tượng của sự đàn áp, độc tài, độc đoán, phi dân chủ, phản dân quyền của chính quyền độc tài Cộng Sản Việt Nam. Nó là biểu trưng cho việc đảng Cộng Sản Việt Nam ngồi trên đầu 90 triệu người dân.”

Huỳnh Thục Vy đã may những chiếc áo mang hình ảnh lá cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tượng lớp người trẻ tuổi chưa lớn lên hay chưa ra đời khi miền Nam bị Cộng Sản chiếm cũng nuôi tấm lòng hoài vọng thời kỳ một nửa nước Việt Nam còn chế độ tự do dân chủ cho thấy lòng dân Việt đã chuyển hướng.

Năm 2015, Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, đã từng công khai treo cao lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước nhà mình tại Nghệ An. Một nhóm năm người thanh niên mặc bộ quân phục Việt Nam Cộng Hòa “biểu tình ngồi” tại Hồ Gươm, Hà Nội dù biết trước họ sẽ bị bắt. Tháng Giêng năm nay bốn người ở An Giang, trong đó có Vương Văn Thả, bị xử 6 đến 12 năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước,” khi họ treo cao ngọn cờ vàng vào ngày 30 Tháng Tư, 2017.

Làn sóng đấu tranh đòi tự do dân chủ đang tiếp tục dâng lên. Các ông Bùi Tín, Tô Hải có thể yên lòng nhắm mắt. Vì con đường họ đã lựa chọn khi thức tỉnh càng ngày càng đông với một thế hệ mới cầm đuốc tiến lên.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux