“Có lẽ, với sự phát triển đột phá của công nghệ truyền thông, dưới những áp lực mang tính truyền thống lẫn phi truyền thống, vai trò của nhà báo và nghề báo đang được định hình rõ rệt hơn bao giờ hết. Trắng cũng rất dễ thấy, mà đen cũng chẳng khó nhận ra. Dù ở bất kỳ thời nào, nhà báo đích thực không thể thoát được thân phận là người tìm ra và truyền tải sự thật tối thượng và khai dẫn xã hội.”
***
Thiên chức cao quý của nghề báo thì chắc khỏi phải bàn, bởi đã có hàng trăm ngàn bài báo và sách vở nói rồi.
Gần chục năm trước, một tờ báo mạng phỏng vấn tôi quan niệm thế nào về nghề báo, tôi trả lời có hai dạng nhà báo cơ bản: một là dạng “những chiếc máy photocopy” – những nhà báo thực hiện chức năng nguyên thủy của nghề báo, copy y nguyên sự kiện diễn ra ngoài đời rồi dán lên mặt báo với nội dung cái gì diễn ra, khi nào, ở đâu, và vì sao; và hai là “những con tằm” – nhà báo đồng thời là những nhà trí thức, đóng góp của họ góp phần khai dẫn xã hội đến những đích tiến bộ.
Tuy nhiên, trước những nhiễu nhương của thế cuộc, và các thách thức ngày một khốc liệt của nghề này, tôi nghĩ rằng cần phân biệt rõ hơn, bởi ngoài hai dạng nhà báo kể trên, cũng có những “con chim nhại” lười biếng hót tiếng của mình, chạy theo những lợi ích riêng để bẻ cong ngòi bút. Họ nhại lại tiếng nói của kẻ mạnh có quyền, tiền, thế, lực, thay vì đứng về phía sự thật hay phía người yếm thế, thân cô.
Thân tằm
Những phóng viên mới vào nghề thường phải trải qua giai đoạn làm những “chiếc máy photocopy”, đưa tin về những sự việc diễn ra ngoài cuộc sống, qua con chữ và hình ảnh kể cho công chúng nghe về câu chuyện đang diễn ra.
Trong vai trò và sứ mệnh của một người đưa tin thực thụ, họ giúp người đọc biết được chuyện gì thực sự đang diễn ra. Với những nhà báo có nghề hơn, họ sẽ tập trung trả lời câu hỏi “vì sao” đằng sau mỗi sự kiện, bằng cách quan sát sự kiện ở nhiều thế đứng, góc độ, và sử dụng tri thức và suy nghiệm để đưa ra các cách lý giải khả dĩ khác nhau. Khi đó, những “cỗ máy photocopy” trở thành những “thân tằm” nhả tơ tri thức cho đời.
Họ nói lên sự thật dựa trên chính nghĩa và con tim mẫn cảm với thân phận của những người yếm thế, dù cho phải chịu đựng nhiều áp lực của các nhóm lợi ích lớn nhỏ. Ở bình diện này, những “con tằm” là trí thức đúng nghĩa “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, dù rằng nguy hiểm dập dìu. Bởi họ đã tự xác định thân phận của mình là tằm, thì hẳn phải nhả tơ, dù trời mưa hay nắng. Họ sử dụng tri thức của mình, góp phần tích cực trong việc phản biện nhằm tu chỉnh và hoàn thiện các chính sách công. Họ là những chiến sĩ tuyến đầu của công cuộc chống tham nhũng, chống lại cái xấu, cái ác, để cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Họ đóng vai trò là những nhà khai sáng và dẫn dắt sự tiến bộ xã hội trong những “khoảng mù” mà số đông, ở một thời điểm nào đó, chưa nhận ra.
Thân tằm thì cũng cô đơn, ít bầy đàn. Họ viễn du trong thế giới tri thức để nhả kén cho đời những phân tích chiều sâu, những điều tra tỉ mỉ, đi đến cùng sự việc.
… Và những con chim nhại
Thực tế, nếu những người làm báo chân chính vất vả cực nhọc bao nhiêu, thì những người làm nghề kiểu “con chim nhại” lại thấy dễ dàng bấy nhiêu. Chẳng gì dễ bằng nhại lại.
Những người làm nghề kiểu này ít rộng lượng với sự khác biệt. Ai khác họ là có nhiều nguy cơ bị họ tấn công, kể cả đồng nghiệp. Thế nên, cộng với sự thiếu từ tâm, kiểu nhà báo này có thể dễ dàng tấn công một cá nhân nào đó không ưng ý, mà thiếu suy nghĩ hoặc theo sự đặt hàng của giới tiền – quyền. Một ví dụ nhỏ của dạng nhà báo này là nhận tiền doanh nghiệp này để “đánh” doanh nghiệp khác, nhại đúng giọng của doanh nghiệp đưa tiền cho mình để đánh sản phẩm của đối thủ tơi bời.Thực tế cũng cho thấy, có không ít cây viết sẵn sàng là trợ thủ đắc lực cho các quan chức “nghiện chơi” với chủ nghĩa dân túy. Những nhà báo này nhại lại và khuếch đại hình ảnh của quan chức để lôi cuốn đám đông. Đi đâu họ cũng được kè kè đi theo, kể cả các chuyến công cán nước ngoài, đi để tụng ca. Chỉ khi những vị dân túy này bị pháp luật “sờ gáy” vì sai phạm, tham nhũng, chiếc mặt nạ ảo diệu của vị quan tham cũng vỡ tan tành, thì chân tướng của những kẻ bồi bút, tung hê lộ rõ. Đó là kiểu làm báo salon, ngồi vung chữ và “ngửa miệng ăn tiền”. Vì thế, mỗi khi xuất hiện tên của một số ký giả, người ta liên tưởng đến những tiếng nói tanh tao, ám mùi tiền.
Kiểm tra và đối soát thông tin (check and balance) là một trong những kỹ năng cơ bản được dạy ở các giáo trình của hầu hết các trường báo chí. Tuy nhiên, nhiều nhà báo hoặc do lười biếng, hoặc bị chi phối bởi một thế lực nào đó, đưa thông tin từ một phía mà chẳng thèm đối chứng nguồn tin. Ví dụ dễ thấy nhất là trong việc đưa tin về nhiều vụ án, không ít nhà báo và tờ báo chỉ làm nhiệm vụ copy nguyên xi cáo trạng của cơ quan điều tra, mà thiếu đi phần tác nghiệp và tư duy độc lập của nghề báo.
Nhiều nhà báo chỉ dựa vào duy nhất một nguồn tin, họ cho gì, mớm gì thì đưa lên mặt báo thông tin đó. Chính vì vậy nên mới có chuyện, một cái tin đưa về chuyện bắt ông A được các báo đồng loạt đăng, rồi sau đó đồng loạt xin lỗi vì… thông tin chưa được “kiểm chứng kỹ lưỡng”. Làm báo kiểu lười biếng này cũng là một nguyên nhân khiến bạn đọc rời xa các dịch vụ cung cấp tin tức truyền thống, tìm đến các nguồn thông tin mới, như mạng xã hội. Lúc đó, các nhà báo kiểu này tự làm khó mình về sinh kế dài lâu.
Tệ hơn, những “con chim nhại” có thể nhại luôn những lời của những nhà đạo đức, để dạy dỗ chính những người tử tế, hay nhà báo thực thụ. Có kẻ cao giọng khuyên răn về sự trung thực, người lại thích cao giọng về lòng yêu nước, ai đó lại ưa chỉ bảo về sự chính chuyên. Nhại nhiều thành quen, đến mức quên đi thân phận mình chỉ là một con chim nhại.
Nói cho cùng, chọn thế đứng và sự trưởng thành cho mình là những cỗ máy photocopy, hay thân tằm cực nhọc, hoặc những con chim nhại đều là lựa chọn riêng của mỗi người làm nghề. Chọn trở thành cỗ máy photocopy sẽ là những “người đưa tin” thuần túy. Chọn trở thành thân tằm, sẽ mang hình hài của những ký giả thông tuệ và trăn trở với bộn bề thế cuộc. Còn nếu chọn trở thành con chim nhại, nếu không hót được giọng riêng của mình, hãy biết giá trị của sự lặng im.
Nếu không hót được giọng hay, hãy hót giọng mộc mạc mà chân thành, tử tế. Có vậy, đời mới thêm chút tử tế, yên vui!
***
* Tác giả bài viết là Lê Ngọc Sơn – chuyên gia truyền thông và quản trị khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau – CHLB Đức; nguyên Phó tổng biên tập Người Đô Thị; từng là cố vấn truyền thông cho nguyên Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành.
Leave a Comment