Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Vào ngày 13 tháng 7 vừa qua tại Hà Nội đã có một Hội nghị với tên gọi rất nổ: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, được mở ra cho các trí tuệ Việt Nam tham gia nghe lãnh đạo chính phủ trổ tài phát biểu về vấn đề rất mới mẻ này.
Thực tế trong khoảng 10 năm qua, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được biết đến từ Dự án “Industrie 4.0” của nước Đức đã diễn ra tại các nước phát triển phương Tây. Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đã thúc đẩy kinh tế phồn vinh, làm thay đổi đời sống con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Việt Nam với nền kinh tế chưa thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế chính trị cũng hối hả muốn bám đuôi con tàu đã ra khơi để làm cuộc cách mạng kinh tế đầy tham vọng này. Tại diễn đàn gọi là cấp cao ở Hà Nội, ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay nhau đăng đàn quảng cáo về phát triển công nghệ 4.0 tức công nghệ về điện tử và mạng xã hội.
Trong suốt một thời gian dài, dưới sự lãnh đạo toàn diện của một đảng chỉ trung thành mù quáng với chủ thuyết kinh tế chỉ huy, Việt Nam còn đang đau khổ loay hoay trong mục tiêu “công nghiệp hóa-hiện đại hóa” nền kinh tế vào năm 2020. Thời khắc đề ra đã gần kề mà mục tiêu ấy gần như sụp đổ toàn diện với những tập đoàn kinh tế, những tổng công ty đầy tham vọng của 10 năm về trước. Những gì còn để lại cho đến bây giờ là một kỷ niệm hãi hùng pha nhục nhã, vì chẳng những không thấy bóng dáng của công nghiệp hóa-hiện đại hóa mà đất nước ngày càng tiến sâu vào ngõ cụt.
Vì thế chưa bao giờ mà đảng và nhà nước CSVN liên tục thổi phồng cách mạng công nghệ 4.0 như trong thời gian vừa qua. Lời lẽ của lãnh đạo chính phủ liên tiếp cho đây là cơ hội tốt để Việt Nam không hóa cọp cũng hóa rồng để tung hoành trên chín tầng mây. Sự vẽ vời của bộ máy cai trị cố tình cho người dân nhìn thấy một tương lai sáng chói không có gì khác hơn để khỏa lấp sự mất ổn định kéo dài của đời sống xã hội, chính trị.
Trong mạch mộng mơ đó, ông Vũ Đức Đam tuyên bố là phải xóa nạn mù công nghệ thông tin. Nói một cách cụ thể, anh Đam kêu gọi phải tôn vinh giá trị đóng góp của tư nhân vào nền kinh tế đang èo uột để bước vào thời kỳ 4.0 đầy vinh quang. Nghĩa là phải cho tư nhân được tự do sáng tạo và thi thố tài năng hiểu biết về công nghệ thông tin, tức là được tự do truy cập internet để nâng cao sức sáng tạo. Đây cũng là lần đầu tiên người ta nghe một viên chức cao cấp của chính phủ cố gắng thoát khỏi tư duy “lấy quốc doanh làm chủ đạo”, dám đề cao vai trò tư nhân như một nhân tố cần thiết trong sự đóng góp cho đất nước.
Tuyên bố điều này, dường như anh Đam đang ngủ mê hay là đang tự mê?
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách kẻ thù của internet do những hành động công khai chống lại và kiểm soát ngặt nghèo người xử dụng truyền thông mạng. Cuộc chiến tranh trên không gian mạng diễn ra hàng giờ, hàng ngày giữa một bên là lực lượng dư luận viên đủ mọi loại mọi cấp, một bên là lực lượng công dân mạng yêu nước, yêu dân chủ, cương quyết coi quyền tự do tư tưởng là nhân quyền thiết yếu nhất của con người. Nhưng trước mắt thế giới, Đảng dứt khoát bảo vệ quyền con người bằng chiếc còng số 8.
Do đó, khi nói phải “xóa nạn mù thông tin” trong dân , anh Đam đã hô hào một điều mà đảng ta rất ghét và đang tìm cách kiểm soát cho thật chặt. Điển hình là Luật An Ninh Mạng vừa ra đời ngày 12 Tháng 6 nhằm mục đích hình sự hóa mọi hoạt động về tư tưởng người dân.
Hình như giữa đảng và chính phủ đang nói chuyện trên mây. Trên thế giới hiện nay, mấu chốt thành công của cách mạng 4.0 là con người, liên quan tới giáo dục và đào tạo, còn công nghệ thông tin hay mạng xã hội trong thực tế chỉ là phương tiện.
Muốn có một đội ngũ chuyên viên đủ khả năng để bước lên được con tàu thế kỷ như ông Phúc đang mơ, trước hết Việt Nam phải chấn chỉnh lại nền giáo dục xin cho, chấm dứt sự chỉ huy độc tài và xuẩn động của đảng. Không có những con người tự chủ, với tri thức đáp ứng thời công nghệ mới, Việt Nam sẽ làm gì với những tiến sĩ quần vợt, thạc sĩ du lịch? Chính nền giáo dục đầy khuyết điểm kéo dài từ thập niên này sang thập niên khác sẽ góp phần vô hiệu hóa khả năng hội nhập của dân tộc vào cách mạng công nghệ 4.0 ngày nay.
Đảng dứt khoát cho rằng kiểm soát Internet và mạng xã hội là để bảo vệ sự trường tồn của chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần tiếp xúc cử tri tại Hà Nội 5 ngày sau khi Luật An Ninh Mạng thông qua đã phải tuyên bố thẳng thừng “Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”.
Rõ ràng đối với Đảng sự trường tồn của chế độ được đặt trên quyền lợi của đất nước, mặc dù bên ngoài đảng tỏ ra rất tha thiết đến việc tôn trọng tự do tư tưởng như điểm son của chế độ. Vì thế dù hứng chịu biết bao dư luận công kích từ trong nước đến ngoài nước, Luật An Ninh Mạng vẫn được quốc hội thông qua làm nền tảng cho sự thống trị lâu dài. Quan điểm của ông Trọng hoàn toàn phù hợp với tuyên bố ngày 20/7 của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng về phản ứng của Việt Nam trước lời kêu gọi của 17 nghị sĩ Mỹ với Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mới được thông qua của Việt Nam.
“Việc thông qua Luật An ninh mạng là nhằm tạo dựng môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, bảo đảm an ninh quốc gia cũng như trật tự an toàn xã hội.”
Trong khi ấy trước diễn đàn quảng cáo “Cách mạng 4.0”, anh Đam hò hét theo kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược với Đảng. Phó thủ tướng hùng hồn nói rằng cần khai phóng cho người dân có trí tuệ, hiểu biết về công nghệ thông tin 4.0 vì đó là nhu cầu quan trọng cho Việt Nam hôm nay để giúp quốc gia phát triển. Anh Đam còn ví von rằng “Trước đây chúng ta xóa mù chữ thì giờ cần xóa mù về tri thức công nghệ.”
Hóa ra anh Phó Thủ tướng Đam mắng mấy anh bên Đảng ủy là mù chăng?
Leave a Comment