Nguồn: Stephen M. Walt, “The Art of the Regime Change”, Foreign Policy, 08/05/2018 Biên dịch: Nguyễn Ngọc Phương Mai
***
Như đã được dự đoán từ lâu, Donald Trump cuối cùng đã cúi đầu trước cái tôi của mình, trước sự ghen tị vặt vãnh với Obama, trước những nhà tài trợ cứng rắn, trước đội ngũ tư vấn hiếu chiến, và trên hết trước sự ngu xuẩn của chính ông ấy để quay lưng lại với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) – thỏa thuận quốc tế cấm Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Bên cạnh quyết định rời bỏ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương đầy ngu ngốc, đây có thể là sai lầm nặng nề nhất của Trump trong chính sách ngoại giao.
Điều quan trọng là chúng ta cần hiểu những gì đang diễn ra ở đây. Quyết định của Trump không dựa trên mong muốn giữ bom hạt nhân khỏi tầm với của Iran; nếu thế, Mỹ phải trung thành với thỏa thuận và đàm phán để kết quả có hiệu lực vĩnh viễn. Sau tất cả, cả Cơ quan Hạt nhân Quốc tế (nơi quản lí và giám sát nhà máy ở Iran) và tình báo Mỹ đều nhất trí rằng Iran đã tuân thủ nghiêm ngặt JCPOA từ khi nước này đặt bút kí. Như Peter Beinart chỉ ra, thực tế Mỹ mới là quốc gia thiếu tôn trọng những cam kết của mình.
Quyết định của Trump cũng không đến từ mong muốn kìm hãm các hoạt động khu vực của Iran như ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ở Syria và chế độ Hezbollah ở Lebanon. Nếu đó là mục tiêu của Trump, một chuỗi hành động khôn ngoan sẽ diễn ra như thế này: gắn bó với thỏa thuận (để giữ vũ khí hạt nhân khỏi tầm tay Iran) và kêu gọi các nước khác đứng về phía Mỹ để tạo áp lực lên Iran xoay quanh vấn đề nóng bỏng này. Việc tập hợp lại liên minh đa quốc gia vốn đã xây dựng JCPOA không chỉ bất khả thi với Trump mà giờ đây, việc Trump vứt bỏ chữ tín trong lời nói của Mỹ còn khiến Iran nghi ngại khi đàm phán với Mỹ.
Thế điều gì đang diễn ra vậy? Mỹ rời bỏ JCPOA dựa trên mong muốn “trừng phạt Iran” và cấm nước này thiết lập mối quan hệ bình thường với thế giới bên ngoài. Mục tiêu này gắn kết Israel, cánh bảo thủ của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel (Hội đồng Quan hệ công chúng Mỹ-Israel, Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, Liên Hiệp Chống Iran Sở Hữu Vũ Khí Hạt Nhân) và các thành phần hiếu chiến bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, cùng nhiều quan chức khác. Nỗi lo sợ lớn nhất của họ là Mỹ và các đồng minh Trung Đông cuối cùng sẽ phải công nhận sức mạnh của Iran và trao cho nước này một tầm ảnh hưởng nhất định tại khu vực. Đừng nhầm sang “sự thống trị khu vực”, kế hoạch này không nằm trong mục tiêu của Iran và cũng còn mơ mới đạt được, nhưng những lợi ích khu vực của Iran phải được công nhận và ưu tiên của nước này cần được xem xét khi giải quyết các vấn đề khu vực quan trọng. Đây là một sự xúc phạm tới các phần tử Mỹ hiếu chiến khi mục tiêu của họ là tách biệt Iran vĩnh viễn.
Cốt lõi của quan điểm này nằm ở bài ca gióng lên hồi chuông yêu cầu thay đổi chế độ, mục tiêu mà các phần tử Mỹ hiếu chiến và các thế lực phản động đã theo đuổi hàng thập niên. Đây là mục tiêu tối hậu của các nhóm như Mujahedeen-e-Khalq (MEK), một nhóm lưu vong người Israel từng nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ. Iran có mối quan hệ thù địch với MEK nhưng nhóm này lại được cả các chính trị gia Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng Hòa bảo vệ nhờ khoản tiền ủng hộ khổng lồ trong quá khứ. Ai dám bảo rằng không thể mua chuộc – hay ít nhất là thuê – một chính trị gia Mỹ? (Thật ra bây giờ cũng không ai nói thế nữa.)
Phe hiếu chiến nhìn ra hai con đường dẫn tới sự thay đổi chế độ. Cách đầu tiên yêu cầu tăng cường áp lực kinh tế lên Tehran với hi vọng kích thích sự bất mãn từ quần chúng để chế độ thần quyền tự sụp đổ. Lựa chọn thứ hai là khiêu khích Iran tái khởi động chương trình hạt nhân, và Washington sẽ lấy cái cớ đó để phát động chiến tranh phòng ngừa.
Hãy xem xét từng lựa chọn kĩ hơn một chút.
Về hướng đi đầu tiên, niềm tin thắt chặt các lệnh trừng phạt sẽ gây sụp đổ chế độ chỉ là suy nghĩ viển vông. Lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba đã kéo dài hơn 50 năm, và chế độ Castro vẫn nguyên vẹn đó (kể cả khi Fidel đã chết và em trai ông Raul vừa nhường chỗ cho một người kế nhiệm được lựa chọn). Hơn 60 năm gia tăng lệnh trừng phạt cũng không đánh bại được chế độ Bắc Triều Tiên hay ngăn chặn quốc gia này sở hữu kho vũ khí hạt nhân đang hoạt động. Chúng ta đã nghe hàng năm trời rằng Iran đang trên bờ vực sụp đổ, nhưng nó chẳng có vẻ gì sắp diễn ra cả. Lệnh trừng phạt cũng không lật đổ được Saddam Hussein ở Iraq hay Muammar al-Qaddafi ở Libya. Cánh bảo thủ vài tháng trước còn hào hứng khi các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra trên nhiều thành phố ở Iran, nhưng theo logic này, những cuộc biểu tình lớn trên khắp các thành phố ở Mỹ từ ngày Trump nhậm chức cũng là một dấu hiệu cho sự lật đổ chế độ tất yếu. Cả hai trường hợp đều không khả thi. Áp lực kinh tế đôi khi có thể thuyết phục đối phương đàm phán và thậm chí thay đổi cả chính sách, và nó cũng có thể làm suy yếu nền kinh tế của kẻ địch trong thời gian chiến tranh, nhưng việc rời JCPOA không đủ để đánh bại Iran.
Nếu tôi sai và chế độ thần quyền có thể sụp đổ thì sao? Như những trường hợp chúng ta đã nhìn vào, kết quả thường không phải một chế độ ổn định, vận hành tốt và ủng hộ Mỹ. Kế hoạch lật đổ chế độ ở Iraq dưới sự tài trợ của Mỹ dẫn tới một cuộc nội chiến, một cuộc nổi loạn tàn khốc, và sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo IS. Tương tự là cuộc lật đổ chế độ có ảnh hưởng từ ngoại bang ở Libya. Mỹ cũng liên tục can thiệp vào các khu vực như Somalia, Yemen, Afghanistan, và Syria trong những năm gần đây, nhưng tất cả thành quả thu được là tăng cường bất ổn và kiến tạo mảnh đất màu mỡ cho khủng bố. Và đừng quên rằng kế hoạch lật đổ chế độ ở Iran do Mỹ chống lưng đã loại bỏ Thủ Tướng được bầu cử dân chủ Mohammad Mossadeq và phục chức cho Shah Mohammad Reza Pahlavi vào năm 1953. Hành động này gây ra thái độ căm ghét mà Mỹ phải đương đầu kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Và cũng đừng quên rằng nhiều nhân vật chống đối chế độ nổi bật – bao gồm lãnh đạo Phong Trào Xanh (Green Movement) – ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran và không sẵn sàng biến thành tay sai cho Washington kể cả khi họ lên nắm quyền.
Đối với lựa chọn thứ hai – chiến tranh – phe hiếu chiến hi vọng khi mọi thứ đi quá giới hạn, một cơ hội chiến tranh hiện lên, và sự tàn phá cùng nỗi sợ hãi vì bom đạn sẽ vừa xóa bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran vừa thúc đẩy người dân nổi dậy lật đổ chính quyền vốn đã khiến họ rơi vào thảm cảnh này. Viễn cảnh này thật nực cười: nếu Mỹ thả bom lên người dân Iran, khá chắc phản ứng đầu tiên của họ không phải là lòng biết ơn. Thay vào đó, một chiến dịch không kích của Mỹ và/hoặc Israel sẽ khơi gợi tinh thần dân tộc của người dân Iran và gắn kết lòng trung thành của họ với chế độ mạnh mẽ hơn.
Hơn nữa, một cuộc tấn công quân sự của Isreal hoặc Mỹ sẽ không thể ngăn Iran có được vũ khí hạt nhân; nó chỉ có thể trì hoãn được điều đó một vài năm mà thôi. Một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ thuyết phục mọi người dân ở Iran rằng cách duy nhất được an toàn là có được thứ vũ khí răn đe của riêng mình, như Triều Tiên đã làm được, và chắc chắn là Iran sẽ tăng cường nỗ lực của mình tại những cơ sở hạt nhân bí mật và được bảo vệ tốt hơn. Và một khi Mỹ buộc Iran đi theo con đường đó, nhiều khả năng các quốc gia khác trong khu vực cũng sẽ làm theo. Nếu bạn nghĩ rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu một vài chế độ ở Trung Đông sở hữu vũ khí hạt nhân thì hãy chọn phương án này. Có điều đừng phàn nàn với tôi về những gì xảy ra sau đó.
Và giả sử nếu mọi sự diễn ra trôi chảy: Nếu chiến tranh bùng nổ và kết quả là nhiều người thiệt mạng hơn và tiêu tốn nhiều tiền hơn, hay thậm chí có thể khơi mào cho xung đột ở cả khu vực rộng lớn, khi ấy lỗi sẽ thuộc hết về người đàn ông ngồi trong phòng Bầu Dục. Không cuộc om sòm, đổ lỗi, hay dòng tweet ít chữ nghĩa nào có thể che giấu sự thật này.
Nói ngắn gọn, sai lầm gần đây nhất của Trump cho thấy ông đang không thực hiện chính sách ngoại giao kiềm chế hơn như ông đã cam kết hồi năm 2016, cũng như không sửa chữa các sai lầm (rất rất nhiều) từ những người tiền nhiệm. Thay vào đó, Trump đang đưa chúng ta quay về thời chính sách ngoại giao ngây thơ, thiếu tinh tế, đơn phương và quân sự hóa quá mức trong nhiệm kì đầu của George W. Bush. Chỉ định Bolton làm trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Pompeo nhận chức ngoại trưởng, và đề cử cựu giám sát viên tra tấn Gina Haspel cho vị trí giám đốc CIA – liệu đây có phải là sự trở lại của thời kì Cheney thay vì chủ nghĩa hiện thực? Bạn nhớ nó đã hiệu quả thế nào chứ?
Otto von Bismarck từng đùa rằng học hỏi từ sai lầm của mình là tốt, nhưng học từ sai lầm của người khác còn tốt hơn. Sự kiện gần đây cho thấy dường như Mỹ vẫn chưa học được từ cả hai. Và lời bình luận, tương truyền của Winston Churchill, ca ngợi Mỹ luôn có những hành động đúng đắn cần phải xem xét lại. Dưới thời Trump, Mỹ có vẻ như luôn có những hành động sai lầm – nhưng chỉ sau khi cân nhắc và từ chối tất cả các giái pháp ưu việt hơn.
***
Stephen M. Walt là giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.
Leave a Comment