Làn sóng biểu tình toàn quốc hôm 10-06-2018, một cuộc xuống đường rầm rộ chưa từng có dưới chế độ CSVN kể từ năm 1975 quả đã gây chấn động cho nhà cầm quyền Hà Nội. Đem Luật Bán nước mang mỹ danh Luật Đặc khu và Luật Bịt miệng mang mỹ danh Luật An ninh mạng ra thách thức toàn dân, đám chóp bu ở Ba Đình đã có dịp thấy lòng yêu nước của nhân dân bùng lên dữ dội. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Mỹ Tho, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương, Hà Nội,… Không chỉ là những tiếng hô: “An ninh mạng, Bịt miệng dân!” “Không Trung Quốc! Không đặc khu kinh tế!”, “Vì độc lập, phản đối Luật Đặc khu! Vì tự do, phản đối Luật An ninh mạng!”… mà cả tiếng thét “Đả đảo bọn bán nước”, “Đả đảo cộng sản bán nước”, “Đả đảo Việt gian cộng sản!”. Đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự kiến trước đó hôm 04 tháng 06 tại hành lang Quốc hội: “Những làn sóng khủng khiếp”!

Nhưng với bản chất độc tài đảng trị và tính khí sắt máu bạo tàn, di truyền từ lãnh tu tiên khởi Hồ Chí Minh, với tâm trí ngày đêm ám ảnh chuyện bị nhân dân lật đổ và hỏi tội, Nguyễn Phú Trọng và bộ Chính trị đã ra tay ngay Chúa nhật tiếp đó 17-06 ở Sài Gòn. Một cuộc trấn áp hung bạo nhắm vào nhân dân đã diễn ra tại công viên Tao Đàn, mà nay đi vào lịch sử với cái tên mới “Công viên Tao Đàn Áp” (hay Công viên Tao Đập”). Ở đó, lịch sử ngàn đời của dân Việt chứng kiến và ghi nhớ sự điên cuồng của một bầy quỷ, quỷ đỏ. Hàng trăm công an mặc luôn sắc phục chứ không chỉ thường phục, cùng với cả ngàn tên khác mang bản chất côn đồ hay côn đồ chính hiệu, dựng nhà tù dã chiến gom những thường dân vô tội bị nghi biểu tình lại đánh tập thể. Người bị gãy răng, người bị sưng má, người ho ra máu, người xỉu tại chỗ, người bị chấn thương sọ não, người phải vào thẳng bệnh viện… Cả những cụ già, thiếu nữ và trẻ em, chúng cũng chẳng chừa. Không chỉ các nam công an, cả nữ công an cũng tham gia gào thét tục tĩu, chửi bới mày tao với người lớn, và đánh dân một cách man rợ bằng nắm đấm, đế giày, dùi cui, mũ sắt, còng thép và bằng bất cứ vật gì cứng trong tầm tay. Biết rằng mình đang phạm pháp, chúng vẫn ứng xử như một bầy thú hoang điên dại.

Nhưng đấy chỉ là đòn phủ đầu chốc lát của đám lãnh đạo Cộng sản. Cần phải giáng cho bọn thảo dân những đòn trừng phạt dài ngày hơn, để chúng biết thế nào là cái giá của việc xuống đường biểu tình, để chúng biết thế nào là “lễ độ” khi dám thách thức đảng và nhà nước!

Do đó, vào các ngày 12 và 23-07 vừa qua, tòa án tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử và tuyên án 2 đợt gồm 17 người ở thành phố Phan Thiết và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” khi họ tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An Ninh mạng hôm 10 và 11 tháng 6. Tổng cộng gần 30 năm tù giam giáng xuống trên những cư dân mà từ nhiều năm nay đã điêu đứng cuộc sống vì khí, nước, đất ô nhiễm do những nhà máy nhiệt điện, vì hải sản chết dần hay cạn kiệt do thói vô trách nhiệm của đám quan quyền địa phương.

Mới nhất, một tòa án ở tỉnh Đồng Nai hôm 30-7 đã tuyên phạt từ 8 tháng đến 1 năm 6 tháng tù cho 15 người biểu tình chống hai dự luật gây tranh cãi nói trên hôm 10-06. Cùng bị xét xử còn có 5 người khác nhận mức án thấp hơn là 1 năm cải tạo không giam giữ do “đang nuôi con nhỏ”. Nhà cầm quyền khép những công dân này vào tội “gây rối trật tự công cộng”. Theo cáo trạng, nhóm bị cáo -thuộc số hơn 200 người tham gia biểu tình và hơn 100 người bị bắt hôm ấy- đã “gây náo loạn”, “cố tình chặn đường” và “làm ách tắc giao thông” trên một tuyến quốc lộ. Điều đặc biệt – nhưng thường thấy trong các phiên tòa chính trị tại VN – là gia đình các bị cáo không mời được luật sư bào chữa, cũng chẳng được cho vào tòa tham dự.

Linh mục Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Thọ Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, người từ lâu nay không ngừng lên tiếng cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền một cách mạnh mẽ và độc đáo, lần này có một số “con chiên” (giáo dân) nằm trong hàng ngũ bị tù. Ông đã nhận xét về những bản án mà tòa tuyên cho các biểu tình viên ở thành phố Biên Hòa như sau: “20 người này biểu tình ôn hòa, bày tỏ chính kiến để nhà nước biết lòng dân. Nhưng mà cộng sản cướp quyền của công dân, quyền biểu đạt ý kiến, quyền biểu tình. Và họ đưa ra bản án này nhắm hù dọa để đừng có ai đi biểu tình, bày tỏ chính kiến, để họ toàn quyền độc ác cai trị Việt Nam” (theo RFA 30-07).

Ông cũng nói với đài VOA cùng ngày: “Với cái mức án đó, cộng sản họ muốn hù dọa những người đi biểu tình ôn hòa. Đó là mức án phi nhân, một mức án tước quyền công dân, tước quyền biểu lộ chính kiến, tước quyền biểu tình của công dân. Bây giờ nhà cầm quyền độc tài lại cướp luôn quyền công dân đó, và họ vi phạm nhân quyền”. Ông còn thêm: “Cũng không nên phạt tiền [các bị cáo] vì đó là quyền công dân. Họ đang giúp đất nước khỏi rơi vào tay giặc Tàu”, sau khi một số thân nhân các bị cáo bày tỏ với VOA rằng căn cứ theo luật về tội gây rối, việc làm của họ không gây hậu quả nghiêm trọng nên chỉ đáng bị phạt tiền dưới 1 triệu đồng, thay vì phải đi vào ngục.

Thấy đây là một sự kiện báo hiệu một vấn đề quan trọng, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam cũng lập tức ra Tuyên bố “Kết án người biểu tình ôn hòa là vi phạm quyền con người” với những lời nhận xét như sau: “Người dân có quyền tụ họp cùng nhau để cổ xúy và bảo vệ quyền con người thông qua hình thức phản đối ôn hòa hay bày tỏ quan điểm của mình. Nhà nước có nghĩa vụ chủ động, bảo đảm rằng người dân có thể thực hiện quyền biểu tình ôn hòa hay bày tỏ chính kiến mà không bị đe dọa, quấy nhiễu hay đánh đập. Quyền tự do tụ họp ôn hòa là một quyền căn bản của con người được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm, hội đoàn độc lập (không giấy phép), hội nhóm hợp pháp hay các thành phần thiểu số khác. Việc bảo vệ quyền tự do tụ họp ôn hòa giữ vai trò cốt lõi tạo ra một xã hội đa nguyên và bao dung khiến các tầng lớp xã hội có tín ngưỡng, phong tục, chủ trương khác nhau có thể sống trong hòa bình

Tuyên bố xác định rõ: “Thuật ngữ “ôn hòa” được hiểu bao gồm các hành động có thể gây ra bực bội, phiền lòng hay ngay cả làm cản trở các hoạt động sinh hoạt của bên thứ ba. Người tham gia biểu tình cần phải tiết chế hành động bạo lực. Sự sử dụng bạo lực của thiểu số sẽ không mặc nhiên đưa đến kết luận rằng đó là biểu tình bạo lực. Những cuộc biểu tình có sự phản kháng thụ động chống lại hành động vũ lực thì có thể xem như ôn hòa. Một thí dụ khác, một biểu tình viên không dùng bạo lực trong một cuộc biểu tình có ít nhiều bạo lực thì người đó vẫn xem là biểu tình viên ôn hòa. Những hành vi có thể bị xem như “bạo lực” bao gồm cư xử bất nhân hay xúc phạm nhân phẩm”.

Sau khi nêu ra những “Tiêu chuẩn quốc tế về quyền biểu tình ôn hòa” có trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) điều 20, Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (1966) điều 21, Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về Người bảo vệ Nhân quyền (1989) điều 5, Công ước Quyền Trẻ em (1989) điều 15, Tuyên bố của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm nhắc cho nhà cầm quyền nhớ:

Lý do hợp pháp hạn chế quyền tụ họp ôn hòa bao gồm: Trật tự công cộng, an ninh công cộng, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ đạo đức, bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác, hay an ninh quốc gia. “Trật tự công cộng” không được sử dụng để biện minh cho sự cấm đoán hay giải tán tụ họp ôn hòa. Mối nguy giả định mất trật tự công cộng hay có sự hiện diện của đám đông thù địch không thể dùng như chứng cớ cấm đoán biểu tình ôn hòa. Áp đặt trước các hạn chế từ sự suy đoán khả năng xảy ra bạo động nhỏ cũng không thích đáng. Trong trường hợp này, kinh nghiệm các nước Phương Tây cho thấy họ không áp dụng biện pháp hạn chế trước đối với quyền tụ họp ôn hòa mà chỉ bắt kẻ hành xử bạo lực ở những vụ bạo động đơn lẻ. Áp đặt trước hạn chế chỉ được thực hiện khi có bằng chứng rõ ràng rằng người tham gia biểu tình sẽ cố tình kích động tạo ra bạo loạn.

Nhà nước có nghĩa vụ duy trì “an ninh công cộng”, nhưng nghĩa vụ này không phải là của người tổ chức biểu tình. Tuy nhiên, người tổ chức cũng cần quan tâm đến sự an toàn của các thành phần khác trong xã hội. “Bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác” được cơ quan có thẩm quyền xem xét cân đối trong phạm vi bị ảnh hưởng của biểu tình. Nguyên tắc cân đối bảo đảm rằng cuộc sống, buôn bán, đi lại của người dân không tham gia biểu tình chẳng phải chịu những gánh nặng quá đáng. Những xáo trộn tạm thời do lượng xe cộ, người đi đường tự bản thân nó không là lý do để cấm đoán biểu tình. Quan điểm đối nghịch với nội dung biểu tình cũng không đủ trở thành lý do cấm đoán, vì sự cần thiết yếu tố bao dung trong xã hội. Cánh cửa quyền tụ họp ôn hòa cần mở rộng, và nó vốn chỉ tạm thời, so với lý do bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác. Về mặt kỹ thuật, giải quyết xung đột quyền lợi này được tiến hành thông qua trao đổi giữa ban tổ chức biểu tình, nhà chức trách và người dân bị ảnh hưởng nếu có”.

Tuy nhiên, với một não trạng độc tài toàn trị, luôn sợ người dân nói khác làm khác (chưa kể nói nghịch làm nghịch) với mình, đảng CS luôn lấy cớ “an ninh quốc gia”, “trật tự đất nước”, “ổn định xã hội” để kiểm soát từ trong đầu óc, ngăn chặn từ trên môi miệng, dập tắt từ trong trứng nước mọi hành vi mà họ coi là thách thức hay gây hại cho quyền lực và quyền lợi của họ. Việc bắt dân trả giá 8 tháng ở tù cho 8g xuống đường yêu nước là một kiểu răn đe –mà Đồng Nai là thí điểm đầu tiên, sẽ đến lượt các nơi khác – răn đe dân rằng từ nay tất cả các cuộc biểu tình được tổ chức và diễn tiến dù trong ôn hòa đều sẽ bị xem như tội hình sự “tụ tập gây rối công cộng” và sẽ bị trừng phạt đích đáng. Thêm 1 viễn tượng u ám cho nhân quyền!!!

Chính vì lý do đó, người dân cần tiếp tục xuống đường, xuống đường đông đảo, liên tục, rộng khắp để giành lại quyền làm chủ đất nước, để đẩy nhà cầm quyền vào đúng vị trí “đầy tớ nhân dân” như họ thường ra rả, để dồn cái chế độ bất nhân và bất tài, gian dối và tàn bạo này vào chân tường để nó phải bị giải thể. Trong việc sử dụng quyền lực nhân dân này, áp dụng phương pháp đấu tranh chính đáng này, sự tham gia của các cộng đoàn tôn giáo (vốn là những xã hội dân sự tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, tinh thần ôn hòa) là điều cần thiết, sự dấn thân của các lãnh đạo tinh thần là điều đáng mong đợi. Đừng quên bài học của các nước cựu cộng sản Đông Âu.

Ban biên tập Bán nguyệt san Tự do Ngôn luận