Quảng Cáo

Hiểm họa từ xu thế quân sự hóa

Donald Trump - Tập Cận Bình - Kim Jong-un

Quảng Cáo

Nguồn: Javier Solana, “The Dangers of Militarization”, Project Syndicate, 20/02/2018. Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Châu  | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

***

Trật tự đa cực đang trở lại cùng với sự ganh đua chiến lược giữa các cường quốc. Sự tái trỗi dậy của Trung Quốc và sự trở lại của Nga trong nền chính trị toàn cầu là hai trong số các động lực quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ tính đến nay. Trong năm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng, căng thẳng giữa Mỹ và hai quốc gia này đã tăng lên đáng kể. Do môi trường chính trị nước Mỹ đã xấu đi nên mối quan hệ của Hoa Kỳ với những nước được coi là những đối thủ chính của nước này cũng có xu hướng tương tự.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây hơn năm năm, ông đã trình bày ý tưởng về “quan hệ nước lớn kiểu mới” dựa trên sự hợp tác và đối thoại, cũng như tôn trọng lợi ích quốc gia lẫn nhau. Nhưng Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân theo những gì mà họ đề ra trong vấn đề hợp tác, như có thể thấy qua hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông. Tương tự, ảnh hưởng của ngành ngoại giao Trung Quốc cũng sụt giảm tương đối, tương phản với sự gia tăng quyền lực đồng thời của cả ông Tập và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Chủ tịch Tập thậm chí còn thể hiện sự thiên lệch đáng ngạc nhiên này bằng việc khoác lên mình bộ quân phục.

Về phần mình, trong thập niên qua, Nga đã xâm lược hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, và tỉ trọng chi tiêu quân sự trên GDP của nước này đã tăng lên theo cấp số nhân. Nhưng trên hết, Hoa Kỳ và Nga đã cáo buộc nhau về việc vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), hiệp định về kiểm soát vũ khí duy nhất giữa hai nước vẫn còn hiệu lực kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Dù không khó để nhìn ra những thách thức hiện nay, chúng ta nên kiềm chế không phóng đại chúng. Trong vài tháng qua, chính quyền Hoa Kỳ đã công bố ba tài liệu quan trọng: Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng Quốc gia và Đánh giá Tình hình Hạt nhân. Trong tất cả những tài liệu này, Trung Quốc và Nga được xác định rõ ràng là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế. Nhưng mối đe dọa chủ yếu đối với Hoa Kỳ ngày nay không xuất phát từ Trung Quốc hay Nga; nó đến từ sự lộn xộn điển hình trong chính sách của bản thân nước Mỹ, kết quả của việc Trump bác bỏ trật tự quốc tế mà Mỹ đã góp phần tạo ra và bảo vệ trong nhiều thập kỷ.

Cần phải nhớ lại rằng khi Trump cố gắng đe dọa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng cách khoe khoang về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, đó là một lần hiếm hoi ông ta nói đúng sự thật. Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ cao nhất thế giới, gấp gần ba lần so với nước đứng thứ hai là Trung Quốc, và gấp gần chín lần Nga đứng thứ ba. Thật vậy, Hoa Kỳ chi cho quốc phòng nhiều hơn cả tám nước tiếp sau cộng lại, và sở hữu kho vũ khí hạt nhân tinh vi nhất thế giới. Tuy nhiên, dù chính quyền Trump thường xuyên tuyên bố (một cách chẳng ý nhị chút nào) về ưu thế quân sự của nước Mỹ, hành động của nước này hàm ý rằng sự vượt trội này vẫn không đủ.

Đánh giá Tình hình Hạt nhân là ví dụ tiêu biểu cho sự không đồng nhất về nhận thức này. Học thuyết mới của Hoa Kỳ quy định phải tăng số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức nổ tương đối nhỏ. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm vô hiệu hóa năng lực của Nga trong lĩnh vực này, do đó “khiến cho kẻ thù tiềm tàng không thể tin vào nhận định sai lầm rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân có giới hạn có thể tạo lợi thế cho họ khi đối đầu với Mỹ và đồng minh.” Nhưng nếu nhận định đó thực sự sai lầm, tại sao lại phải đáp trả như thể nó không hề sai?

Trái ngược với quan điểm của Lầu Năm Góc, trên thực tế, việc phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật vốn rất tốn kém này sẽ hạ thấp ngưỡng khởi đầu xung đột hạt nhân. Và, như chuyên gia Viện Brookings Robert Einhorn giải thích, Đánh giá Tình hình Hạt Nhân bao gồm một quy định mang tính học thuyết khác có tác dụng tương tự: tuyên bố rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả “các cuộc tấn công chiến lược phi hạt nhân” vốn không được xác định rõ ràng.

Việc giảm ngưỡng khởi đầu xung đột hạt nhân làm tăng nguy cơ thảm hoạ toàn cầu, hiện đang nằm ở mức cao nhất kể từ năm 1953 theo Tạp chí “Bulletin of the Atomic Scientists” (Bản tin của các Nhà khoa học Nguyên tử). Ngay cả trong trường hợp khó xảy ra là người ta có thể tránh được sự leo thang không kiểm soát sau “một cuộc triển khai vũ khí hạt nhân,” một vũ khí chiến thuật thôi cũng có thể tạo ra một vụ nổ tương đương với hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Hiroshima và Nagasaki.

Chín năm sau bài phát biểu nổi tiếng của Barack Obama ở Prague, trong đó ông cam kết tìm kiếm một thế giới nơi không có vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị đã không còn là một ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ (điều mà một siêu cường thế giới như Mỹ nên nỗ lực đi đầu). Giải Nobel Hòa bình của Obama giờ đây dường như là một di tích của quá khứ, và giải Nobel được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân vào năm ngoái cũng chỉ là tiếng vang lỗi thời và buồn bã cho vấn đề này. Một cuộc chạy đua vũ trang mới mà Trump tỏ ý ủng hộ dường như đang được tiến hành, mặc dù hiện tại chính quyền có lẽ tập trung nhiều vào việc hoàn thiện kho vũ khí hơn là tăng tổng số lượng của chúng.

Ngoài ra, chính quyền Trump vừa trình bày một đề xuất ngân sách nhằm tăng chi tiêu quân sự, trong khi cắt giảm 25% ngân quỹ cho Bộ Ngoại giao. Mặc dù Quốc hội không mặn mà với đề xuất này, nhưng ngân sách của Trump lại là một triệu chứng khác cho chứng bệnh ác cảm của ông đối với các kênh ngoại giao. Đây là một trong những nguyên nhân của sự suy thoái hình ảnh quốc tế của Hoa Kỳ, một xu hướng dường như không gây ra nhiều phiền hà cho chính quyền hiện nay.

Điều thực sự khiến chính quyền Trump lo lắng – bên cạnh Iran và Triều Tiên – là sự cạnh tranh chiến lược đại diện bởi Nga, và hơn hết là bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc Nga và Trung Quốc gia tăng quân sự hóa, điều cốt yếu cần làm là tránh đổ thêm dầu vào lửa. Xung đột giữa các nước lớn không phải là không thể tránh khỏi – trừ phi những cường quốc này hành xử như thể điều đó không thể tránh khỏi.

Điều đáng báo động nhất đối với Hoa Kỳ không phải là trạng thái đa cực đã phát triển trong suốt thế kỷ này. Thay vào đó, nguy cơ lớn nhất đối với Hoa Kỳ chính là nước này có thể quên đi các nguyên tắc và thể chế đã góp phần củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của mình. Nếu chính quyền Trump cứ tiếp tục mô tả mọi chuyện như một cuộc đối đầu, câu chuyện họ kể sẽ tự trở thành sự thật.

***

Javier Solana nguyên là cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Ông hiện là giám đốc Trung tâm ESADE về Kinh tế và Địa chính trị Toàn cầu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, và là thành viên Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu về châu Âu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux