Quảng Cáo

Luật đất đai và những vụ án dân oan – cần nhìn lại vụ án Đặng Văn Hiến

Quảng Cáo

Fb. Selena Zen|

Ngày 12/7 vừa qua, phiên xử phúc thẩm toàn án cấp cao tại Sài Gòn đã tuyên y án tử hình với ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, người đã nổ súng chống cưỡng chế đất. Vụ án xảy ra hồi tháng 10/2016, làm 3 người chết và 13 người khác bị thương.

Lật lại tình tiết vụ án như sau:

Theo cáo trạng, tháng 2/2008, công ty TNHH thương mại, đầu tư Long Sơn (công ty Long Sơn) được UBND tỉnh Đắk Nông giao 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (thuộc địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Đến tháng 6/2013, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu mua lại dự án và để vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (59 tuổi) đứng tên làm giám đốc.
Trong khi đó vợ chồng anh Đặng Văn Hiến đã thuê đất và mua lại của chủ cũ từ năm 2005.

Nhưng đến 2008, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Long Sơn cho xe vào san ủi đất vườn điều nhà ông Hiến và người dân khác, lấy lý do rằng chính quyền đã giao đất cho công ty này và người dân đã lấn chiếm mà không làm theo thoả thuận đền bù thoả đáng.

Ngày 23/10/2016, công ty Long Sơn cử hơn 30 nhân viên đem theo máy móc, xe ủi vào phá hủy vườn điều, cà phê của ông Hiến và hai hộ dân khác.

“Chúng tôi bức xúc từ 2008 nhưng anh Hiến nói vẫn tin tưởng vào pháp luật giải quyết, nhưng hôm đó họ dồn người dân đến bước đường cùng”, vợ anh Đặng Văn Hiến cho biết. Và chuyện gì đến cũng phải đến, xô xát đã xảy ra và hậu quả là 3 người bảo vệ của công ty Long Sơn đã chết, 13 người khác bị thương.

Chúng ta nhìn thấy điều gì qua vụ án này?

Rõ ràng diễn biến quá trình tình tiết vụ án xảy ra trong 8 năm, trong 8 năm đó cơ quan chức năng không giải quyết được tranh chấp, không có sự bảo vệ quyền lợi, đền bù thoả đáng cho những hộ gia đình thuộc diện tranh chấp trên, câu hỏi được đặt ra, tại sao không thể giải quyết?

Phải chăng là luật pháp đã không đứng về người nông dân thế cô? Một khi cưỡng chế họ mà không đền bù thoả đáng thì họ lấy gì sinh sống trong thời gian kế tiếp? Trong khi đất đai trước đó gia đình anh Hiến đã thuê và mua lại hợp pháp, thì việc cưỡng chế vốn đã sai bản chất ngay từ ban đầu.

Nguyên nhân sâu xa hơn chúng ta thấy được vấn đề cưỡng chế sai phạm vốn nằm ở bộ luật đất đai, một bộ luật bất cập và không bảo vệ cho quyền lợi của công dân.

Ở status này tôi sẽ nêu khái quát các ý chính yếu trong bộ luật đất đai và sẽ không đi chi tiết về từng điều luật, bởi vì tôi muốn dẫn chứng cái sai và bất cập của bộ luật đất đai để nhấn mạnh vào các vụ án dân oan bị cưỡng chế đất đai, tuy nhiên tôi sẽ dẫn các đường links toàn bộ nội dung về bộ luật đất đai năm 2013 đã có bổ sung mới nhất và tài liệu nghiên cứu về các hình thức sở hữu đất đai trên thế giới, nếu muốn các bạn có thể tham khảo và so sánh.

Bộ luật đất đai 2013 nói gì?

Điều 1: “Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà Nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản về đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam”.

Từ khái niệm này có thể diễn giải ra như sau: “Đất đai do nhân dân làm chủ nhưng nhà nước độc quyền quản lý và người dân chỉ có quyền sử dụng”.

Người dân hoàn toàn không có quyền sở hữu cá nhân, quyền sử dụng chỉ giới hạn ở bề mặt, không có quyền sử dụng những tài nguyên bên dưới thửa đất. Quyền sử dụng tạm thời, khi nhà nước cần trưng dụng thì nhà nước có quyền cưỡng chế nếu người dân không đồng ý thoả thuận giao đất. Việc đền bù không được đề cập rõ ràng trong bộ luật, không có cơ quan dành cho giải quyết việc tranh chấp tố tụng giữa người dân và Nhà Nước.

Vậy đó, bộ luật đất đai rõ ràng không có yếu tố bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, một điều cơ bản mà ai cũng phải thấy rằng, đất đai là tài nguyên chung của quốc gia, là một loại tài sản quan trọng nhất, liên quan đến sự sống còn của công dân, liên quan đến sự phát triển an sinh xã hội, vậy tại sao lại do nhà nước độc quyền nắm giữ? Tại sao người dân không có quyền “sở hữu cá nhân hoàn toàn”? Phải chăng đây là một nhà nước đứng trên luật pháp? Phải nói cho rõ ràng, bộ luật này là nguyên nhân rất lớn góp phần bóp nghẹt sự phát triển của đất nước vì cá nhân không có quyền sở hữu thì làm sao mỗi cá nhân có thể phát triển tốt mà đưa đến sự phát triển của quốc gia?

Việc xử tử hình Đặng Văn Hiến, một người xuất phát từ ban đầu không phải là một tội phạm hình sự, chỉ vì bức xúc về sự bất công, để bảo vệ cuộc sống của gia đình anh trước sự cưỡng chế sai trái, sự tức nước vỡ bờ dẫn đến sai phạm như thế chỉ để chứng minh rằng hệ thống pháp luật này không có giá trị nhân văn, không thấu tình đạt lý và không trừ được gốc rễ căn nguyên gây ra sai phạm.

Một hệ thống luật pháp có công lý phải đảm bảo không được để xảy ra sai phạm ngay từ gốc rễ, chứ không phải khi xảy ra hậu quả rồi lại điều đình trong khi hoặc sau khi tuyên án, nó giống như trò chơi và mất đi sự tôn nghiêm của luật pháp.

Tôi không ủng hộ việc người dân dùng bạo lực để hành xử lẫn nhau, nhưng bởi vì bộ luật đất đai này là nguyên nhân tạo nên oan sai và người dân phải lãnh chịu. Những người đã chết oan vì bị bắn trong cuộc xô xát hay những người sắp bị xử tử như anh Hiến, những người bị tù tội…tất cả họ là nạn nhân.

Những vụ án dân oan vì cưỡng chế đất đai cứ tồn tại như một ung nhọt không thể giải trừ, những Đoàn Văn Vươn, dân oan Đồng Tâm, dân oan Dương Nội và bây giờ là dân oan Thủ Thiêm và hàng triệu dân oan khác mà những oan khuất của họ bị ém nhẹm chìm xuồng mà chúng ta chưa biết…

Sai phạm cứ chồng chất sai phạm. Luật cưỡng chế đất đai dung dưỡng cho các cấp từ Quốc Hội cho đến cấp xã cũng có quyền cưỡng chế của dân, một hệ thống luật pháp độc tài tạo kẽ hở cho sự đàn áp bất công, o ép và dồn người dân mất đất đến đường cùng. Cuộc sống của họ sau khi bị cưỡng chế trở nên không còn tài sản, việc đền bù ba đồng ba cắc theo giá cả nhà nước giống như cướp không tài sản của họ, sau đó đất được đầu cơ và bán với giá cắt cổ gấp hàng chục lần thậm chí gấp hàng trăm lần, thì trách nhiệm và tính nhân văn của chế độ này ở đâu?

Chưa kể đó mới chỉ nói về giá trị vật chất, còn về giá trị tinh thần thì không thể đo đếm. Người Việt Nam ta có truyền thống thờ phụng tổ tiên, tín ngưỡng. Việc cưỡng chế di dời nơi ở, buộc họ phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả ông bà tổ tiên, việc cưỡng chế chùa chiền, nhà thờ, tàn phá tôn nghiêm tôn giáo là việc không thể nào chấp nhận được.

Việc tử hình oan sai một con người như Đặng Văn Hiến không phải đơn giản chỉ giết một mạng người, nó giết chết cả những thế hệ của gia đình đó về thể xác lẫn tinh thần. Nó thể hiện sự tồn tại một hệ thống luật pháp độc quyền sai trái từ gốc rễ, phá bỏ sự tôn nghiêm và công minh của một nền tư pháp.

Chúng ta phải lên tiếng để cứu lấy họ, cứu lấy mạng sống cho anh Hiến, cứu lấy Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước nguy cơ bị tàn phá, cứu lấy cuộc sống hàng triệu dân oan trên khắp cả nước Việt Nam này.

Khi nào bộ luật đất đai này vẫn tồn tại và không sửa đổi thì Việt Nam vẫn tồn tại hàng triệu dân oan không nhà cửa, sẽ còn hàng triệu con người đứng lên chống đối và bị tù tội, chết oan.

Đối với cộng sản, công lý là một xa xỉ phẩm!

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux