Quảng Cáo

Tính lạc hậu của quyền lực

Quảng Cáo

Fb. Luân Lê|

Khi người dân trong xã hội bàn tán hoặc lên án những vấn đề hoặc mình mắt thấy tai nghe, hoặc biết về sự tồn tại của nó trong thực tế, khi nó còn đang chiếm thế thượng phong thì người nói ra sẽ bị vu cho là kẻ xấu phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ các cán bộ, các cấp, ngành của chính quyền. Nhưng khi những bất công, tha hoá bị phanh phui thì những người lên án sẽ bị dằn mặt với ngôn từ là chớ có “lợi dụng các sự kiện tiêu cực để kích động, gây chia rẽ và mất đoàn kết dân tộc, làm hoang mang nhân dân và làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng, nhà nước…”.

Thế thì cuối cùng, người dân lạm lụng vất vả đóng thuế hòng nuôi sống bộ máy nhà nước để làm gì, khi ngay cả việc phản biện, lên án và phản kháng lại những thứ bất công, tiêu cực do sự lộng hành và tha hoá quyền lực tạo ra lại cũng trở thành những đối tượng bị xem là nguy hại, thậm chí bị cáo buộc là tội phạm một khi cần thiết? Cái quyền tối thiểu của một con người chính là ngôn luận (quyền được nói lên – phát ngôn) và biểu đạt chính kiến (quyền bộc lộ tư tưởng và quan điểm của chính mình), nếu bản thân nó không thể được dùng để chứng minh hoặc biện minh hay bảo vệ mình cũng như người khác và ngăn cản những hành động tồi bại của kẻ khác, trong đó có nhà nước, thì nghĩa là người dân chẳng có bất cứ quyền năng làm chủ nào, vì nó là biểu trưng đầu tiên của sức mạnh đối với quyền lực của người dân. Nếu không thể thực thi được quyền ngôn luận, hẳn nhiên rằng, người ta không thể tự bào chữa cho mình và cho cả quyền được ngôn luận của chính mình.

Chúng ta cũng không chỉ sống vào trong một khoảng không thời gian của hiện tại, và vì vậy, ta cần phải luận bàn về cả quá khứ (lịch sử), hiện tại lẫn tương lai (dự đoán bằng viễn kiến). Chúng ta không thể né tránh sự thật để đạt được điều tốt đẹp, chúng ta chỉ có thể có điều tốt đẹp vì đã tôn trọng sự thật mà nó vốn thuộc về.

Chúng ta có quyền chống lại những sai trái của nhà nước hoặc những hành vi quản lý, điều hành bất ổn mà có thể gây hại cho người dân và xã hội hay không? Nhà nước phải chăng là thực thể luôn luôn đúng hay người dân chỉ có nghĩa vụ tuân phục mọi sự điều quản của chính quyền? Một sự vật hay hiện tượng, được mô tả và đánh giá ra sao phụ thuộc vào góc nhìn của từng người mà nó gắn liền với vị trí, cách quan sát và cả nhận thức của chủ thể đó. Quan điểm của nhà nước cũng chỉ là một góc nhìn hạn hẹp và một chiều theo chủ quan của nhà nước, người dân có cách nhìn của người dân, và mỗi cá thể lại có những nhận định không hề giống nhau về cùng một vấn đề nào đó. Vậy nên, không ai được coi là chân lý mà chỉ có quan điểm nào (chứ không phải người chủ sở hữu quan điểm đó) được thừa nhận là có giá trị cho đến khi mọi sự thảo luận đã trở nên ngã ngũ hoặc chí ít là đã được mổ xẻ thực sự thấu đáo và rốt ráo bằng tự do học thuật cũng như mọi sự bình đẳng về vị thế.

Chân lý là sức mạnh chứ sức mạnh không tạo nên chân lý. Vì thế có thuyết tuơng đối của các nhà triết học và các nhà khoa học đã đặt ra trong quá trình tư duy, nhận thức về thế giới khách quan bằng vai trò của chủ thể quan sát là con người, mà con người rồi cũng trở thành một đối tượng cần được nhận thức như một sự vật của thế giới khách quan mà nhiều nhà triết học cũng như nhiều trường phái triết học đã bỏ quên. Luật pháp cũng là một dạng quan điểm về xã hội và có tính lịch sử, nó có thể không đúng hoặc đi ngược lại quy luật tự nhiên và nhận thức, nhưng luật vô đạo thì không phải là luật (Plato), và John Locke, Stuart Mill hay Thomas Jefferson cũng nói rõ điều này về nghĩa vụ phải chống lại thứ luật pháp có nguy cơ gây hại cho nhân dân hoặc các quyền năng của con người tự nhiên. Khoa học thì chứng minh luật pháp luôn lạc hậu hơn sự phát triển của xã hội, và trình độ con người có tính quyết định đến sự đúng đắn và tốt đẹp của luật pháp. Vì vậy, không thể đem bất cứ tổ chức (đảng chính trị, hội, đoàn) hay sức mạnh quyền lực nào ra để làm cơ sở luận về tính chuẩn mực của một vấn đề. Khi nhà nước có thể phán xử người dân, thì theo định luật thứ ba của Newton, rõ ràng nhà nước cũng phải chịu nhận sự phán xét của và từ bất kể người dân nào như một lẽ hiển nhiên nhất.

Vì vậy, nếu dùng sức mạnh để tìm cách thiết tạo và đẽo gọt chân lý, thì sẽ có lúc thứ sức mạnh đó trở thành vũ khí sát thương và huỷ diệt chính người đã sử dụng nó, nhất là khi nó được sử dụng một cách thường xuyên.

Nguồn.https://www.facebook.com/luatsuluanle/posts/2148652852045155

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux