Tự vệ, phản kháng và cách mạng (*)
Võ Xuân Sơn
Xét trên góc độ giết người phải đền tội, và duy trì trật tự xã hội, thì hành vi bắn chết 3 người của ông Đặng Văn Hiến là đáng phải nhận mức án cao nhất. Không có gì có thể bào chữa cho hành vi giết nhiều người như vậy.
Tôi còn nhớ một bộ phim nói về việc xét xử vị bác sĩ người Mỹ, khi ông này quyết định giúp cho những bệnh nhân có ý nguyện muốn chết, được chết theo ý muốn. Khi công bố bản án, vị thẩm phán đã nói đại ý, rằng bản án không nói về sự đúng sai của việc giúp, hỗ trợ cho bệnh nhân chết theo ý muốn, mà là hành vi thách thức pháp luật của vị bác sĩ kia. Đúng là không thể chấp nhận một hành vi thách thức pháp luật.
Trở lại vụ ông Đặng văn Hiến, và trước đó là ông Đoàn Văn Vươn, những người đã cầm súng bắn vào những kẻ đến đập phá nhà mình. Không thể nói họ không ý thức được việc bắn người là phạm pháp. Cũng không thể bào chữa rằng đó là hành vi tự vệ, vì họ đã chuẩn bị súng từ trước.
Còn nhớ vụ những người dân Đồng Tâm đã bắt giam mấy chục cảnh sát, đã phải thay nhau canh giữ làng, chống người ngoài đột nhập. Không phải họ không ý thức được việc đó là phạm pháp.
Nhưng, tại sao những người nông dân chất phác lại trở thành những kẻ phạm pháp, những kẻ giết người? Đó là do họ bị dồn ép đến mức phẫn uất. Trong trạng thái bị dồn ép như vậy, họ đã bất chấp tất cả.
Ai đã dồn ép họ? Trong tất cả những vụ mà những người nông dân phẫn uất đến mức phản kháng quá phạm vi pháp luật cho phép, đều có cùng một nguyên nhân, là họ đã bị những kẻ nhân danh chính quyền, nhân danh nhà nước, cướp đất, phá nhà, hủy hoại cuộc sống đang yên lành, kiên quyết đẩy họ vào sự khốn cùng.
Những người dân phản ứng đúng pháp luật được gì? Họ phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Họ phải hi sinh cả một quãng đời, đeo đuổi khiếu nại, kiện tụng hàng chục năm trời. Hãy nhìn hàng đoàn người rách rưới ở Sài gòn, đội nón, mặc áo có viết chữ, đại khái là đả đảo xã, huyện xyz cướp đất, hay đã đảo đích danh một quan chức nào đó. Hãy nhìn những người hàng ngày ra đứng trước những trụ sở tiếp dân ở Hà Nội. Hãy nhìn những giọt nước mắt của người dân Thủ Thiêm. Câu trả lời nằm ở đó.
Nếu chính quyền này, đảng này thật lòng muốn đất nước bình yên, muốn xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, thì không thể chỉ thẳng tay với những người nông dân bị dồn ép đến mức phạm pháp, mà không xét đến nguyên nhân tại sao họ lại hành động như vậy. Nếu đảng này, chính quyền này vẫn chỉ đứng về phía những kẻ cướp đất, phá nhà, hủy hoại cuộc sống yên bình của người dân, thì sẽ còn có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ông Đặng Văn Hiến xuất hiện.
Và khi đó, hành vi bắt người, giết người… của những người nông dân không còn là sự phản kháng đơn thuần, mà trở thành hành động cách mạng. Nếu đảng này, chính quyền này để cho những kẻ cướp đất, phá nhà, hủy hoại cuộc sống yên bình của người dân… tiếp tục lũng đoạn, thì việc một cuộc cách mạng xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.
Nguồn: FB Xuân Sơn Võ
* Tựa nguyên thủy của tác giả
Leave a Comment