Chắc ai đó trong chúng ta đã từng đưa ra một lời khuyên với bạn bè khi họ gặp vấn đề. Trong cuộc sống hàng ngày ta gặp rất nhiều chuyện. Nhưng khi một chuyện nào đó đang xảy ra hoặc sắp xảy ra gây cho chúng ta một cảm xúc tiêu cực, như lo sợ, giận dữ, hoài nghi, buồn chán… thì đó gọi là vấn đề. Cũng có khi vấn đề không được thừa nhận, bởi tâm lý né tránh cảm xúc tiêu cực, né tránh thừa nhận hiện thực xấu là điều rất phổ biến trong con người, để con người tránh khỏi cảm giác đau đớn do vấn đề gây ra cho họ.
Vậy làm thế nào để giúp đỡ một người giải quyết vấn đề của họ? Điều này quả thực rất khó. Bạn đã từng nghe thấy một lời khuyên nào đó cho mình rất nhiều lần trong đời rồi đúng không nhỉ? Chúng rất rẻ! Chúng rất dễ kiếm! Nhưng chúng vô giá trị dù có thể rất đúng, nếu tự thân bạn không thực sự muốn tự thay đổi chính mình!
Vậy làm thế nào để một con người muốn thay đổi? Hãy đặt câu hỏi, đừng khuyên bảo! Tâm lý con người không bao giờ muốn ai dạy dỗ mình, họ chỉ thực sự muốn thay đổi khi nhìn thấy lợi ích và những hậu quả xảy đến trong tương lai.
Có một bộ 4 câu hỏi rất hay thường được dùng trong ngành tâm lý trị liệu có tên gọi là bộ câu hỏi lượng tử (quantum questions) như sau:
- Nếu vấn đề không được giải quyết thì chuyện gì sẽ xảy ra sau n năm?
- Nếu vấn đề không được giải quyết thì chuyện gì sẽ không xảy ra sau n năm?
- Nếu vấn đề được giải quyết thì chuyện gì sẽ xảy ra sau n năm?
- Nếu vấn đề được giải quyết thì chuyện gì sẽ không xảy ra sau n năm?
Nếu thử đặt 4 câu hỏi trên vào thực tế, bạn có thể dồn người nghe vào thế chân tường, tự họ nhận thức rõ nguy cơ và hậu quả nếu họ không thay đổi, nhìn thấy được tiềm năng và lợi ích thu được nếu họ thay đổi. Ví dụ như:
- Nếu em không có công việc ổn định, gia đình em sẽ sống thế nào sau 5 năm nữa? Rồi sao nữa? Vợ con em sẽ thế nào? Bố mẹ em sẽ thế nào?
- Nếu em không có công việc ổn định, gia đình em sẽ không có được những gì sau 5 năm nữa? Rồi sao nữa? Vợ con em sẽ thế nào? Bố mẹ em sẽ thế nào?
- Nếu em có công việc ổn định, gia đình em sẽ được hưởng thụ thế nào sau 5 năm nữa? Rồi sao nữa? Vợ con em sẽ thế nào? Bố mẹ em sẽ thế nào?
- Nếu em có công việc ổn định, gia đình em sẽ không bao giờ phải đối mặt với chuyện gì sau 5 năm nữa? Rồi sao nữa? Vợ con em sẽ thế nào? Bố mẹ em sẽ thế nào?
Những câu hỏi này hoàn toàn có thể tuỳ biến dựa vào hoàn cảnh thực tế, không nhất thiết phải giống y chang như vậy. Người nghe có thể trả lời hay không, không quan trọng! Hãy tiếp tục hỏi theo thứ tự đó. Dù trả lời hay không, nhưng người nghe nếu được hỏi như vậy, trong đầu họ sẽ hình thành một viễn cảnh, một sự tưởng tượng rất rõ nét về tương lai, và rồi họ muốn thay đổi.
Giờ thử hình dung bạn là một người đấu tranh nhân quyền. Bạn đang tiếp xúc với một người đang chịu bất công trong việc thu hồi đất sản xuất, nhưng sợ hãi không dám đấu tranh. Bạn hãy thử đặt câu hỏi như sau:
- Nếu chị sợ hãi không dám đấu tranh, 10 năm nữa gia đình chị sẽ sống thế nào? Con cái chị sẽ có thành tích học tập thế nào? Bố mẹ chị sẽ được chăm sóc thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra sau 10 năm nữa?
- Nếu chị sợ hãi không dám đấu tranh, 10 năm nữa gia đình chị sẽ không có những gì? Con cái chị sẽ không có thành tích học tập thế nào? Bố mẹ chị sẽ không được chăm sóc thế nào? Chuyện gì sẽ không xảy ra sau 10 năm nữa?
- Nếu bây giờ chị mạnh mẽ đấu tranh, 10 năm nữa gia đình chị sẽ được sống thế nào và có những gì? Con cái chị sẽ có thành tích học tập thế nào? Bố mẹ chị sẽ được chăm sóc thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra sau 10 năm nữa?
- Nếu bây giờ chị mạnh mẽ đấu tranh, 10 năm nữa gia đình chị sẽ không phải đối mặt với những gì? Con cái chị học hành sẽ không phải làm sao? Bố mẹ chị sẽ không phải gặp những chuyện thế nào? Chuyện gì sẽ không xảy ra sau 10 năm nữa?
Dù là người cố chấp nhất, định kiến nhất, bất cứ ai khi phải đối mặt với 4 câu hỏi lượng tử này sẽ muốn thay đổi. Việc đồng hành cùng họ như thế nào để giúp họ giải quyết vấn đề sẽ là một chủ đề khác, chắc có lẽ tôi sẽ đề cập đến chuyện này trong một bài viết khác. Đất nước chúng ta hơn 90 triệu dân đang phải đối mặt với một cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhiều vấn đề, nhiều nguy cơ do hậu quả của hệ thống chính trị thối nát đè nặng lên số phận từng con người, từng mái nhà. Việc thức tỉnh người dân, vận động ngay chính những người thân hay bạn bè xung quanh mình phải thay đổi là điều quan trọng bậc nhất trong tiến trình dân chủ hoá đất nước. Nhiều người khi đối mặt với ngay chính vấn đề của họ, họ còn chưa muốn thay đổi, thì đừng nói gì đến chuyện mong họ quan tâm đến việc lớn hơn ngoài xã hội, hay việc của đất nước trong tương lai. Chính vì thế một số kinh nghiệm trên đây tôi muốn trao lại cho tất cả các bạn, những người mong muốn vận động, mong muốn đấu tranh cho đất nước tươi đẹp hơn, vì chúng ta rồi tất cả sẽ chết đi, và chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu chúng ta mai sau?
Yêu thương tất cả.
Leave a Comment