Tự thân cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 9/7/2018 tại Hà Nội đã nói lên gần hết về thực chất chuyến đi Việt Nam của Mike Pompeo: ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước’ theo ngữ điệu của cả hai bên, hay đó chỉ là một cách nói thuần túy của giới quan chức ngoại giao bên bàn tiệc và giữa những ly sâm banh sủi bọt đấy nhưng cũng tan biến đấy?
Lại ‘công bằng và đối ứng’!
Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ không chỉ được biểu trưng bằng tỷ lệ thương mại song phương đã tăng đến 8.000% trong hơn hai chục năm qua, tính từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 2015 – như Mike Pompeo đã tự hào mô tả trong buổi tiếp xúc cộng đồng các doanh nghiệp tại khách sạn Sofitel Metropole ở Hà Nội vào tháng Bảy năm 2018, mà còn bởi giá trị nhập siêu của thị trường Hoa Kỳ từ các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng đến 160 lần tính từ mức chỉ 200 triệu USD vào năm 2001 khi Tổng thống Clinton thăm Việt Nam và chấp thuận ký Hiệp định thương mại song phương Mỹ – Việt (BTA).
Cũng trong buổi tiếp xúc trên với cộng đồng các doanh nghiệp, Mike Pompeo đã không hề quên mặt thứ hai ấy của quan hệ song phương Mỹ – Việt, mà bằng chứng là ở đoạn cuối bài diễn văn mang tinh thần ‘Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc cho một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập, một nước tham gia vào thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi”, Mike đã không quên nhắc lại “Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh với Việt Nam về tầm quan trọng của việc giảm sự mất cân bằng trong thương mại giữa chúng ta”, để từ đó “Chúng ta sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, công bằng và đối ứng ở các lĩnh vực ưu tiên. Điều này bao gồm thương mại kỹ thuật số, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ô tô, thanh toán điện tử và hàng hóa nông nghiệp. Áp dụng tất cả, chúng tôi sẽ thúc đẩy các thị trường mở, minh bạch, cạnh tranh và các cơ hội thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ”.
Bài diễn văn của của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Hà Nội thật chẳng khác mấy bài phát biểu của Donald Trump khi tổng thống này tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại thủ phủ miền Trung Việt Nam là thành phố Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017. Khi đó, Trump sau do khiến nhiều thính giả ngạc nhiên khi nhấn nhá về một giai đoạn lịch sử dân tộc Việt chống ngoại xâm Trung Quốc, đã vừa tha thiết vừa khăng khăng trong diễn từ đòi hỏi nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ phải ‘công bằng thương mại’ – mà thực chất là phải giảm mạnh giá trị xuất siêu vào thị trường Mỹ.
Không bao lâu sau đó, đúng vào ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng Hai năm 2018 – tức tròn một năm sau thời điểm liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như muốn bày tỏ “tình yêu” đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam bằng cử chỉ “siết nợ” thông qua nội dung “hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề thương mại và cam kết sẽ tăng cường, mở rộng mậu dịch song phương công bằng và đối ứng”.
Lý do mà Trump đề ra hai nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ là vào năm 2017, Việt Nam đã xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ. Ở những năm trước đó, giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng liên tục dao động từ 25 – 30 tỷ USD mỗi năm.
Không viện trợ!
Với Trump, không phải tư tưởng mà chính là kinh doanh, nói là làm. Chắc hẳn đó là nguồn cơn vì sao trong cuộc gặp Donald Trump – Nguyễn Xuân Phúc tại Washington vào tháng Năm năm 2017, không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại ‘lớn’ với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ ‘sớm được cân bằng’.
Hơn một năm sau, toàn bộ nội dung cuộc gặp Mike Pompeo – Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội đã chẳng có nổi một nội dung cụ thể nào cho ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước’, cho dù khi ký hiệp định đối tác toàn diện Việt – Mỹ, phía Việt Nam đã cố gắng chen chúc vào bản văn này rất nhiều lĩnh vực mà chỉ có thể so sánh chúng với độ dài lê thê của những bản nghị quyết chuyên đề của đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau chuỗi năm tháng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thời Tổng thống Barak Oama mà cứ mỗi lần đến Hà Nội lại mang theo một món quà nào đó – lúc thì viện trợ không hoàn lại và viện trợ ODA, lúc lại là những chương trình đầu tư tỷ đô vào lĩnh vực môi trường giao thông, và cao điểm là cuộc đàm phán để vào tháng Năm năm 2016 người Mỹ đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, viên ngoại trưởng mới của chính quyền Trump là Rex Tillerson đã trở nên hà tiện một cách bất thường với giới chóp bu Việt Nam vốn rất ưa chuộng quà cho vay tín dụng, viện trợ và đặc biệt là viện trợ không cần phải hoàn lại.
Với Mike Pompeo, mọi chuyện dường như còn hà tiện hơn cả Rex Tillerson. Không giới hạn những từ ngữ có cánh khi ca ngợi ‘một Việt Nam mạnh mẽ và thịnh vượng’, nhưng đã chẳng có một món quà viện trợ hay thậm chí một hứa hẹn nào cho món quà tương lai ấy.
Nhưng ngoài lời đòi nợ ‘công bằng và đối ứng’, mục đích lớn nhất của Mike Pompeo trong chuyến công du Việt Nam tháng Bảy năm 2018 là gì?
Việt Nam là tấm gương cho Bắc Triều Tiên?
Chẳng khó khăn để nhận ra rằng trong phát biểu tại Hà Nội, Mike Pompeo luôn ngụ ý rằng Tổng thống Donald Trump tin Bình Nhưỡng có thể đi theo con đường ‘tuyệt vời’ mà Việt Nam đã trải qua, nhưng để đạt được điều đó, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un phải ‘nắm lấy cơ hội này’.
Vào những ngày này, Mỹ và Bắc Triều Tiên đang đàm phán ráo riết về một cơ chế gỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng – một mục tiêu mà nếu thành công dù chỉ ở mức đặt tiền đề cho thành công, Trump sẽ ghi dấu ấn như một trong những tổng thống Mỹ thành công nhất trong việc thuyết phục được một chế độc trị chuyển tiếp sang tính chất bán dân chủ, hoặc ít nhất cũng làm cho thế giới bớt lo ngại hơn về mối nguy hiểm hạt nhân của chế độ độc trị đó.
Hẳn đó là quan điểm xuyên suốt trong chuyến công du 5 nước châu Á của Mike Pompeo, để “đất nước của họ có thể cải cách, nó có thể mở ra và xây dựng các mối quan hệ, mà không bị đe dọa về chủ quyền, độc lập của đất nước, và hình thức chính phủ của nó” – như Mile ẩn dụ.
Và hẳn trong cách nhìn từ Donald Trump đến Mike Pompeo, một chế độ vẫn còn độc trị như Việt Nam và như Nguyễn Phú Trọng dù sao vẫn là một thể chế đã có cải cách, đã hướng về cơ chế kinh tế thị trường cho dù vẫn còn lẵng nhẵng cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’, và bây giờ lại là một hình mẫu sáng giá, một tấm gương sáng chói để Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un theo đó mà thay đổi.
Nhưng chính thể độ đảng ở Việt Nam thì có được lợi ích gì từ việc đón tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo?
Nguyễn Phú Trọng muốn đi Mỹ?
Ngay sau Hội nghị APEC Đà Nẵng cuối năm 2017 và được giới tuyên giáo Việt Nam xem là ‘thành công đối ngoại ngoài mong đợi’ để ‘uy tín Việt Nam liên tục nâng cao trên trường quốc tế’, Bộ Chính trị đảng đã bắt đầu đánh tiếng về việc ‘Việt Nam có thể đăng cai địa điểm tổ chức cuộc gặp lịch sử Donald Trump – Kim Jong Un’, trong bối cảnh cuộc gặp giữa hai lãnh đạo của hai chế độ hoàn toàn trái ngược nhau trên bán đảo Triều Tiên chợt có cơ hội để diễn ra.
Trong một hy vọng mong manh, có lẽ người Mỹ đang mong đợi chính thể Việt Nam – với tư cách là ‘đồng chí truyền thống’ của Bắc Triều Tiên từ thời Kim Nhật Thành – có thể thuyết phục một cách nào đó và một phần nào đó đối với người cháu của ‘Lãnh tụ vĩ đại’.
Trong khi đó, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng lại đang cần đến ‘nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế’ hơn bao giờ hết, nhất là sau việc mật vụ Việt Nam bị Nhà nước Đức công khai tố cáo đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017, kéo theo hàng loạt hậu quả ghê gớm về ngoại giao, và thực chất đã trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao không nhỏ lắm giữa Việt Nam với không chỉ người Đức mà cả Liên minh châu Âu.
Và sau ‘có tiếng’ là những gì thuộc về ‘có miếng’. Uy tín chính thể Việt Nam hay hình ảnh cá nhân Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ tan biến như bọt sâm banh nếu không thể xoa dịu bàn tay sắt đá của Trump trong chính sách ‘công bằng và đối ứng’, mà ngay trước mắt Việt Nam phải bảo vệ được thành quả xuất siêu khoảng ba chục tỷ đô la hàng năm vào thị trường Mỹ chứ không bị Trump cho dựng hàng rào bảo hộ thương mại để đánh tụt giá trị ấy xuống còn phân nửa hoặc chỉ còn một phần ba. Chỉ có thế mới níu kéo được chân đứng kinh tế, một cái chân của ngân sách quốc gia đã mấp mé bờ huyệt và do đó mới không khiến rường cột của chế độ chính trị ở Việt Nam khỏi bị gãy sụp quá nhanh.
Rất có thể, đó chính là mục đích quan trọng nhất của Việt Nam trong cuộc đón tiếp trịnh trọng Mike Pompeo, tức “Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao” – một nội dung được nhắc đi nhắc lại từ cuộc gặp của Nguyễn Phú Trọng đến Nguyễn Xuân Phúc với Mike Pompeo.
Vào cuối tháng Sáu năm 2018, một ủy viên bộ chính trị là phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đột biến có chuyến làm việc tại Washington, trong đó cũng đề cập về ‘tiếp xúc cấp cao’.
Rất có thể, chuyến đi của Vương Đình Huệ là tiền trạm cho một nhân vật cao cấp hơn hẳn sẽ đi Mỹ trong thời gian không bao lâu nữa. Người đó rất có thể chính là Nguyễn Phú Trọng chứ không phải Trần Đại Quang hay Nguyễn Xuân Phúc.
Còn chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Việt Nam cũng có thể mang một mục đích, nhưng chỉ là phụ: bàn một số nội dung chi tiết cho cuộc gặp Trump – Trọng sắp tới tại Washington, nếu có xảy ra cuộc gặp ‘thượng đỉnh’ này./.
Leave a Comment