Câu chuyện của ngày 30 tháng 6. Ngày cuối của quí 2 năm hai không một tám. Một sự tình cờ lạ lùng làm bật lên một câu hỏi.
Ngày 30-6, GSTS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng trường ĐHCT trực tiếp đến dự cuộc họp sơ kết hoạt động hợp tác của trường với huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Theo lời kể với giọng vui của một chuyên gia nghiên cứu của trường, không khí họp rất phấn chấn, hai bên cùng chuẩn bị những thay đổi về tầm nhìn và nhiệm vụ sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 19/6/2018 và đã bật đèn xanh.
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, chủ trương của tỉnh gần đây xác định rõ hướng phát triển cho các vùng đất khác nhau: (1)Trong đất liền, sẽ phát triển năng lượng tái tạo; (2)Vùng ven biển thì đẩy mạnh trồng lúa, coi trọng xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ ST và (3)Vùng đất cù lao thì phát triển NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÀ DU LỊCH SINH THÁI.
Đại học Cần Thơ thông báo, nhà trường đang dự định nhiều hoạt động hỗ trợ ST. Sóc Trăng như một chất xúc tác cho bước nhảy của Đại học Cần Thơ: sang năm tới sẽ giảng dạy (theo tín chỉ) học phần khởi nghiệp ở tất cả các khoa và tăng cường phần thực hành liên quan đến kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn nhằm tác động việc tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng nông sản căn cơ và ổn định.
Chọn Sóc Trăng, Cù lao Dung, cù lao Long Phú, trúng quá. Vì cả đồng bằng chỉ có vùng này là bãi bồi tự nhiên, phù sa cứ về, không ngừng bồi đắp lên, mặc cho khắp đồng bằng nạn sạt lỡ đang tăng nhanh. Chọn mấy vùng cù lao ven biển này làm nông nghiệp công nghệ cao càng trúng.
Tình cờ tuần trước, tôi gặp một nhà đầu tư ngõ ý làm một nghiên cứu sâu để phát triển vùng bãi bồi trời cho này, theo anh là có thể giúp nông nghiệp đồng bằng phất lên nhờ công nghệ mới. Thật cảm động khi anh bồi hồi nhắc tới những cố gắng của lãnh đạo tỉnh đã giúp nông dân trồng hành tím hữu cơ ở Vĩnh Châu giảm tỉ lệ người dân bị mù, và gạo ST24 hữu cơ, cùng các nông sản chất lượng cao, anh bày tỏ tin cậy là tương lai vùng đất này thật sáng.
Nhưng cũng chiều ngày 30-6, đọc lại vietnamnet và các báo trong ngày, tôi thấy một thông tin đặc biệt: XEM XÉT CHUYỂN NHIỆT ĐIỆN TỶ ĐÔ TỪ PVN SANG DN TRUNG QUỐC.
Trích tin: Bộ Công Thương vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc chuyển giao chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Long Phú III từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sang cho nhà đầu tư Trung Quốc. Và đã có ngay một nhà đầu tư muốn nhận chuyển giao nhà máy nhiệt điện Long Phú III. Cụ thể đó là Công ty TNHH lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG).
Bộ Công Thương cho hay, đây là 1 trong 2 công ty lưới điện nhà nước tại Trung Quốc, cung cấp điện cho 5 tỉnh phía Nam của Trung Quốc. Đây cũng là công ty có hợp tác điện lực với Việt Nam, tính đến tháng 9/2017 đã cung cấp tổng sản lượng khoảng 33,4 tỷ kWh điện cho Việt Nam .Cũng theo Bộ CT, ưu điểm của nhà đầu tư này là đang thực hiện dự án Vĩnh Tân 1(?!?). Hạn chế là nếu áp dụng theo hình thức BOT sẽ khó đáp ứng tiến độ dự án; Chính phủ phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh đối với một số điều kiện như chuyển đổi ngoại tệ, hợp đồng mua bán điện,….
Ngoài ra, Bộ Công Thương có đề xuất một đơn vị khác làm theo hình thức IPP, thì không có bảo lãnh Chính phủ và bảo đảm công nghệ giảm được phát thải, phù hợp xu hướng.
Hãy nhìn trên bản đồ (tôi trích, bản đồ bị mờ). Huyện Long Phú nằm liền kề huyện Cù Lao Dung, khu vực này đang gánh 3 nhà máy nhiệt điện 400 ha. Cũng liền kề Sóc Trăng, huyện Duyên Hải ven biển của Trà Vinh cũng gánh hai nhà máy nhiệt điện. Cuối năm rồi, dân huyện Duyên Hải và chung quanh kêu trời vì bụi than mù trời, tro xỉ đã lấp gần đầy bãi chứa gây ô nhiễm môi trường và xáo trộn cuộc sống do “xóm Trung quốc” với hơn 2.000 lao động người TQ.
Nay Bộ Công Thương muốn giao tiếp Long Phú III cho Trung quốc luôn (2 nhà máy Trà Vinh cũng do TQ đầu tư) với công nghệ mà chính quyền TQ đã cấm dùng cho nội địa nước họ, thì hỡi ôi, giấc mơ lúa hữu cơ, hành tím hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao mà Đại học Cần Thơ và các huyện của ST đang bàn sẽ ra sao?
Vì sao các nhà máy nhiệt diện nhất định phải đặt ở ven biển (việc nhấn chìm 1 triệu m3 bùn thải Bình Thuận tạo sóng dư luận cỡ nào)? Đặc biệt, cụm nhà máy Trà Vinh-Sóc Trăng lại xắn nhằm vị trí gần như chính giữa khúc ven biển từ SG đến Cà Mau. Và sao lại trớ trêu, thiên định hay nhân định, mà cụm 5 nhà máy nhiệt điện hầu hết do TQ đầu tư vận hành này lại chọn trúng cửa biển Trần Đề, vùng biển Duyên Hải-Cù Lao Dung-Long Phú là bãi bồi nhiều phù sa của đồng bằng?
Leave a Comment