Sau 4 ngày nông dân Đặng Văn Hiến bị tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình, đã có hơn 3500 chữ ký trong thỉnh nguyện thư, gửi đến lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, kiến nghị cứu xét miễn án tử hình đối với người nông dân nổ súng giữ đất ở Đăk Nông này.
Kiến nghị ân xá án tử
“Tôi muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước xin xem xét vụ án cho chồng tôi được giảm mức án hình phạt nhẹ nhất, để anh ấy được sớm trở về với cộng đồng và dạy dỗ con thơ nên người.”
Trên đây là lời bộc bạch trong nước mắt của bà Mai Thị Khuyên, vợ của tử tù nông dân Đặng Vă Hiến, chia sẻ trong một phóng sự video của VTC1, được trang hopecome.org, là trang nhà của Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng (Hope Community) đăng tải trong thỉnh nguyện thư gửi đến Chủ tịch nước, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để kiến nghị cứu xét cho tử tù Đặng Văn Hiến một cơ hội được sống.
Tính đến 10 giờ tối ngày 16/07/18, 4 ngày sau phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo nông dân trong vụ nổ súng giữ đất ở Đăk Nông, khiến 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, đã có gần 3600 chữ ký trong thỉnh nguyện thư xin ân xá cho ông Đặng Văn Hiến. Mục tiêu được đặt ra trong thỉnh nguyện thư này là phải đạt được 5.000 chữ ký vào hạn chót là ngày 19/07/18, đúng theo thời hạn 7 ngày phạm nhân tử tù được viết đơn xin ân xá án tử hình.
Truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin chi tiết đáng chú ý trong phiên tòa phúc thẩm, diễn ra vào ngày 12 tháng 7, là Hội đồng xét xử nhiều lần nhắc nhở bị cáo Đặng Văn Hiến có thời hạn 7 ngày để xin Chủ tịch nước Trần Đại Quang ân xá, giảm án. Bên cạnh đó, qua mạng xã hội Facebook, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, luật sư bào chữa cho ông Đặng Văn Hiến, chia sẻ là Chủ tọa, sau khi tuyên án, nói riêng với Luật sư Quynh rằng làm đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước giúp bị cáo Hiến.
Đài RFA nêu vấn đề với cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông rằng dư luận trông đợi phiên tòa phúc thẩm sẽ cân nhắc kỹ lưỡng mức án dành cho nông dân Đặng Văn Hiến, khi bản thân ông Hiến ra đầu thú và người dân ở Đắk Nông lẫn gia đình của nạn nhân bị thiệt mạng cũng làm đơn kháng cáo bản án mà tòa sơ thẩm tuyên tử hình đối với ông Hiến; thế nhưng kết quả phiên tòa phúc thẩm y án tử hình gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người tham dự phiên tòa và của dư luận khắp nơi. Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông đưa ra nhận xét của ông:
“Tất nhiên các cơ quan chức năng phải tuân theo các quy định của pháp luật để xét xử và căn cứ vào mức án để kết luận là tử hình hay không. Đây là những việc làm theo quy trình của pháp luật là đúng rồi. Nhưng còn mức tối cao cuối cùng của Chủ tịch nước là xem xét các ý kiến đề xuất mà có thể chấp nhận được, thì Chủ tịch nước có thẩm quyền để quyết định vấn đề này. Xét về mặt nhân đạo và dư luận ủng hộ, thì theo quan điểm của tôi, các Đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri cũng đồng tình cho vấn đề không tử hình thôi.”
Phiên tòa không có công lý
Trong khi đó, sau khi phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến, nhiều luật sư quan tâm đến vụ án lên tiếng rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với các nông dân giữ đất ở Đăk Nông là một sự phỉ báng công lý, khi tòa án đã không xem xét thấu đáo căn nguyên của vấn đề là tranh chấp đất đai giữa một số hộ dân ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức với Công ty Long Sơn đã kéo dài 8 năm nhưng không được chính quyền giải quyết thỏa đáng và vụ việc nổ súng dẫn đến chết người là do Công ty Long Sơn tiến hành cưỡng chế sai pháp luật, đẩy các hộ dân đến hoàn cảnh cùng đường.
Một số các luật sư khẳng định tội danh “giết người” tuyên cho các bị cáo nông dân ở Đăk Nông là hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án cũng như hành vi của các bị cáo. Luật sư Lê Công Định cho rằng ông lấy làm tiếc vì Hội đồng xét xử đã không xem xét thấu tình đạt lý mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt yếu tố quan trọng là tất cả bị cáo đều hành động tự vệ trong trạng thái tinh thần bị kích động trước sự tấn công và cướp phá tài sản ngang ngược của Công ty Long Sơn.
Luật sư Lê Công Định nhấn mạnh tòa án đã không phân tích đầy đủ những nguyên nhân và điều kiện trong quá trình phạm tội của các bị cáo. Luật sư Lê Công Định nhận định tòa phúc thẩm không những đã phớt lờ các yếu tố vừa nêu mà còn đưa thêm vào yếu tố “côn đồ” để tuyên y án sơ thẩm tử hình. Luật sư Lê Công Định phủ nhận yếu tố mà tòa phúc thẩm đưa ra qua trưng dẫn tình tiết nông dân Đặng Văn Hiến đã bắn chỉ thiên để cảnh cáo đoàn cưỡng chế của Công ty Long Sơn, nhưng các nhân viên của công ty này vẫn xông tới và ném đá vào các hộ dân, dẫn đến việc ông Hiến buộc phải nổ súng để tự vệ và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho 3 nhân viên của Công ty Long Sơn bị thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Luật sư Lê Công Định lập luận:
“Hành vi này lẽ ra phải được xem xét ở khía cạnh là cố tình gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe, có tình tiết tăng nặng là dẫn đến chết người trong hành động vượt quá phòng vệ chính đáng. Điều này được quy định trong Bộ Luật Hình Sự năm 1999, tại Điều 106, với khung hình phạt tối đa là gây hậu quả nghiêm trọng chết nhiều người, thì mức tối đa chỉ 3 năm tù mà thôi.”
Bên cạnh đó, Luật sư Lê Công Định còn nêu lên yếu tố ông Đặng Văn Hiến ra đầu thú sau một thời gian lẩn trốn, bởi sự động viên của nhiều người rằng ông sẽ được hưởng khoan hồng:
“Việc ông trở lại đầu thú và nhận một bản án tử hình, chẳng những ở cấp sơ thẩm bị dư luận phản ứng kịch liệt mà lại tiếp tục bị y án ở cấp phúc thẩm. Như vậy chúng ta thấy nền công lý của Việt Nam rõ ràng bị đui mù. Họ hoàn toàn không nhìn ra được đâu là bản chất pháp lý của một vụ án như vậy và vẫn nhắm mắt xử theo yêu cầu chính trị của nhà cầm quyền cầm thôi.”
Một vụ án chính trị
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liên quan yếu tố Hội đồng xét xử và chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhắc nhở bị cáo Đặng Văn Hiến và luật sư bào chữa làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, Luật sư Lê Công Định nói rằng Chính quyền Việt Nam lo sợ sẽ có bất ổn chính trị nhiều hơn nếu thi hành bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến. Luật sư Lê Công Định quả quyết với RFA:
“Đây không phải là một vụ án thực sự về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi vì nhà quyền Việt Nam đặt nhu cầu chính trị để trừng phạt những trường hợp phản ứng lại của những người nông dân mất đất và gửi một thông điệp cho xã hội là họ sẽ không bao giờ nương tay đối với những trường hợp như vậy.”
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, nhà báo Mai Quốc Ấn, một trong những người trực tiếp thuyết phục nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú chia sẻ trên trang Facebook cá nhân là anh đã đến thăm ông Hiến và động viên ông hãy vững niềm tin vào công lý. Tuy nhiên, ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến, nhà báo Mai Quốc Ấn, cũng qua trang Facebook, cho biết “sẽ không chủ động tìm và vận động bất kỳ bị can nào ra đầu thú nữa bởi những công ty cướp đất dân bằng vũ lực, dựa trên những văn bản ép dân là rất nhiều tại Việt Nam!” và “tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai…”.
Theo số liệu của Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường công bố vào cuối tháng 7 năm 2017, trong tổng số hơn 1.500 đơn khiếu nại trong nửa đầu năm ngoái, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai tại Việt Nam. Và qua bản án tử hình đối với nông dân nổ súng giữ đất Đặng Văn Hiến, người dân Đồng Tâm cũng như các hộ dân Thủ Thiêm lên tiếng với RFA rằng bản án đó càng làm cho tinh thần giữ đất của họ tăng cao vì chính quyền xem thường nguyện vọng chính đáng của người dân, các cơ quan công quyền không bảo vệ quyền lợi và tài sản hợp pháp của dân chúng mà lại mặc nhiên trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích đi cướp đất của nhân dân nên người dân chấp nhận hy sinh tính mạng để tự tìm công lý cho mình trong tranh chấp đất đai.
Thời hạn xin cứu xét ân xá tử hình cho nông dân Đặng Văn Hiến chỉ còn lại vỏn vẹn 3 ngày và một vài hộ nông dân nghèo ở Đăk Nông đã lên đường đến Hà Nội để nộp đơn xin giảm án cho người hàng xóm cùng cảnh ngộ bị Công ty Long Sơn áp bức, mà phải chải chịu án tử với hy vọng như Facebooker Nguyễn Ngọc Chu cho là “Người dân khắp cả nước đang hướng về Chủ tịch nước, với một quyết định ân xá cho Đặng Văn Hiến sẽ làm vơi đi phần nào nỗi buồn trong lòng dân về một xã hội không còn mấy niềm tin vào lẽ phải”.
Nguồn: RFA
Leave a Comment