Tôi để ý thấy, trên mạng xã hội khi có ai đó tỏ ý không tin tưởng vào “công cuộc chống tham nhũng” của đảng và nhà nước, tức thời có ngay ý kiến “phản biện”, kiểu rằng “không chống cũng nói, chống cũng nói”, “không chống thì để mặc tệ nạn tham nhũng hay sao”, v.v…
Khác nhau quan điểm, chỏi nhau ý kiến, đó là chuyện bình thường trong xã hội, cụ thể trên mạng xã hội. Chúng ta cần tôn trọng cả hai phía, bởi đó là quyền tự do cá nhân.
Tôi cho rằng những người “phản biện lại phản biện” kia không hẳn là dư luận viên hoặc biên chế của sư đoàn 47. Họ có thể là đảng viên nhưng là người tử tế, họ bảo vệ cho công cuộc mà đảng họ đang tiến hành. Ăn cây nào phải rào cây ấy.
Tôi không tham gia vào những cuộc tranh luận của hai bên bởi hiểu rằng có nói thêm vào đó cũng bằng thừa, thậm chí vô ích, bởi con người ta mang đặc tính ngoan cố, ít khi tự nhận mình sai. Nói với hai ông, ông nào cũng cho mình đúng, há chẳng vô nghĩa lắm ru.
Nhưng nếu phải lên tiếng thì sẽ nói thế nào? Tôi sẽ bảo, xã hội nào cũng có tham nhũng, không nhiều thì ít. Có thì phải chống, nên ủng hộ việc chống tham nhũng. Tuy nhiên một chế độ mà để cho tham nhũng hoành hành tới mức nghiêm trọng như ở xứ ta, càng chống càng tòi ra tham nhũng, dột từ trên xuống dưới, dột khắp mọi nơi, to ăn kiểu to, nhỏ ăn kiểu nhỏ, tham nhũng công khai, vô quân vô pháp… thì việc chống cũng chỉ như muối bỏ bể, đánh rắn khúc đuôi, ném đá ao bèo.
Điều quan trọng là phải xem lại cái thể chế, cái bộ máy đã sinh ra tham nhũng, nuôi tham nhũng, che giấu nó, bảo vệ nó. Nó còn tồn tại thì tham nhũng còn. Muốn chống tham nhũng triệt để phải coi lại cái bộ máy ấy chứ chỉ lôi một vài viên quan tham, lôi đám tướng lĩnh hư hỏng ra trừng trị, cũng chỉ như đuổi ruồi mà thôi.
Cái cây đã thối gốc thì dù có tỉa cành, vặt lá cũng chả cứu được cây. Chỉ nên đào vứt gốc thối đi và trồng cây khỏe mạnh xanh tốt khác./.
Leave a Comment