Sunday, December 22, 2024
Trang chủ > DIỄN ĐÀN Tin giả, “đài ta” và “đài địch”

Tin giả, “đài ta” và “đài địch”

- Quảng Cáo -

Nguyễn Quốc Tấn Trung – Luật Khoa tạp chí

Nếu tin tức giả (fake news) trở thành một hiện tượng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất vào năm 2016, thì tin không chính thống, tin tức của “đài địch” đã được xem là một nguồn tin không được phép tin cậy tại Việt Nam trong vòng trên dưới 70 năm nay.

Tuy nhiên, trong tháng Sáu 2018, khi các làn sóng biểu tình trên cả nước có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ, phe ủng hộ chính phủ bắt đầu sử dụng tin tức giả như một công cụ tuyên truyền đặc biệt và rất có hiệu quả.

Ví dụ, tin tức hoàn toàn bịa đặt về vụ việc hai cảnh sát cơ động bị người biểu tình ném bom xăng đến chết, và thông tin công ty Pouyuen sa thải 4.000 công nhân Việt Nam, được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

- Quảng Cáo -

Vì vậy, dù cộng đồng mạng nhiều lần lên tiếng giải mã đó là các tin không xác thực được các trang không chính thống đưa ra nhưng tác động tiêu cực mà những tin giả này gây ra đối với phong trào biểu tình là chuyện đã rồi.

Điều này cho thấy việc sử dụng thông tin, tin tức giả tại Việt Nam không thể mặc định là dính liền với những kênh thông tin đối lập.

Vậy nên, nếu trong một chương trình thời sự nào đó, khi nghe các phát thanh viên khuyên bảo “người dân phải và chỉ nghe tin tức từ các trang thuộc chính phủ, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, không nghe theo những tin tức từ những nguồn không chính thống”, thì chúng ta nên tự đặt câu hỏi, là liệu những trang thông tin không chính thống đó có phải là nguồn tin giả hay không?

Với bài viết này, tôi hy vọng sẽ vẽ ra được lằn ranh mỏng manh giữa tin tức giả và tin tức “không chính thống” ở Việt Nam.’

Làn sóng tin tức giả trên thế giới và Việt Nam

Tin tức giả không phải điều gì mới mẻ trên thế giới.

Vào tháng 6 năm 1993, tờ Weekly World News từng đưa lên trang bìa dòng tiêu đề “Hillary Clinton nhận nuôi đứa trẻ người ngoài hành tinh” (“Hillary Clinton Adopts Alien Baby.”) Một tiêu đề nhảm nhí và phi lý. Tuy nhiên, những dòng tin từng khiến người ta nhướng mày, lắc đầu cách đây vài thập kỷ hiện nay đang bắt đầu tìm thấy tầm ảnh hưởng khó tin của nó.

Thống kê về chia sẻ tin tức trên Facebook trong suốt quá trình bầu cử Hoa Kỳ cho thấy, khoảng 20 tin tức bầu cử giả đã được chia sẻ, “like” và bình luận tới 8,7 triệu lượt. Thêm vào đó, có đến 6 trên 9 độc giả chia sẻ những tin này mà không cần nhấp vào đọc tin trước.

Những loại tin giả như thế này thậm chí còn dẫn đến đe dọa bạo lực, mà đáng kể nhất chính là vụ ‘Pizzagate’.

Được chia sẻ bởi các trang mạng, nhóm chính trị thuộc phe cực hữu (alt-right), Pizzagate dựng nên một thuyết âm mưu xoay quanh cáo buộc Hillary Clinton và John Podesta – một trong những nhà tài trợ hàng đầu của bà Clinton và cũng là giám đốc chương trình bầu cử của bà, đang vận hành một đường dây buôn người và trẻ em, ẩn mình trong một số chuỗi nhà hàng Pizza, như Ping Pong Comet.

Tuy nhiên, cách mà loại tin này ra đời cũng vô cùng khoa học và có trình tự.

Ngày 30 tháng 10 năm 2016, một tài khoản Twitter ảo tự nhận mình là luật sư gốc Do Thái đang làm việc tại New York đăng tải thông tin được cho là của Sở Cảnh sát New York ghi nhận rằng họ đã phát hiện một đường dây ấu dâm chuyên phục vụ cho nhiều thành viên Đảng Dân chủ.

Đến đầu tháng 11 năm 2016, nhiều người dùng mạng phát hiện một số thư điện tử của Podesta bị WikiLeaks công bố có những ám hiệu, ẩn ngữ thường được dùng để nói về giới ấu dâm và các đường dây buôn người.

Hai thông tin được YourNewsWire tổng hợp, sau đó được nhiều trang web ủng hộ ông Trump thêm thắt, như SubjectPolitics.com. Thông tin cuối cùng được loan tải cho rằng Hillary và John đang vận hành đường dây ấu dâm nói trên. Nhiều trang như Conservative Daily Post còn khẳng định chắc nịch rằng tư gia của bà Hillary đã bị cảnh sát New York lục soát, và rằng FBI cũng đã lên tiếng công nhận sự việc.

Tin tức giả, như ví dụ trên, có thể hiểu là những tin tức hoàn toàn sai sự thật, dù có thể được xây dựng dựa trên một vài dữ kiện có thật. Tuy nhiên, “fake news” được cho là phức tạp hơn thế nhiều. Theo phân tích của Claire Wardle, có thể chia tin tức giả thành sáu nhóm chủ yếu:

Nhóm liên kết giả tạo (false connection): Tức tiêu đề, hình ảnh hay phụ đề cho một bài báo không hề liên quan gì đến nội dung bài báo đó.

Nhóm ngữ cảnh giả tạo (false context): Thông tin có thật nhưng được đặt trong một bối cảnh giả tạo, cắt ghép. Clip người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận tiền hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể bị biến thành clip phản động nhận tiền biểu tình của Việt Tân là một trong những ví dụ cụ thể nhất.

Nhóm nội dung bị thao túng (manipulated content): Hình ảnh, thông tin thực, nhưng bị thao túng để truyền tải một thông điệp khác. Có thể lấy việc cắt xén bài phát biểu của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt về hộ chiếu Việt Nam từ những năm 2008, biến bình luận chân thật và có tính xây dựng của ông trở thành câu nói “mang hộ chiếu Việt Nam rất nhục nhã” là minh chứng cụ thể.

Nhóm nội dung nhằm gây hiểu lầm (misleading content): Tin tức hình ảnh thật, nhưng không đầy đủ và khiến người tiếp nhận hiểu nhầm.

Nhóm tin tức giả danh (imposter content): Tức giả danh các hãng truyền thông đáng tin cậy để đưa tin thất thiệt.

Nhóm tin tức giả tạo hoàn toàn (fabricated content): Những tin tức không đúng sự thật, được thiết kế để làm sai lệch sự kiện, tác động tâm lý người tiếp nhận và gây thiệt hại cho công cộng.

Với những dạng thông tin nói trên, không khó để mọi người đều đi tới một đồng thuận chung rằng, tin tức giả là một căn bệnh cho xã hội hiện đại và cần được xử lý triệt để.

Sự thật về tin tức “không chính thống”

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, theo cách hiểu của phương Tây, tin tức giả và tin tức “không chính thống” không đồng nghĩa với nhau.

Nguồn tin không chính thống thường được liên hệ với mô hình các phương tiện truyền thông thế hệ mới (new media), bao gồm những cách thức truyền tải thông tin mới như blog, youtube, trang cá nhân trên mạng xã hội và những trang tin tức trực tuyến. Sức mạnh của thế hệ mới rõ ràng đang lấn át và thậm chí thay thế dần hệ thống truyền thông đại chúng đời cũ như báo giấy, truyền hình và đài phát thanh.

Điểm đặc biệt cần lưu ý là phương tiện truyền thông thế hệ mới không vi phạm pháp luật nước ngoài, điều này được thể hiện trong án lệ Apple v. Does mà Luật Khoa từng có cơ hội phân tích. Truyền thông đại chúng, vì vậy, buộc phải thích nghi và cạnh tranh sòng phẳng với các mô hình thông tin thế hệ mới.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tin tức không chính thống dù cũng là các phương tiện truyền thông thế hệ mới, đều bị xem là không phù hợp với quy định pháp luật hiện nay.

Về lý thuyết, chỉ những cơ quan, tổ chức do chính phủ Việt Nam ấn định, cấp phép mới được phép mở báo. Nhiều người cho rằng yêu cầu này là chính xác, vì truyền thông, tin tức không phải là chỗ để ai cũng có thể mở, ai cũng có thể đưa tin.

Mỉa mai thay, ông Nguyễn Ái Quốc đã dành gần 20 năm bôn ba ở nước ngoài để chỉ trích chính cái điều này.

“Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hoá và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”

Những lời của Nguyễn Ái Quốc cho thấy ông ủng hộ tin không chính thống hơn cả những thông tin chính quy do chính quyền phê duyệt, đặc biệt khi những thông tin chính quy chỉ tập trung ca tụng công ơn nhà cầm quyền và ru ngủ dân chúng.

Những trang thông tin dù ở thời đại nào vẫn cần có trách nhiệm với uy tín và niềm tin của người đọc. Thế nhưng, báo chí không nên phải gánh chịu trách nhiệm trước đòn roi của các đảng phái chính trị.

Báo chí phải được hoàn toàn thoải mái bày tỏ quan điểm trước những sự thật mất lòng. Báo chí nên ở vị trí có thể nói những thứ không thể nói được trong môi trường chính trị. Họ không cần phải tìm kiếm phiếu bầu, mà cũng không cần phải quan tâm đến môi trường học thuật.

Những điều trên yêu cầu một thế hệ nhà báo xuất thân từ một môi trường khác, sống một cuộc đời khác. Và các nhân tố truyền thông thế hệ mới tại Việt Nam rõ ràng đang làm xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Về việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, báo chí chính thống nhiều lần khẳng định ông này đầu thú và tự nguyện bay về Việt Nam từ Đức và VTV cũng trình diễn phần phỏng vấn ông Thanh không lâu sau đó.

Thế nhưng, những người theo dõi hệ thống tin tức không chính thống của “thế lực thù địch” đều biết rằng ông này bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Nhiều người Đức gốc Việt và các quan chức Việt Nam tham gia lên kế hoạch cuộc bắt bớ này đều bị đưa vào tầm ngắm của giới chức trách Đức.

Sự thật? Phe “đài địch” đưa tin chuẩn hơn cả.

Hay về Luật An ninh mạng và Dự luật về Đặc khu. Báo chí chính thống luôn ca ngợi rằng hai dự luật này là thật sự cần thiết để phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự trị an và an ninh quốc gia.

Nhưng những nguồn thông tin của báo chí không chính thống cho độc giả cái nhìn đa chiều hơn. Họ nhắc đến “quốc gia láng giềng chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh”. Họ thông tin và phân tích thành quả 99 năm của Trung Quốc tại Sri Lanka, tại Châu Phi. Họ chỉ ra khả năng công an, an ninh có thể lấy thông tin của bạn chỉ với một mảnh văn bản mà không cần trát của tòa hay viện kiểm sát. Họ tạo cơ hội cho những trí thức kinh tế có diễn đàn (và động lực) để bày tỏ quan điểm.

Sự thật? Không có sự thật. Nhưng ít ra sự đa nguyên của tin tức không chính thống giúp độc giả hoài nghi những lời ca tụng. Và đó cũng là điều tốt.

Còn rất nhiều câu chuyện để chứng minh sự cần thiết của tin tức không chính thống trong thế giới tin tức đúng “định hướng lãnh đạo” của đảng và nhà nước.

Nhưng có thể khẳng định rằng tin của “đài địch”, tin tức không chính thống, không phải lúc nào cũng là tin giả. Ngược lại, tin lề phải, tin ủng hộ chính quyền không phải bao giờ cũng là thật.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

  1. Cộng sản việt nam rất lo sợ sụp đổ chế độ. Chúng đã cho họ hàng dòng họ chúng chạy khỏi Việt Nam vì chúng biết những ngày sắp tới sẽ có biến rất to . Nếu chúng có chết thì dòng họ chúng tiếp cứu . Tình hình hiện nay tại thành hồ tặc rất nguy kịch, thế lực thù địch đầy rẫy mọi nơi cùng sự căm phẫn của 90 triệu người dân oán ghét chế độ ngày nay.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here

...
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux