À thì ra… công an!

- Quảng Cáo -

Đồng Phụng Việt

Vụ sửa – nâng điểm cho 114 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang càng ngày càng nóng. Chẳng riêng ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh Hà Giang mà hệ thống công quyền của tỉnh này cũng càng ngày càng vất vả trong việc chống đỡ cả dư luận lẫn công luận.

Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Không đói, không túng nhưng có thể do bí quá, thành ra ông Vinh cũng hóa… liều và tự tạo thêm họa qua những tuyên bố kiểu như: Con gái ông… “bị nâng điểm”. Chuyện sửa – nâng điểm cho con gái ông có thể là một… âm mưu nhằm đưa ông và nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh Hà Giang vào… tròng. Từ scandal sửa – nâng điểm ở Hà Giang, chẳng phải chỉ có Hội đồng Thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia mà Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cần… rút kinh nghiệm và dứt khoát phải… đổi mới thi cử!

Hẳn cũng vì bí quá nên Chủ tịch tỉnh Hà Giang hóa… liều như Bí thư của mỉnh: Ký – phát hành theo hình thức hỏa tốc, công văn ra lệnh cho toàn bộ hệ thống công quyền từ tỉnh đến xã, thôn “phổ biến, quán triệt, chỉ đạo, định hướng tư tưởng” cho toàn thể cán bộ, nhân viên cũng như dân chúng “tuyệt đối tin tưởng” vào giới lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là “không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, Internet”…

- Quảng Cáo -

Họa vô đơn chí! Ông Vinh vừa bảo ông… buồn vì con gái… “bị nâng điểm” ngày hôm trước thì ngày hôm sau, thiên hạ phát giác, hai đứa cháu ruột của ông cũng… bị nâng điểm! Chưa rõ ngày hôm trước ông Vinh… buồn đến mức nào nhưng theo logic ấy, các tình tiết phát sinh vào ngày hôm sau liên quan đến đại gia đình của ông hẳn làm ông… buồn hơn, buồn lắm! Đủ thứ chuyện dồn dập để buồn mỗi ngày một nhiều như thế thì làm sao còn tỉnh táo để “phục vụ nhân dân và cách mạng” một cách đúng đắn?

Nguyễn Văn Sơn, Chủ Tịch UBND Hà Giang

Tương tự! Chủ tịch tỉnh Hà Giang vừa chỉ thị cho toàn bộ hệ thống công quyền từ tỉnh đến xã, thôn phải làm mọi cách nhằm thuyết phục toàn tỉnh “tuyệt đối tin tưởng” vào giới lãnh đạo tỉnh thì thiên hạ phát giác, đa số thí sinh được sửa – nâng điểm là con, cháu giới lãnh đạo tỉnh, thiểu số còn lại là con, cháu những doanh nhân, thành đạt nhờ có mối quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo tỉnh. Sau Bí thư, tới lượt con, cháu Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh,… được nhận diện là “bị nâng điểm”!

***

Trong scandal sửa – nâng điểm cho 114 đứa trẻ vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang, có một yếu tố rất đáng chú ý nhưng ít người để ý vì các tình tiết có liên quan tới scandal này… đa dạng và phong phú quá! Yếu tố ấy là… phần lớn những đứa trẻ “bị nâng điểm” đều có nguyện vọng trở thành sinh viên của các đại học thuộc ngành… công an – lĩnh vực bao gồm những công việc chỉ nhằm thực thi luật pháp, bảo vệ trật tự, trị an của xã hội, thành ra không những không an nhàn mà còn nguy hiểm!

Vì sao những đứa trẻ ấy và nhiều đứa trẻ khác tại Việt Nam chỉ muốn trở thành sĩ quan của ngành công an?

Theo một phóng sự được tờ Dân Việt đưa lên Internet ngày 19 tháng 7 thì nhiều phụ huynh nhận định, vào được các đại học thuộc ngành công an đồng nghĩa với chuyện không phải trả học phí, có công việc ổn định cả đời, kèm… nhiều quyền lợi khác (1). Với bối cảnh như hiện nay (dẫu cả trẻ con lẫn phụ huynh đã vắt kiệt cả sức lực lẫn các nguồn lực của gia đình nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, bất kể ngành nào, thứ hạng ra sao, đứa trẻ vẫn rất khó tìm được việc làm), các đại học của ngành công an rõ ràng là hấp dẫn.

Không phải tự nhiên mà trong vài năm gần đây, bảy trường đại học của ngành công an (Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học Phòng cháy – Chữa cháy, Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân) luôn luôn dẫn đầu về số điểm xét tuyển, chưa kể để được tuyển, ngoài chuyện thí sinh phải có lai lịch cá nhân đủ… tốt, lai lịch… ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác của thí sinh không được phép… xấu!

Theo xu hướng ấy, năm nay, trong khi điểm xét tuyển vào khối các trường đại học thuộc ngành y – theo lẽ thường, luôn là lựa chọn của những thí sinh có học lực khá nhất – trên toàn Việt Nam được dự đoán sẽ chỉ dao động trong phạm vi từ 15 điểm (2) đến 20 điểm (3) hoặc hơn một chút (4) thì điểm xét tuyển vào các trường đại học của ngành công an vẫn ngất ngưởng từ 26 điểm đến 29 điểm (5). Thậm chí nếu là nữ, muốn được tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện An ninh nhân dân, hoặc muốn được tuyển vào các ngành thuộc khối A ở phân hiệu miền Bắc của Đại học Phòng cháy – Chữa cháy, nữ thí sinh phải đạt 30,25 điểm, nói cách khác, dẫu điểm của ba môn xét tuyển đạt mức tối đa (10 điểm) mà không có điểm ưu tiên thì vẫn… rớt!

Có quốc gia nào trên hành tinh này, các trường đại học của những lực lượng thực thi pháp luật, bảo vệ trật tự, trị an xã hội lại trở thành danh giá nhất… xứ? Có xã hội nào trong lịch sử nhân loại có thể ổn định và được ghi nhận là công bằng, dân chủ, văn minh, khi cả trẻ con lẫn phụ huynh, dẫu muốn hay không cũng phải nhìn nhận, trở thành an ninh, cảnh sát là con đường duy nhất bảo đảm tương lai vì tất cả những ngành, những nghề liên quan tới dân trí (sư phạm, khoa học xã hội), dân sinh (y tế, môi trường), phát triển (khoa học kỹ thuật, kinh tế, tài chính, quản trị) đều bấp bênh, nhiều rủi ro?

Sau giai đoạn công khai tụng niệm “Còn Đảng, còn mình”, nay đã tới giai đoạn công an Việt Nam có quyền tự hào rằng điểm xét tuyển vào những đại học của ngành luôn ở trên đỉnh những kỳ thi quốc gia. Chưa biết Đảng sẽ còn tồn tại bao lâu trong bối cảnh nhân tâm ly tán, oán thán tràn lan, xã hội đảo điên, kinh tế suy thoái chưa thấy điểm dừng nhưng may cho công an là nhờ vậy mà giá của ngành càng lúc càng… tăng, thành ra phần lớn trong số 114 gia đình của những đứa trẻ “bị nâng điểm” trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang vẫn xem các đại học thuộc ngành công an là nơi gửi gắm kỳ vọng vào tương lai.

Trong một bài tường thuật về scandal sửa – nâng điểm cho 114 đứa trẻ vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang, VOV kể rằng, tuy con của mình rơi từ diện đủ điều kiện hiên ngang bước vào Học viện Cảnh sát nhân dân vì… đạt 27,9 điểm (Toán 9 điểm, Vật lý 9,5 điểm, Anh văn 9,4 điểm) sang diện… không thể vào bất cứ đại học nào, bởi điểm thực của các bài thi quá thấp, song cha của thí sinh ấy vẫn dõng dạc khẳng định, ông ta “bình chân như vại, không đắn đo, suy nghĩ gì cả, thực tế con mình học như thế nào thì trường biết”. Ông ta còn khuyến cáo báo giới cẩn thận do: “Chuyện của Hà Giang phức tạp lắm, cứ hay xuyên tạc linh tinh” (6). Dẫu VOV không tiết lộ cả tên tuổi lẫn chức phận của người cha nhưng sự ngưỡng mộ của kẻ viết bài này dành cho ông ta không giảm. Thật tiếc cho Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng, lẫn ngành công an nói chung, rõ ràng vị phụ huynh này hết sức tiêu biểu, xứng đáng với vai trò là cha một thành viên của lực lượng “Còn Đảng, còn mình”.

Chú thích

(1) http://danviet.vn/video-anh/ha-giang-nang-diem-bat-thuong-de-du-thi-khoi-truong-cong-an-896340.html

(2) https://tin.tuyensinh247.com/diem-xet-tuyen-dai-hoc-y-te-cong-cong-2018-c24a40168.html

(3) http://infonet.vn/diem-xet-tuyen-cua-dai-hoc-y-ha-noi-nam-2018-la-bao-nhieu-post268763.info

(4) https://tin.tuyensinh247.com/diem-xet-tuyen-dai-hoc-y-duoc-tphcm-2018-c24a40110.html

(5) https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/bay-truong-cong-an-cong-bo-diem-chuan-3620049.html

(6) https://vov.vn/tin-24h/vu-gian-lan-diem-o-ha-giang-co-quyen-co-tien-moi-chay-duoc-diem-789072.vov

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

  1. Nếu bọn cộng sản tà quyền tồn tại, thì quốc gia Việt Nam sẽ bị tiêu diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung Hoa cộng sản. Hơn nữa toàn dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của một bọn lưu vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here