Phạm Chí Dũng – Người Việt
Sau vô số tiếng khóc xé ruột và cả những cái chết tự treo cổ không thể nhắm mắt của người dân Thủ Thiêm, bản kết luận thanh tra vùng đất đẫm máu cưỡng chế này được hứa hẹn bởi Thanh tra chính phủ vẫn biệt tăm.
Liệu đã có một ý đồ toa rập giữa chính quyền ở Sài Gòn, mà cụ thể là của nhóm lợi ích “ăn đất” Thủ Thiêm và những quan chức lãnh đạo đương nhiệm của thành phố này, với các cơ quan chính phủ và với đích thân Thủ tướng Phúc, để dẫn đến những kết luận trơn tuột của ông Phúc như muốn cho vụ việc này chìm xuồng?
Báo chí ‘câm miệng’ và ‘lò’ nguội ngắt
Từ Tháng Năm, 2018 đến nay, vẫn chỉ có mạng xã hội nhức nhối vụ Thủ Thiêm, còn báo chí nhà nước bị “khóa miệng” đến mức tuyệt đối.
Nhìn lại, vào tuần đầu tiên của Tháng Năm, 2018 đã xảy ra hiện tượng các tờ báo nhà nước được bật đèn xanh và do đó được “mở miệng” gần như không hạn chế và một vài Facebooker ẩn danh liên tiếp tung bài “đánh” phe nhóm Lê Thanh Hải.
Khi đó, thậm chí có những tờ báo còn dám chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ: Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân TP.HCM, Lê Thanh Hải – chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy.
Nguyễn Văn Đua bị “tố” là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ.
Chiến dịch cưỡng chế giải tỏa Thủ Thiêm xảy ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức bí thư thành ủy (2006-2015).
Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về “cướp đất vàng” ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là “đệ tử ruột” của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Nhưng sang tuần tiếp theo của Tháng Năm đã xảy ra một hiện tượng kỳ lạ: cũng báo chí nhà nước và cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng.
Sau này mới biết chính Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo không cho báo chí đăng tiếp vụ Thủ Thiêm.
Phải chăng sau một thời gian làm đình đám và muốn “đốt lò” vụ Thủ Thiêm, Nguyễn Phú Trọng phát hiện ra vụ này liên đới quá nhiều quan chức, không chỉ quan chức đã về hưu mà cả những quan chức đương nhiệm và còn là quan chức cao cấp, nên ông Trọng đã phải vội vã cho Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo báo chí “câm miệng,” còn “lò” tạm ngừng hoạt động và đang tính toán lại làm sao để “đập chuột nhưng không vỡ bình?”
Và phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là “đi đêm” giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để “chuyển giao lợi ích” và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan?
Vào thời gian này, phải chăng Nguyễn Xuân Phúc đang muốn “chạy làng” vụ Thủ Thiêm, còn bí thư ở Sài Gòn là Nguyễn Thiện Nhân thì vẫn tiếp tục ma mị dân oan Thủ Thiêm nhưng thực chất lại chẳng làm bất kỳ điều gì để phục hồi cán cân công lý ở vùng đất thê thảm này?
Từ Ngô Văn Khánh đến kết luận kiểm tra nước đôi
Chân đứng cho những nghi ngờ trên đang ngày càng trở nên hiện hình một cách đáng sợ, mà bằng chứng rõ nhất là kết luận kiểm tra mới đây (chứ không phải thanh tra) khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ.
Vào năm 2015, vụ Thủ Thiêm đã từng bị thanh tra chính phủ tổ chức thanh tra, do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh “cầm đầu.” Nhưng cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là “ăn bẩn.”
Còn vào ngày 15 Tháng Bảy, 2018 – thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây. Không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.
Với bản kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố trên Facebook Lê Nguyễn Hương Trà vào Tháng Bảy, 2018, tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao.
Kết luận trên vẫn ghi nhận “thành tích” của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn trong việc giải tỏa 99% “đất sạch,” trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức “ăn đất,” đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua – phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…
Sẽ chìm xuồng nếu dân oan không phản ứng!
Trong lúc cơ quan thanh tra chính phủ vẫn như giấu biến bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, vào ngày 16 Tháng Bảy – tức trùng với chuyến “công du” Thủ Thiêm của quan chức Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy Sài Gòn đã ra thông báo “sẽ thành lập tổ công tác giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, do chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố làm tổ trưởng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố phụ trách đô thị làm tổ phó…”
Đã khá rõ là bản thông báo trên đang muốn thay thế cho bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, tức “khúc xương” Thủ Thiêm quá khó gặm đã được Thủ Tướng Phúc thảy cho chính quyền ở Sài Gòn, sau những dấu hiệu không kém rõ ràng về việc ông Phúc không muốn nhúng tay trực tiếp vào vụ việc này vì sợ đụng chạm quá nhiều kẻ “ăn đất,” bị dân chửi và dĩ nhiên sợ bị “mất uy tín,” và do vậy ông Phúc muốn “chạy làng.”
Cũng khá rõ về việc chính quyền ở Sài Gòn đã xin trung ương cho “xử lý nội bộ” vụ Thủ Thiêm, và cơ chế ưu ái đặc biệt này đã được trung ương thông qua.
Nếu đà ưu ái này tiếp diễn mà dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ “đánh bùn sang ao” mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm.
Nhiệm vụ có vẻ như duy nhất giờ đây của Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân là “thăm” dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm – chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có “ma” nào thèm mua. Một khi dân oan đã “ổn định” trong khu tái định cư, giới quan chức ăn bẫm hy vọng làn sóng khiếu tố sẽ giảm bớt.
Hy vọng đó là rất “đúng quy trình.” Làm thế nào để chính quyền ở Sài Gòn – “tội phạm” trong vụ Thủ Thiêm – lại muốn xử lý những tội phạm “ăn đất” của người dân? Làm thế nào để “bản lĩnh Nguyễn Thiện Nhân” dám “xử” Lê Thanh Hải và những quan chức ăn tạp khác?
Việt Nam đương đại và quằn quại có quá nhiều bằng chứng về “kẻ phạm tội đi xử lý tội phạm,” mà dẫn chứng cập nhật nhất vào nửa đầu năm 2018 là Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa lại bị biến thành cái ổ của “công an tổ chức đánh bạc và bảo kê cho đánh bạc công nghệ cao.”
Giờ đây, mọi việc lại phải bắt đầu từ đầu theo cách chính quyền ở Sài Gòn “xem xét, giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm” – như bao nhiêu lần khác trong quá khứ.
Cũng là cái thói “xử lý nội bộ” và cuối cùng sẽ dẫn đến “đánh bùn sang ao,” khiến vụ Thủ Thiêm uất nghẹn chỉ còn cách bị nhấn chìm xuồng. Chìm xuồng hẳn.
Giờ đây, hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm không còn gì để mất lại thêm một lần nữa nhận ra rằng họ vẫn chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ lợi ích và chính trị của các nhóm quyền lực – những kẻ coi cái chết tự treo cổ vì phẫn uất do bị cưỡng chế của dân oan chẳng đáng một bữa nhậu của chúng.
Leave a Comment