Những tư duy và đầu óc thủ cựu đã ăn quá sâu vào ngay cả những giáo viên đứng trên bục giảng. Dường như chính họ cũng đã trở thành một phương tiện và công cụ của giáo dục. Họ đã không còn nhắm đến mục đích của giáo dục là người học chứ không phải người dạy. Giáo dục là để cho con người trở nên là con người chứ không phải là những nấc thang thoả mãn những điều kiện của giáo dục với hàng loạt các cuộc thi cử.
Ở Nhật, Singapore, Ấn Độ không có thi tốt nghiệp quốc gia. Ở Anh cũng vậy. Ở Mỹ, các trường đại học được tự tuyển sinh và các học sinh cấp 3 hầu hết ở các bang cũng không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp mà được xét điểm tích luỹ của các môn học bắt buộc (PTTH ở Hoa Kỳ từ lớp 9 đến 12). Một số tiểu bang đang đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp ở những bang này.
Mục đích của tốt nghiệp THPT chỉ đơn giản là việc xác nhận một người đã hoàn thành một “chương trình giáo dục phổ thông”, tức là đã kết thúc một chặng đường phổ cập chung dành cho tất cả mọi người. Điều đó cho thấy giáo dục là một hành trình, do đó khi người học đi đến vạch đích lại phải dừng lại để kiểm tra xem có thể chạm đến đích được nữa hay không bằng một cuộc thi của chính các giám khảo là một điều vừa vô nghĩa vừa phản khoa học. Trong khi việc đến được điểm đích hay không phụ thuộc vào “thành quả học tập” được tích luỹ và rèn luyện trong suốt hành trình đã qua, tức sức khoẻ (là tri thức) của thí sinh tham gia chạy trên hành trình đó.
Phá hoại giáo dục chính là giáo dục không đúng cách, mà việc này xuất phát từ những nhận thức và tư duy sai lầm về triết lý giáo dục. Người ta cố giữ một cuộc thi phổ thông bằng việc tổ chức một cuộc đấu trên toàn quốc để giải quyết điều gì, nhất là gần như tuyệt đối các thí sinh tham gia đều vượt qua cái đích đã được vạch sẵn? Phải chăng họ đang sợ hãi sự thay đổi vì nó sẽ làm mất đi cơ hội để được mở các lò luyện thi, những khoá học thêm, mà hiện nay chúng đã trở thành một tệ nạn và còn đang hoành hành trên thân xác bệ rạc của cả một nền giáo dục và đày đoạ đến kiệt sức các thế hệ học sinh?
Chính sự nhồi nhét, học vẹt, thành tích, thi cử, áp đặt mới phá hoại nền giáo dục. Và sự thất bại ê chề và đau đớn của giáo dục nước nhà hôm nay đều xuất phát từ những kẻ ấu trĩ cố sức bảo vệ đến cùng những hành vi phản giáo dục và phá hoại như thế đấy!
Leave a Comment