Trúc Giang (VNTB) – Theo thông cáo mới nhất từ Văn phòng Quốc hội, dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật Đặc khu) chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 8 này.
Thiếu sức mạnh của “hậu phương công nghiệp”?
Thay vì hưởng ứng lời tuyên bố đầy phấn khích của bà chủ tịch Quốc hội “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng”, thì cần trả lời câu hỏi rất quen thuộc từ hơn chục năm qua: Bắc Vân Phong để làm gì khi miền Trung dày đặc cảng biển, dày đặc khu kinh tế nhưng miền Trung vẫn mãi chưa giàu có?
Trong một hội thảo, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng với đường bờ biển dài hơn 1.200 km và 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng biển loại 1), duyên hải miền Trung có những lợi thế mà ở nơi khác không có. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận xét rằng các địa phương đã không biết phát huy, lợi thế đó đang trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển.
Ngoài cảng biển thì một lợi thế khác cũng cần kể đến, là toàn vùng có 6 khu kinh tế ven biển, diện tích quy hoạch 152.000 ha, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu. Nhưng trên thực tế thì các khu kinh tế lại chưa được khai thác như hoạch định.
Lý do là dù dày đặc các khu kinh tế ven biển và khu công nghiệp, song các tỉnh miền Trung chưa có “hậu phương công nghiệp” đủ mạnh.
Một tham luận của TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho hay mô hình khu kinh tế ven biển kể từ đầu thập niên 2000 chưa đạt nhiều kết quả.
Theo ông Du, với quyết tâm nửa vời và sự tự chèo kéo nhà đầu tư của các địa phương đã dẫn đến mô hình kinh tế ở các tỉnh miền Trung giống như “quả mít”. Tỉnh nào cũng nói phát triển dịch vụ, công nghiệp, nhưng không thể xác định lĩnh vực nào là mũi nhọn để tập trung đầu tư. Vùng này không có sự hỗ trợ theo kiểu liên kết để cùng nhau có lợi.
Hiện nay, cuộc đua thu hút đầu tư giữa các địa phương tại miền Trung vẫn đang diễn ra gay gắt suốt ‘mấy đời’ Thủ tướng và Chủ tịch nước. Trong cuộc đua này, yếu tố cảng biển được các địa phương sử dụng như một “chủ bài” chiến lược để quảng bá sức hấp dẫn.
Song vấn đề của miền Trung là những khu kinh tế lớn như Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất… đều chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, sản xuất, trong khi các tỉnh vẫn thi nhau vay vốn nâng cấp các cảng của địa phương mình. Điều này vừa khiến hao tổn nguồn lực trong đầu tư, vừa khiến việc cạnh tranh giữa các tỉnh trở nên gay gắt.
Đang ‘dẫm chân nhau’…
Tình trạng “đâu đâu cũng đề nghị làm cảng tổng hợp, cảng container” đang khiến các tỉnh miền Trung bị “dẫm chân nhau” trong thu hút gọi vốn. Nhà đầu tư đã không nhìn thấy rõ được điểm riêng, điểm lợi thế của từng khu.
Đơn cử, Dung Quất xác định trở thành trung tâm lọc hoá dầu quốc gia, thì hệ thống cảng biển đi kèm phải là hệ thống cảng biển chuyên biệt, dùng phục vụ cho ngành này. Dung Quất lại cũng đề xuất làm cảng container, với dân chuyên ngành kinh tế biển, thì khi ấy Dung Quất không còn tạo được điểm nhấn trong chiến lược phát triển của mình.
Trở ngược thời gian. Giữa tháng 12/2006, cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam được khánh thành nối thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Cây cầu đã mang tới giấc mơ về một Hồng Kông… bên hông Quy Nhơn, đưa các tỉnh miền Trung rực sáng… Rồi biết bao tháng, năm đi qua, viễn cảnh sẽ có một Hồng Kông rực sáng giữa lòng miền Trung cứ lùi dần, thậm chí, nhiều người giờ đây quên mất chuyện đã từng có một giấc mơ đẹp đẽ như thế.
Xem ra câu hỏi “dày đặc cảng biển, khu kinh tế, tại sao miền Trung vẫn… chưa giàu?”, không dễ có câu trả lời. Bởi mấy mươi năm qua, với nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”, đúng là các tỉnh miền Trung đang nằm sát nhau, gặp nhau thì các ông, bà quan chức đầu tỉnh bắt tay và ‘ôm hôn thắm thiết’, nhưng sau đó thì mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nấy rạng; chẳng mấy ai chịu lép vế ai – giống như khi chia tách Đà Nẵng, Quảng Nam, khi ấy chủ tịch tỉnh Quảng Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hẳn cuộc họp báo hoành tráng tại Sài Gòn, với tuyên bố Quảng Nam sẽ ‘nâng cấp’ sân bay quân sự Chu Lai thành sân bay quốc tế, bất chấp chuyện sân bay quốc tế Đà Nẵng cách đó chưa đến trăm cây số đường bộ.
Có ví von rằng mỗi khi các tỉnh miền Trung bàn chuyện liên kết phát triển kinh tế, nó giống như trò chơi xếp hình của trẻ em vậy. Trong một mớ mảnh ghép ấy, nếu chơi hay, chơi tốt thì hình sẽ đẹp; còn nếu lắp ráp, liên kết thiếu tính logic thì món đồ chơi ấy không ra hình hài gì cả…
Từ đề nghị phải có đặc khu Bắc Vân Phong để “một đồng rót vào đây sẽ hút về hàng chục, hàng trăm đồng”, xin tạm kết bài viết này bằng một nhận xét, “các tỉnh miền Trung có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là… mạnh ai nấy chạy!”. Chạy cho Quốc hội duyệt đặc khu Bắc Vân Phong là một ví dụ.
Leave a Comment