Quảng Cáo

Thế nào là pháp quyền xã hội chủ nghĩa?

Quảng Cáo
***
Ba câu hỏi chốn pháp đình
Trong một chia sẻ sau phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Phong trào Chấn hưng nước Việt”, một luật sư tâm sự rằng ông rất hoang mang về cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Ông nói: “Từ thực tiễn xét xử các vụ án ở Việt Nam gần đây gây bức xúc công luận và đánh động lương tri, bất giác khiến tôi nhớ đến các vụ án chấn động ở thế kỷ trước, xảy ra ở Cuba, Hương Cảng (tô giới nước Anh) và Việt Nam (thuộc địa Pháp) mà ngẫm nghĩ, đối chiếu thấy ra những nghịch lý đến khó hiểu”.
Cách đây gần thế kỷ (năm 1931), các luật sư của nước Anh (đế quốc, thực dân) lại hết lòng bào chữa, bảo vệ hữu hiệu cho bị cáo Tống Văn Sơ trước cáo buộc có các hoạt động phương hại đến nền an ninh quốc gia của họ… Vì sao các luật sư nước Anh (trong đó nổi bật là luật sư Loseby) lại hành xử như vậy và vì sao nhà chức trách vẫn để họ yên ổn hành nghề?!
Cách đây hơn nửa thế kỷ (năm 1953), Tòa án của nhà nước Batista (chính thể bị xem là độc tài, quân phiệt của Cuba lúc bấy giờ) lại để cho bị cáo Fidel Castro tự bào chữa suốt 4 giờ liền không bị gián đoạn, mà nội dung bào chữa được xem là bản cáo trạng lên án nhà cầm quyền, được lưu giữ và sau này in thành sách, chuyển ngữ tiếng Việt với tiêu đề “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” (NXB Công an nhân dân)?!
Cách đây ngót thế kỷ (năm 1928) ở xứ Nam kỳ thuộc địa đã xảy ra vụ án “Người nông dân nổi dây” tại cánh đồng Nọc Nạng (thuộc xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu hiện nay) mà khi xét xử vụ án, các “quan tòa áo đỏ” người Pháp tuyên tha bổng các bị cáo đồng phạm đâm chết “ông cò” Tournier (cảnh sát người Pháp, tham gia đàn áp gia đình ông Mười Chức)…?!
Với ba câu hỏi nói trên, vị luật sư cho biết kể từ khi tham gia bào chữa các vụ án màu sắc ‘án chính trị’, ông gần như nhiều lúc mắc chứng trầm cảm vì có quá nhiều điều không tưởng trong tố tụng đang diễn ra ở những phiên xét xử này. Đơn cử là việc thẩm phán chủ tọa ngăn trở quyền tự bào chữa của bị cáo và của cả luật sư. Bên công tố buộc tội thì lại giữ quyền im lặng, từ chối những câu hỏi đặt ra khi tranh tụng của luật sư. Thân nhân của bị cáo muốn vào dự phiên xét xử phải xin phép, và người dân không được vào dự khán ở phiên tòa được thông báo là xét xử công khai…
“Nhiều người nhìn các tấm hình thấy luật sư ngồi trước laptop (máy tính xách tay) tại phòng xử án, sẽ dễ nhầm tưởng… Thật ra các máy tính này, kể cả thiết bị thẻ nhớ USB lưu trữ tài liệu phục vụ bào chữa ở trước mặt từng luật sư, đều là của nhân viên tòa án đưa cho mượn. Kết thúc xét xử là trả lại cho tòa, và luật sư được nhận lại laptop mà tòa ‘giữ dùm’ trước đó”. Vị luật sư chia sẻ.
Luật là hệ thống hóa chính sách của Đảng?
Có phải pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nền luật pháp mà bản thân nó là việc luật hóa và hệ thống hóa các chính sách của Đảng? Luật là chính sách của Đảng dành cho nhà nước và được giải thích bởi Quốc hội thông qua các thủ tục lập pháp; chính sách của Đảng là linh hồn và nền tảng của pháp luật?
Nhìn lại những vụ án như Hội Anh em dân chủ, Phong trào Chấn hưng nước Việt, có thể thấy vai trò của các thẩm phán trong hệ thống luật pháp xã hội chủ nghĩa cũng nằm trong sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Các thẩm phán vẫn đưa ra những phán quyết có lợi cho chính quyền, chứ không áp dụng luật pháp một cách công bình.
Cũng băn khoăn về ‘pháp quyền xã hội chủ nghĩa’, một nhà báo chuyên mảng pháp đình cho rằng trong rất nhiều vụ án, pháp đình không phải là nơi công lý được thực thi. Công lý đã không đứng về phía người tận khổ. Nhà báo này muốn nói về bản án tử hình mà TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên cho bị cáo Đặng Văn Hiến hôm 12-7-2018.
“Vụ án đồng Nọc Nạn tháng 8 năm 1928, Tòa Đại hình Cần Thơ đã tuyên tha bổng cho hầu hết các bị can. Toàn án thực dân đã thừa nhận vị thế nạn nhân của các thủ phạm. Sau 90 năm, Tòa án xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã không nhìn được điều đó. Ý nghĩa nhân đạo không tồn tại trong bản án phúc thẩm vừa tuyên cho Hiến. Đó là một bước thụt lùi về khía cạnh nhân văn của nền tư pháp.
Trước, trong và sau phiên tòa, hàng trăm, hàng ngàn bài báo đã lên tiếng đòi, kiến nghị, xin giảm án cho Hiến. Gia đình nạn nhân, các luật sư cũng đã làm đủ mọi cách để án cho Hiến nhẹ hơn. Nhưng vô vọng. Luật pháp đã không hề nghe thấy nhưng tiếng kêu từ lương tâm xã hội”. Nhà báo này chua chát so sánh.
Ông Đặng Văn Hiến đã cầm súng thể thao để chống trả lực lượng gồm 34 người của Công ty Long Sơn mang theo hung khí, áo giáp cùng các phương tiện cơ giới vào phá tài sản của gia đình ông. Vụ việc gây hậu làm 3 người chết, 13 người bị thương.
Nói như lời cảm thán của vị ký giả pháp đình, thì nếu chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, y án tử hình Hiến, thì xã hội nhận thêm một vết thương, một nỗi đau lương tâm. Y án tử hình Hiến, lương tri đang bị giễu nhại, công lý đang trở nên méo mó, và người ta được quyền nghi ngờ vào những lời hoa mỹ ngợi ca pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Có lẽ không chỉ người dân, mà cả giới luật sư, nhà báo đang khánh kiệt dần niềm tin…
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux