Con gái cùng 2 cháu ruột của Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh nằm trong danh sách được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Chưa dừng tại đó, sau khi xem bản đồ bố trí quan chức trong hệ thống chính trị – xã hội tỉnh Hà Giang, dư luận bất ngờ khi anh em chú bác của Bí thư tỉnh Hà Giang được phân công đảm nhiệm các chức vụ lớn trong chính quyền từ tỉnh đến huyện.
Nếu dưới góc nhìn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Chủ tịch HĐND TP.HCM thì có thể xem ‘nâng điểm’ hay ‘nâng đỡ người nhà’ của Bí thư tỉnh ủy Hà Giang chính là ‘hạnh phúc của dân tộc.’
Chuyện bình thường thế thôi
Hà Giang sai phạm hay Sơn La, Hòa Bình,… thậm chí kể cả Bạc Liêu đi chăng nữa thì chung quy tất cả mọi thứ đều diễn ra theo đúng quy trình và cơ chế đã được hoạch định sẵn. Bấy lâu nay vốn dĩ là thế, có gì bất thường đâu? Chỉ khác là hiện tượng ‘Hà Gian’ nổi lên trong cái thời củi và lửa nên nhiều người dân kỳ vọng, bác Tổng Bí thư sẽ lưu tâm đưa tỉnh này thành củi. Thậm chí, ở một góc nhìn ‘đấu đá chính trị’, thì vài người mong muốn ‘giậu đổ bìm leo’ trong sự kiện này.
Rõ ràng, có quá nhiều lý do để mong muốn Nhà nước (mà ở đây là Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an) xử lý quyết liệt ‘Hà Gian’. Vài người ‘phản động’, muốn nhân cơ hội này để tiếp tục đánh giá Nhà nước Việt nam có thực sự chống tham nhũng, tiêu cực trong Bộ máy chính quyền hay không, và thậm chí là khả năng đối diện sự thật của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Nhưng liệu niềm hy vọng làm sạch bộ máy có sớm bị dập tắt hay không? Trang tin danviet.vn trong một bài viết gần đây đã miêu tả ‘Hà Gian’ như một cơn lũ quét niềm tin, và kêu gọi Bộ trưởng Nhạ phải nói gì đó để cho người dân có cái mà sốc lại niềm tin của họ. Nhưng tờ báo này quên rằng, chính bản thân ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã dính đạo văn, và cái hàm Giáo sư mà ông Bộ trưởng có bị đặt vấn đề là có sự gian dối. Làm thế nào để người ta có thể dọn sạch bùn khi chính bản thân người đó còn đang vùng vẫy trong đống bùn? Thế nên mới có chuyện, trước khi sự kiện ‘Hà Gian’ bị phát lộ, Bộ GD-ĐT tự hào vì đã tổ chức một kỳ thi THPT thành công tốt đẹp với tỷ lệ vàng: tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2018 trên toàn quốc đạt 97,57%, trong đó giáo dục THPT đạt 98,36 %. Còn ngài Bộ trưởng Nhạ thì cho biết, kỳ thi vừa qua tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng được nhân dân các địa phương ủng hộ.
Dẫn chứng sự ‘tự hào’ của Bộ GD-ĐT trên để cho thấy rằng, trong cơ chế của bệnh thành tích, sự gian lận lẫn tiêu cực, thì sự ra đời ‘Hà Gian’ không phải bất thường mà trở nên quá bình thường.
‘Hãy tin tưởng lãnh đạo’
Trong một diễn biến có liên quan, vào ngày 18.07, UBND tỉnh Hà Giang đã gửi Công văn Hỏa tốc số 2623 trong đó yêu cầu các ban ngành trong tỉnh quán triệt công tác tuyên truyền, định hướng thông tin về những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh nhà, trong đó yêu cầu tuyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh ủy và yêu cầu cán bộ, đảng viên – người thân gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội…
UBND tỉnh Hà Giang trấn an dư luận trong tỉnh là điều tốt, nhưng với cách mà Công văn yêu cầu, khiến nhiều người nghĩ ngay đến việc ‘bịt mồm dư luận’. Thực ra, nếu ngay từ đầu, sự việc bị khui mở bởi chính bản thân chính quyền tỉnh thì dân và đảng viên sẽ tin tưởng và làm theo Công văn, nhưng đáng tiếc – sự kiện ‘Hà Gian’ lại được khai mở từ chính ‘các thông tín trái chiều, không chính thức trên các trang mạng xã hội’ để rồi sau đó mới lôi kéo báo chí vào cuộc. Đảng viên và người thân các lãnh đạo ban ngành tỉnh Hà Giang liệu có tin sự công tâm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo khi chính người thân trong gia đình lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo tỉnh ủy lại đang vướng vào sự kiện ‘nâng điểm Hà Gian’? Nó không khác gì câu nói của ông Bí thư tỉnh ủy mang tính chất chống chế nhưng muốn thuyết phục dư luận xã hội phải tin: ‘Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?’.
Nếu có sự tin tưởng, hẳn đó là điều bất thường!! Nhưng muốn có sự tin tưởng bình thường, thì người dân tỉnh Hà Giang nói riêng, và dư luận xã hội nói chung phải nắm vững tinh thần: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.
Vì sao? Đơn giản vì nếu con lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc, thì việc nâng điểm cho con lãnh đạo là điều cần thiết; việc bố trí anh em con cháu vào các chức vụ trong tỉnh (ông Triệu Tài Vinh đưa 8 người nhà vào bộ máy lãnh đạo của tỉnh mà không bị trung ương có ý kiến nhắc nhở) – hình thành nên cụm ‘cả họ làm quan’ là điều cần thiết. Và việc nắm vững tinh thần nêu trên sẽ giúp người dân và đảng viên trong tỉnh tiếp tục tin yêu lãnh đạo, ngay cả khi chìm xuồng và hơn cả, nó giúp trả lời sự ‘thắc mắc’ của LS Luân Lê, khi ông trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân đã đề cập đến nghịch lý: “Phản động” thì phát hiện rất nhanh, nhưng tài sản bất minh hay người thân, họ hàng làm quan, làm ăn, thi cử thì gần như họ chẳng biết hay liên quan gì.
Đó là sự chuyển biến cái bất thường trở thành sự bình thường, thật dễ dàng đúng không?
Còn nếu ai muốn nghĩ ‘phản động’ hơn một tí, thì hãy tham khảo quan điểm của Facebooker Minh Văn khi người này cho rằng, ‘Hà Gian’ như là hệ quả và là đặc điểm của thể chế (độc tài) hiện tại, theo đó: đặc điểm của chế độ độc tài một đảng là khi nó thích cái gì thì làm rất tốt (vì nó nắm tất cả nguồn lực trong tay), còn cái gì không thích thì không làm (cũng vì nó nắm tất cả nguồn lực trong tay cho nên không thích thì không làm mà chẳng ai làm gì được). Oái oăm thay, những điều mà chế độ độc tài thích đều có lợi cho họ mà có hại cho dân, còn những điều có lợi cho dân thì họ lại không thích. Vấn đề là ở chỗ đó./.
Leave a Comment