Mới đây có vài bài viết liên quan đến Gạc Ma nhân việc cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được xuất bản. Câu hỏi được nêu ra là có hay không có chữ “trước“ trong mệnh lệnh mà các chiến sĩ Gạc Ma đã nhận được từ lãnh đạo CSVN vào lúc đó.
“Chúng tôi nhận được lệnh không nổ súng” hay “Chúng tôi nhận được lệnh không nổ súng trước”.
Tác giả các bài viết đều đã lập luận, dựa trên clip video quay lại sự việc đã diễn ra, là không thể nào có chữ “trước” trong mệnh lệnh. Và vì vậy các chiến sĩ Gạc Ma đã chấp hành và hy sinh oan uổng.
Một tác giả cũng đã bày tỏ bất đồng ý kiến với việc vinh danh là bất tử sự hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma mà tác giả cho là không nên vì nó “làm tấm gương xấu cho quyền sống, quyền đấu tranh, quyền bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng Tổ Quốc của người Việt Nam cho muôn đời con cháu mai sau?”
Ở bất cứ cuộc xung đột quyết tử nào, dù trong quán cà phê cho đến chiến tranh quân sự giữa quốc gia, đối với mọi phiá, khi không còn có thể lùi, thì không có châm ngôn nào khác hơn là quyết chiến để sống còn.
Trong Thế Chiến Thứ 2, biết mình yếu thế, Nhật Bản đã chọn cách đánh lén Trân Châu Cảnh mong lật được thế trận mặc dầu sau đó vẫn thua.
Năm 1974, tại Hoàng Sa, cũng biết mình yếu thế và không còn đường khác, Quân Lực VNCH đã nổ súng trước, gây tổn thất nặng nề cho Tàu cộng, tuy rằng sau đó vẫn thất thủ và hy sinh.
Quan niệm “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” – Vua khiến bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung; Cha khiến con chết mà con không chết là bất hiếu (từng bị gán cho là của Khổng Tử) chưa từng bao giờ được áp dụng ở Việt Nam, nói chi đến tận thế kỷ thứ 20, khi xẩy ra biến cố Gạc Ma.
Thế thì tại sao những chiến sĩ Gạc Ma lại đứng chịu đứng im hứng đạn của quân thù mà không bắn trả? Quân kỷ tuy là kỷ luật thép nhưng không có loại lệnh nào bắt lính đứng im cho giặc bắn mà không cho kháng cự.
Nhớ lại thời Quân Đội Miền Bắc xâm lăng Miền Nam VN, người ta đã tìm thấy xác một số binh sĩ Bắc Việt chân bị xích vào xe tăng hay trọng pháo để không thể bỏ chạy khi hoảng sợ.
Với một tinh thần “kỷ luật vô nhân đạo kiểu cộng sản” như vậy người ta có thể hiểu được phần nào sự thụ động nghe lệnh không cần suy nghĩ của binh sĩ Quân Đội Nhân Dân vào thời đó.
Và hẳn nhiên, ai cũng có thể đoán được là mệnh lệnh đã được đưa ra đó hẳn đã đi kèm với đủ kiểu hăm dọa nếu không tuyệt đối chấp hành.
Thế thì thử hỏi những người lính chiến đó còn lựa chọn nào khác giữa 2 con đường chết.
Chuyện Gạc Ma xẩy ra đã 30 năm, không hiểu tại sao ngày hôm nay lại có những người muốn bới lại chuyện cũ, lươn lẹo bóp méo thật lịch sử, vớt vát thêm chữ “trước” với mục đích gì.
Đã có thoả thuận giao lãnh hải cho giặc Tàu thì tại sao CSVN không công khai như Phạm Văn Đồng đã làm năm 1958, cứ thẳng thắn rút hết quân về, giao đảo cho Giặc.
Còn nếu muốn diễn trò để ra vẻ “có kháng cự nhưng vẫn thua, vẫn mất đảo” thì tại sao không thẳng thắn ra lệnh cho binh sĩ nổ súng (rồi chết) mà lại ra lệnh không được bắn trước hay không được bắn gì cả?
Với sức yếu như vậy so với địch quân, bắn trước hay bắn sau thì đằng nào cũng chết. Nếu có thắc mắc thì là thắc mắc về sự bất nhân của những người lãnh đạo CSVN lúc đó. Hẳn họ thừa biết cán cân lực lượng là vậy, nghiã là bắn trước hay bắn sau đằng nào cũng chết và đảo cũng mất, thì tại sao không ra lệnh rút quân hay đầu hàng để quân sĩ khỏi phải hy sinh mạng sống vô ích.
Thật khó đo lường được sự gian manh hiểm độc, ngu dốt và bất nhân pha trộn trong con người cộng sản.
Tại sao lãnh đạo CSVN lại phải hy sinh mạng sống của 64 sĩ quan binh sĩ của mình vô ích như vậy. Đó là câu hỏi cần đặt ra.
Leave a Comment