Trân Văn – VOA
Tuần trước, hàng trăm facebooker chia sẻ video clip ghi lại cảnh ống khói của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (tọa lạc tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phun ra một vòi khói đen kịt với đường kính có thể đến hàng chục mét, chiều cao cỡ… trăm mét (1)…
Chắc chắn chỉ… Trời mới biết tác động của đủ thứ chất độc hại và bụi bặm trong cột khói ấy lan tới đâu vì chẳng có nghiên cứu, cảnh báo, hay hạn chế nào! Xem xong video clip, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thêm một lẩn nữa thở dài, bày tỏ sự ái ngại cho sức khỏe của dân chúng huyện Tuy Phong, Bình Thuận rồi… thôi!
Đó không phải là lần đầu tiên và tất nhiên cũng chẳng phải lần cuối cùng, các nhà máy nhiệt điện trong vùng “vệ sinh đường ống”! Khu vực Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận có tới bốn nhà máy phát điện bằng than nên trong tương lai, những video clip mang tính cảnh báo như vừa kể sẽ trở thành… nhàm!
Mà chẳng riêng Vĩnh Tân, số lượng nhà máy dùng than để phát điện ở Việt Nam giờ đã xấp xỉ 20. Theo kế hoạch phát triển nguồn điện tại Việt Nam thì đến năm 2030 ( Tổng sơ đồ điện VII), số nhà máy dùng than để phát điện ở Việt Nam sẽ trải dài từ Bắc tới Nam và vượt mức… 50.
Đủ loại chuyên gia từ y tế, môi trường, đến năng lượng, kinh tế đã cũng như đang cảnh báo, đốt than để tạo điện mỗi năm sẽ thải vào không khí vài chục triệu tấn tro và một lượng cực lớn các chất nguy hiểm (dioxit lưu huỳnh – SO2, oxit nitơ – NOx, carbon dioxit – CO2, thủy ngân, thạch tín,…), những chất này sẽ phá hủy hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, tăng nguy cơ bị ung thư phổi, đột qụi, mắc các bệnh về tim mạch, bệnh mãn tính hoặc bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp… chưa kể các loại khí sunfat và nitrat còn gây ra mưa acid, hủy hoại những dòng suối, những cánh rừng. Phát triển hệ thống nhà máy phát điện bằng than còn khiến nguồn nước vốn bắt đầu thiếu trở thành khan hiếm, khi hệ thống nhà máy này thải ra hàng trăm triệu khối nước nóng 40oC, lượng nước nóng khổng lồ ấy sẽ hủy diệt hệ sinh thái dưới nước, cả triệu người sẽ mất sinh kế, sinh hoạt xã hội sẽ bị đảo lộn… Dẫu cho “Tổng sơ đồ điện VII” bị lên án là kế hoạch hủy diệt môi trường, sức khỏe và tính mạng, tương lai con người – số người chết vì các nhà máy dùng than phát điện cao gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể chi phí khổng lồ do phải chăm sóc sức khỏe của các nạn nhân và nếu cộng những thiệt hại ấy với chi phí nhập cảng hàng trăm triệu tấn than/năm, phát điện bằng than rõ ràng là không rẻ, thành ra nhiều quốc gia, kể cả Trung Quốc đã quyết định ngưng phát triển các nhà máy nhiệt điện dùng than, song… chẳng ai cản được hệ thống công quyền Việt Nam phát triển hệ thống nhà máy phát điện bằng than, hoặc do Trung Quốc trực tiếp đầu tư, hoặc tự đầu tư chủ yếu bằng vốn vay của Trung Quốc kèm cam kết sử dụng công nghệ Trung Quốc!
***
Tuần này, công chúng Việt Nam thảng thốt trước sự kiện đập chắn nước của Thủy điện Xepian – Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ. Chưa có thống kê chính thức về thiệt hại, chỉ có thể ước tính, số người chết và mất tích không dưới hàng trăm, số gia đình trắng tay, mất cả nơi cư trú lẫn tài sản không dưới chục ngàn!
Xem những video clip ghi lại thảm họa vừa kể (2), không ít người Việt liên tưởng đến hàng loạt ẩn họa tương tự trên xứ sở của mình. Ẩn họa gây nhiều lo ngại nhất là Thủy điện Sơn La. Từ năm 1999, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố ý tưởng xây dựng thủy điện Sơn La, giới khoa học trong và ngoài nước đã đề nghị chính quyền Việt Nam gạt bỏ nó.
Thủy điện Sơn La là một phần trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Ðà. Trước nữa, chính quyền Việt Nam từng cho chặn đoạn giữa của sông Ðà làm Thủy điện Hòa Bình. Với dự án thủy điện Sơn La, sông Ðà sẽ tiếp tục bị chặn ở đoạn phía trên thủy điện Hòa Bình.
Ngoài việc làm cho 20.000 gia đình, với trên 100,000 dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa số là người thiểu số) mất nơi cư trú và sinh sống, thủy điện Sơn La sẽ tạo ra vô số tác động bất lợi đến môi trường (thay đổi về vi khí hậu, hệ động vật, hệ thực vật, đất bị trượt, vận tải chất rắn, suy giảm chất lượng nước, cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn người sẽ bị xáo trộn hoàn toàn), các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam còn cảnh báo rằng, bởi những trung tâm đông dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng đều nằm dưới mực nước lũ, do rừng đã mất, biến đổi khí hậu khiến mưa bão càng ngày càng nhiều và càng lớn, Sơn La lại là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất Việt Nam (trên khu vực có bán kính 200 cây số quanh công trình thủy điện Sơn La đã xảy ra 1,089 vụ động đất), nên đập thủy điện Sơn La rất dễ vỡ. Nếu đập thủy điện Sơn La vỡ, đập thủy điện Hòa Bình cũng sẽ vỡ theo và như thế hồ chứa nước của thủy điện Sơn La thực sự là một “đại thảm họa”, treo lơ lửng trên đầu châu thổ sông Hồng. Trên báo chí Việt Nam, người ta đã từng công bố những tính toán, theo đó: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến… 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng”…Tuy nhiên kế hoạch xây dựng thủy điện Sơn La vẫn được triển khai.
Hồi tháng 9 năm 2008, người ta đã phát hiện vết nứt trên thân đập chính, đến tháng 2 năm 2009, người ta lại phát giác thêm một số vết nứt nữa chạy dọc các đập không tràn ở cả hai bên phải và trái (trong thủy điện, có hai loại đập quan trọng: đập chính để giữ nước, đập không tràn để dẫn nước vào hầm ngầm giúp chạy máy phát điện, các đập không tràn được ví như “trái tim của nhà máy phát điện”) của thủy điện Sơn La. Một số vết nứt trên đập không tràn dài gần 100 mét, sâu 6 mét… Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng có tầm vóc quốc gia từng cho biết, đã thành lập một tổ chuyên gia để thẩm tra báo cáo của chủ đầu tư (EVN) về việc xử lý những vết nứt tại thủy điện Sơn La nhưng kết quả thế nào thì chưa công bố… Cũng kể từ đó đến nay, động đất xảy ra liên tục tại một số khu vực lân cận Thủy điện Sơn La, thậm chí có những thời điểm, có tới hai hoặc ba trận động đất xảy ra trong vòng một đêm (ví dụ đêm 19 tháng 7 năm 2014 ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La)!
Chẳng rõ có ai ở Lào can gián chính phủ Lào đừng phê duyệt dự án Thủy điện Xepian – Xe Nam Noy hay không? Giờ, khi đập chắn nước của thủy điện này vỡ, có ai bị truy cứu trách nhiệm về chủ trương hay không? Riêng tại Việt Nam, nếu chẳng may đập Thủy điện Sơn La vỡ thì bất kể hậu quả thế nào Đảng CSVN cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm về chủ trương của mình. Đã có bao giờ Đảng CSVN nhận trách nhiệm về các “chủ trương lớn” gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế, xã hội, thậm chí an ninh – quốc phòng, chủ quyền quốc gia chưa?
***
Đợt mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề trên toàn miền Bắc và phía Bắc miền Trung từ thượng tuần tháng 7 đến giờ chỉ được xem là do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu. Người ta chỉ nói xa, nói gần về những nguyên nhân khiến mưa, bão, lũ lụt liên tục gây hậu quả thảm khốc trong thời gian vừa qua là do phá rừng và cho phép xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện. Nói xa, nói gần vì không có cuộc điều tra tới nơi, tới chốn nào nhằm thẩm định nguyên nhân, đặt định giải pháp, truy cứu – xử lý trách nhiệm cá nhân. Chưa kể nói thẳng thì có thể… mất tự do bởi cáo buộc kích động, giật dây.
Bão đến, mưa lớn, nước từ các nơi đổ về, ngày 7 tháng 7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng – Chống thiên tai cho phép hai nhà máy thủy điện là Sơn La, Hòa Bình được mở cửa xả nước xuống hạ du (3). Ngày 14 tháng 7, cũng cơ quan này ra lệnh cho bộ phận điều hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở cửa thứ ba để xả thêm nước xuống hạ du (4). Ngày 21 tháng 7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng – Chống thiên tai gửi công điện ra lệnh cho bộ phận điều hành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả nước nữa (5). Trong bản tin thời sự phát sáng 23 tháng 7, VTV loan báo, lũ lụt đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng và mất tích, 17 người bị thương, hàng ngàn gia đình không nơi cư trú vì nhà sập, ngập và… Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chỉ đạo: “Đóng ngay một cửa xả của Thủy điện Hòa Bình, giảm bớt lượng nước dồn về hạ du” (6). Có tương quan nào giữa xả lũ với ngập lụt tràn lan, nhà cửa, ruộng vườn, tài sản của hàng triệu người ở miền Bắc và phía Bắc miền Trung bị hủy hoại, hư hỏng, sinh hoạt xã hội bị đảo lộn hay không? Có tương quan nào giữa phát triển thủy điện – mất rừng với sạt lở, lũ quét, lụt lội xảy ra càng ngày càng thường xuyên, người ta càng ngày càng dễ chết, dễ mất tích, bị thương, trắng tay hay không?
Năm 2013, sau khi thẩm tra các công trình thủy điện, Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của Quốc hội Việt Nam từng xác định, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Khoảng 30% đập chắn nước chưa được kiểm định. Khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Ủy ban này cho biết thêm rằng, từ 2006 đến 2012, Việt Nam có 160 dự án thủy điện đã hủy diệt 19.792 héc ta rừng. Đến nay, diện tích rừng được trồng để thay thế chỉ chừng 3,7%.
Năm 2014, hệ thống công quyền Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt tại Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm. Chuyện xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam đã từng chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào, khiến Việt Nam vừa mất rừng, vừa làm hàng triệu người sống ở khu vực hạ du căng thẳng vì những rủi ro không thể dự báo. Họ cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện hồi đầu thập niên 2000. Có ai bị truy cứu trách nhiệm chưa? Tháng ba năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái”. Sau khi có 54/123 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai bị loại bỏ, tháng 7 năm ngoái, chính quyền tỉnh Lào Cai xin “bổ sung vào quy hoạch thủy điện” mười dự án khác. Nối gót Lào Cai, chính quyền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk cũng xin “bổ sung” thêm hàng loạt “dự án thủy điện”.
***
Thiệt hại nhân mạng, tài sản do mưa, bão, lũ lụt ở Việt Nam tăng đều đặn theo thời gian. Năm ngoái, thiệt hại nhân mạng là 386 người, thiệt hại tài sản là 60.000 tỉ đồng (7). Năm nay, với những diễn biến như vừa qua, thiệt hại nhân mạng và thiệt hại tài sản chắc chắn sẽ cao hơn. Thiệt hại nhân mạng và thiệt hại tài sản dẫu có cao đến đâu thì thường dân cũng ráng mà chịu vì tất cả mọi thứ, từ chủ trương, thực hiện đến vận hành, bao gồm xả nước, thoát lũ của các nhà máy thủy điện từ Tây Bắc, miền Trung, đến Tây Nguyên đều đúng qui trình, qui định.
Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm tràn lan khắp nơi vì đủ thứ tác nhân: Qui hoạch bừa bãi không tôn trọng các nguyên tắc, qui luật, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động trong công nghiệp, nông nghiệp,… ngoài việc làm số người mắc các bệnh mãn tính gia tăng, các loại dịch bùng phát còn khiến ung thư, sảy thai, sinh non, trẻ sơ sinh bị dị tật… tăng vọt. Những con số hết sức ấn tượng (8), chẳng hạn như: 72% gia đình ở Hà Nội có người là nạn nhân của ô nhiễm không khí. Nếu sống ở Hà Nội trên mười năm thì nguy cơ mắc cả các bệnh mãn tính lẫn cấp tính cao gấp đôi so với những người sống ở Hà Nội dưới ba năm. Khả năng bị đột quị, mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, tuổi thọ giảm,… rất cao – cũng chỉ khiến người ta thở dài và tự trấn an: Thôi thì… chưa chết là may!
Không ai muốn làm gì vì tự thấy không thể làm gì. Chẳng lẽ đó là một thứ định mệnh đã an bài cho tất cả các thế hệ, cả thế hệ hiện tại lẫn những thế hệ tương lai?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=t2lrVfQRCYY
(2) https://www.theguardian.com/world/2018/jul/24/laos-dam-collapse-hundreds-missing
(3) http://www.sggp.org.vn/hai-thuy-dien-lon-tren-song-da-cung-xa-lu-531339.html
(6) https://www.youtube.com/watch?v=yHpepuYt8oQ
(7) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/2017-thiet-hai-thien-tai-lon-chua-tung-co-386-nguoi-chet-420427.html
(8) http://moitruong.com.vn/moi-truong-cuoc-song/mac-benh-do-o-nhiem-9628.htm
Leave a Comment