Phạm Chí Dũng – VOA|
Một số quan chức của Bộ Công an hẳn đã thót tim khi nghe tin Nguyễn Hải Long – một nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Đức – vào ngày 17/7/2018 bất ngờ chịu nhận tội đã tham gia vụ bắt cóc này.
Từ nhận tội đến ‘khai sạch’
Những quan chức của Bộ Công an có lẽ cũng chẳng mong muốn ‘đồng chí Nguyễn Hải Long’ được Tòa Thượng thẩm Berlin giảm án vì thành tích đã ‘thành thật khai báo’.
Nhưng phản ngược với ý nguyện trên, chỉ một tuần sau cử chỉ cúi đầu nhận tội làm gián điệp và bắt cóc, Nguyễn Hải Long đã được hưởng mức án chỉ có 3 năm 10 tháng tù vì tội, tức giảm đến phân nửa so với mức án lên đến bảy năm rưỡi tù giam nếu không chịu nhận tội.
Phiên tòa xử Nguyễn Hải Long cũng bởi thế đã kết thúc sớm hơn dự kiến khoảng một tháng.
Nhưng cái án cho Nguyễn Hải Long lại mở ra những hệ quả mới. Hành động tiếp theo của Đức sẽ là gì?
Chứng cứ dành cho cả châu Âu
Thật khó tưởng tượng ra người Đức – sau khi đã nổi giận bởi vụ bắt cóc và cứng rắn đến mức thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức – lại không làm gì thêm sau khi có được nhân chứng sống Nguyễn Hải Long đã ‘khai sạch’.
Vào thời điểm Nguyễn Hải Long nhận tội, hãng tin BBC cho biết nội dung bản khai bổ sung viết “Việc thuê xe sang Berlin là để bắt một nhân vật rất quan trọng, nhằm đem về Việt Nam xét xử”. Nguyễn Hải Long cũng thừa nhận ông ta biết rằng người chỉ đạo chiến dịch bắt người này là tướng Đường Minh Hưng, người mà ông đã đặt phòng khách sạn hộ tại Berlin. Nguyễn Hải Long cũng khai trước tòa rằng sau khi vụ bắt người hoàn thành, ông đã tham dự một buổi tiệc “ăn mừng” ở Prague, với tướng Hưng là một trong những người có mặt và đã “uống khá say”. Phần trình bày bổ sung này của bị cáo Nguyễn Hải Long đã được bên công tố và luật sư đại diện ông Trịnh Xuân Thanh chấp nhận là “phù hợp kết quả điều tra”…
Đường Minh Hưng lại là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam. Vào tháng Mười Hai năm 2017, Công tố Đức đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với Đường Minh Hưng. Tin tức này đã được báo chí Đức phát đi vào giữa năm 2018, nhưng từ đó đến nay Bộ Công an và chính phủ Việt Nam vẫn hoàn toàn ‘cấm khẩu’, không có bất kỳ phản ứng nào trước động thái không khác gì ‘hạ nhục’ từ người Đức.
Từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mặc dù phía Đức đã trưng ra một số bằng chứng (nhân chứng, vật chứng) để chứng minh có sự tham gia trực tiếp của mật vụ Việt Nam vào vụ bắt cóc này, nhưng việc Nguyễn Hải Long nhận tội có thể được xem là chứng cứ sống đầu tiên của chính thủ phạm mà đã tố cáo trực tiếp về đường dây bắt cóc của Trung tướng công an Đường Minh Hưng. Trên phương diện tố tụng hình sự, chứng cứ này là đặc biệt quan trọng và có thể mở đường cho hàng loạt phanh phui tiếp theo về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong thời gian tới.
Chứng cứ trên cũng trở thành đề dẫn hùng hồn khiến cả châu Âu phải ‘mở mắt’ trước lời tuyên giáo ‘Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước’, để sẽ phải thiết lập một hàng rào an ninh nghiêm khắc hơn bao giờ hết trên Lục Địa Già không chỉ với việc nhập cảnh của giới an ninh mà cả với nhiều thành phần quan chức khác của chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Lời thú tội của Nguyễn Hải Long tại Tòa Thượng thẩm Berlin vào ngày 17/7/2018 càng thúc đẩy mau hơn và mạnh hơn những quyết định tiếp tới của ngành tư pháp Đức để chế tài Việt Nam, kể cả việc phát thêm lệnh truy nã quốc tế đối với một số gương mặt quan chức cao nào đó thuộc công an Việt Nam, kể cả sẽ cáo buộc và truy xét những nhân vật cấp cao của đảng CSVN, trong bối cảnh Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ một động tác xin lỗi và ‘cam kết không tái phạm’ nào trước người Đức.
Những gương mặt mới nào sẽ được hưởng lệnh truy nã toàn châu Âu và do đó cũng bị bịt kín cánh cửa ‘ra đi tìm đường cứu nước’?
Chỉ còn là vấn đề thời gian
Ngay vào năm 2015 trước khi quan chức bị xem là ‘trùm tham nhũng’ – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – chưa phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương để ‘trở về làm người tử tế’, một hiện tượng xã hội rất đặc thù và đã trở nên phổ biến ở Việt Nam là một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 – 1.000.000 đô la để được nhập tịch Canada theo dạng đầu tư. Ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ. Đến năm 2017 là vụ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị phát hiện có quốc tịch Malta. Và còn rất nhiều quan chức khác chưa bị lộ…
Từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền đến nay, tình hình chính trị và xã hội trên rẻo đất Việt bi thương và quằn quại giống hệt một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu. Nhiều quan chức và thương gia đã ngầm hiểu với nhau là bằng nhiều cách phải có thêm một quốc tịch nước ngoài để sẵn sàng nhảy lên máy bay hướng về trời Tây một khi Tổ quốc ‘có biến’.
Song không có được cái may mắn dù chỉ nửa vời như Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Thị Nguyệt Hường và thậm chí còn tệ hơn cả thân phận của… Trịnh Xuân Thanh, cửa thoát của tướng Đường Minh Hưng không cần phải bàn cãi, mà đã bị bít hẳn từ cuối năm 2017.
Còn Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một số những quan chức công an khác đã bị nêu tên trước Tòa Thượng thẩm Berlin, kể cả những quan chức Việt Nam nằm trong danh sách đoàn 12 người bị cho là đã lợi dụng lòng hiếu khách của Chính phủ Slovakia để mượn máy bay Slovakia và mượn luôn vùng không phận Ba Lan để áp tải Trịnh Xuân Thanh sang Moscow và từ đó về Hà Nội, cũng rất nhiều khả năng sẽ không thể tránh thoát số phận bị phát lệnh truy nã không chỉ trên toàn châu Âu, mà còn vươn tới những nơi khác khác như Mỹ, Canada, Úc… – những quốc gia có mối quan hệ hiệp định dẫn độ với nước Đức.
Tương lai nào cho những kẻ ‘ra đi tìm đường cứu nước’?
Ngay sau khi phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Hải Long kết thúc, nhà báo Lê Trung Khoa – chủ bút của trang Thoibao.de của cộng đồng người Việt ở Đức – đã nhận định rằng phía Đức sẽ có những bước đi tiếp theo đối với những nhân vật khác đã được phía Đức xác định có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. “Khi Nguyễn Hải Long đã chủ động nhận tội tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì vụ án này có kết quả rất tốt, bằng kết quả là họ ký nhận có tham gia vụ bắt cóc và đây là vụ bắt cóc. Khi có kết quả này rồi thì như nhận định của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh là chắc chắn sẽ có những động thái tiếp theo với những đối tượng đang trốn chạy là tướng Đường Minh Hưng, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một số những người khác đã được nêu tên trước tòa” (RFA Việt ngữ).
Khác nhiều và khác hẳn với thời kỳ trước là lúc quan chức tham nhũng và phạm tội bay ra nước ngoài thoải mái mà không bị sờ gáy, giờ đây và sắp tới đang và sẽ là những cặp mắt, nghi ngờ, soi xét và sẵn sàng từ chối visa của nhiều quốc gia trên thế giới dành cho những kẻ đạp trên lưng dân Việt và quay lưng với Tổ quốc. Không chỉ tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, rào chắn còn đang được dựng lên khẩn cấp ở biên giới Đức và có thể lan sang Anh, Pháp, kể cả những nước được chính thể cộng sản ở Việt Nam từng xem là ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ và đến giờ còn ‘thân thiện’ như Cộng hòa Séc…
Cho dù những quan chức tham nhũng và đàn áp nhân quyền có cày cục và luồn lách để nhận được thẻ xanh ở các nước phương Tây, không có gì bảo đảm là số quan chức đó sẽ không bị hồi tố trong tương lai, khi một chính quyền dân chủ ở Việt Nam hình thành và muốn phục hồi công lý, do đó sẽ truy xét và truy cứu những quan chức tham nhũng, gây tội ác cùng tài sản của họ, cho dù số quan chức này tưởng như đã định cư an toàn ở trời Tây. Bài học Philippines thời hậu độc tài Marcos là một minh họa điển hình, khi nhiều quan chức tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn bị truy xét về tội trạng tham nhũng cùng tài sản cá nhân và đã phải trả giá./.
Leave a Comment