Tác giả: Quê Hương
Sau một tuần bị nhận xét là mang đến một bầu không khí ảm đạm về mọi mặt, tuần qua từ 22 đến 29/7, trang báo điện tử có lượng độc giả lớn nhất nước Vnexpress đã có chỉnh sửa bằng việc đưa thêm nhiều tin tức về đời sống, văn nghệ và quốc tế hơn. Cộng với vụ vỡ đập ở Lào và Việt Nam tưng bừng kỷ niệm 71 năm ngày Thương Binh Liệt sĩ 27/7 nên truyền thông lề Đảng có nhiều các tin tức lặt vặt để pha loãng màu xám xịt trong bức tranh toàn cảnh của đất nước.
Mặc dù vậy, ngay trước hôm 27/7, một thảm kịch đã xảy ra khi một chiếc máy bay Su-22 của Việt Nam đã đâm xuống núi ở Nghệ An khiến 2 phi công tử nạn tại chỗ. Hai phi công thiệt mạng lại là những người dày dạn kinh nghiệm bay và trước khi khi máy bay đâm xuống đất, nhiều người dân đã nhìn thấy chiếc máy bay bốc cháy và lượn mấy vòng trên trời. Đáng nói là vụ việc xảy ra chỉ khoảng 2 tuần sau khi ông Phó Chủ tịch quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển khẳng định Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang chứ không phải là lực lượng dân sự. Nhiều khả năng lời phát biểu trên của quan chức Việt Nam đã khiến cho ông anh Bắc Kinh tức giận và với giàn hỏa tiễn đất đối không có tầm bắn 300 km đặt trên đảo Phú Lâm thì chiếc Su-22 kia hoàn toàn có thể là mục tiêu bị bắn hạ.
Sự việc giống hệt như vụ Trung Quốc bắn rơi 2 chiếc máy bay hiện đại của Việt nam gồm 1 chiếc Su-30 MK2 và một chiếc tuần thám biển Casa 212 vào giữa tháng 6 năm 2016. Dù vụ việc trên khiến 10 lính Việt Nam thiệt mạng nhưng truyền thông trong nước im thít, ngay cả một phi công sống sót trở về thì danh tính của người này cũng không được công bố và anh ta cũng hoàn toàn mất tích trước công chúng, cho dù trước đó, anh lính này đã vô tình cho biết là nghe thấy một tiếng nổ lớn ở thân máy bay trước khi bật dù. Sau đó, một số tướng lĩnh Việt Nam như ông Nguyễn Chí Vịnh đã có những phát biểu bóng gió về việc nâng cao cảnh giác ngay cả khi phi công Việt Nam bay trên bầu trời Việt Nam.
Bên cạnh câu chuyện trên thì công cuộc đốt lò của Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khiến công chúng phẫn nộ. Cụ thể, chiều ngày 27/12, sếp bự của lực lượng cảnh sát tư tưởng Trương Minh Tuấn chính thức nhận quyết định thôi chức ở bộ trưởng 4T và được điều trở về chức phó trưởng ban tuyên giáo. Nực cười là ở chỗ Tuấn mắc tội rất nặng do bút phê cho việc Mobiphone mua khống AVG với giá trên trời gần 9000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông ta không phải ra trước tòa để trả lời về việc số tiền lớn đó đi vào túi ai và cùng bè lũ của mình nhận những bản án nghiêm khắc, thay vào đó, hắn tiếp tục chễm chệ ghế quan. Sự việc trên cho thấy, Công Lý mãi mãi chỉ là một diễn viên hề ở Việt Nam mà thôi. Hay pháp luật chỉ dành cho dân, còn quan thì do Đảng điều chỉnh. Với đà này, dư luận đồn đoán sắp tới có khi Tuấn “hói” còn viết tiếp tập 2 của cuốn “Phòng chống Tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng” cũng nên???
Ngoài những thông tin trên, truyền thông trong nước cũng đưa đậm nét về việc Vũ Nhôm bị xét xử và đưa một loạt tướng công an vào vòng lao lý, một số tướng quân đội và công an bị đề nghị kỷ luật vì vi phạm kỷ luật (không ai biết vi phạm đấy là gì), tai nạn giao thông ở Quảng Nam khiến 13 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, Tổng giám đốc công ty đào tiền ảo Sky Mining biến mất với vài chục triệu đô mang theo, cựu sĩ quan Út Trọc bị xét xử vì tội lạm dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng, lụt lội, bão lũ …
Đáng chú ý, là trong tuần qua, Vụ tiêu cực điểm ở Hà Giang liên quan đến Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh do con gái và 2 cháu ruột được nâng điểm bất thường đã bắt đầu dịu xuống và khả năng vụ này sẽ chìm xuồng. Bởi tình trạng ăn cắp điểm xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành và nếu cứ “bới ra đến đâu là thối đến đấy” thì chế độ này nguy mất.
Tóm lại, dù các truyền thông lề Đảng đã điều chỉnh làm cho các trang tin sáng sủa hơn. Nhưng những sự việc nổi cộm lại gây chú ý mạnh mẽ tới dân chúng trong tuần qua. Hay nói theo cách khác “Giờ mọi thứ đã thối lắm, có muốn đậy lại cũng không nổi nữa rồi, Đảng ơi”…
Leave a Comment