Ngày 19 tháng 6 vừa qua, cảnh sát hình sự bang Berlin có gọi mình lên làm việc. Lý do là có ai đó báo với họ rằng việc mình không tham dự phiên toà xét xử là do mình lo sợ bị an ninh Việt Nam trả thù, cũng như mình không dám viết về vụ xét xử.
Mình trình bày không phải là mình lo sợ, mà vì trình độ tiếng Đức của mình không đủ nghe những ngôn ngữ dùng trong phiên toà, việc đưa thông tin lại đã có nhà báo Lê Trung Khoa của trang thoibao.de đưa lại đầy đủ và chi tiết.
Cảnh sát Đức họ nói vì có báo cáo, họ kiểm tra thì thấy có người của an ninh Việt Nam đến dự toà, thái độ lầm lì và ánh mắt hằn học của an ninh Việt Nam ở phiên toà khiến nhiều người Việt e ngại không dám đến dự. Cộng với việc mình không đến, không viết và báo cáo của một người mà họ khá tin cậy, nên họ mới gọi mình đến để hỏi cho ra nhẽ.
Họ cũng nói về vụ Trịnh Xuân Thanh, gần đây nhà nước Việt Nam đã có động thái tích cực để mong muốn bình thường hoá lại quan hệ. Họ hy vọng rằng không lâu nữa mọi việc xoay quanh vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ được chấm dứt tốt đẹp.
Trong thời gian qua không rõ Việt Nam đã có những hành động thiện chí gì để khôi phục lại quan hệ với Đức, nhưng từ phía Đức họ cũng không gia tăng sức ep về ngoại giao với Việt Nam thêm chút nào. Ngoài những gì họ đã công bố biện pháp trừng phạt trước đó, đến nay họ không đưa thêm biện pháp nào khác.
Chẳng hạn như ông Đại sứ Đoàn Xuân Hưng và ông bí thư thứ nhất Lê Thanh Hải (vốn là một sĩ quan ninh cấp cao) tuy có dính dáng đến vụ bắt cóc, như việc ông Hải đi xe ngoại giao sang tận Brno cùng với nhóm bắt cóc TXT và điện thoại ông Hải liên lạc mọi nơi vào ngày xảy ra bắt cóc và sau đó.
Ông Lê Thanh Hải là một sĩ quan an ninh tình báo có nhiều kinh nghiệm, trong vòng chưa đầy 2 năm nhậm chức tại Berlin, ông đã xây dựng được một mạng lưới cộng tác viên thu thập tin tức trong cộng đồng người Việt rất hiệu quả. Những cộng tác viên của ông Hải đều là những người có giao thiệp rộng trong cộng đồng, những người này có lợi thế hoặc kỹ năng tìm hiểu và khai thác thông tin khá tốt.
Tờ thoibao.de đưa tin từ phiên toà như sau:
– Ngày 25/7/2017 đã có hai xe ô tô chạy từ Berlin tới Brno. Đây là một xe bus nhỏ hiệu VW T5 của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và một xe VW màu sẫm thuộc sở hữu cá nhân của sĩ quan liên lạc công an Hải.L.T, hai xe ô tô cùng chạy từ Berlin đi Brno. Điều này được xác định qua đánh giá các dữ liệu từ nhiều vị trí kiểm soát trên đường xa lộ Đức và Séc.
=======================================
Đây là chuyến hành trình đã chở Trịnh Xuân Thanh từ sứ quán Việt Nam tại Đức rời khỏi nước Đức. Tất nhiên để an toàn không bị chặn hỏi dọc đường, không có gì tốt hơn là dùng xe ngoại giao và vai trò quan chức ngoại giao, một phương pháp cổ điển đến nay vẫn hiệu quả vì những đặc quyền về ngoại giao. Ông Hải là người từng học an ninh tại cộng hoà dân chủ Đức cũ, nên ông là lựa chọn tốt nhất cho việc áp giải TXT từ Berlin thủ đô nước Đức sang Slovakia, trên vai trò quan chức ngoại giao cùng với hiểu biết về an ninh do được đào tạo từ chính nước Đức, không có ai có thể thay thế tốt hơn ông Hải để đảm nhiệm vận chuyển món hàng TXT trên quãng đường như vậy.
Là đồng phạm và có những bằng chứng cho thấy ông Lê Thanh Hải, bí thư sứ quán Việt Nam tại Berlin, sĩ quan tình báo cấp cao trực tiếp tham gia vào những giai đoạn quan trọng trong vụ bắt cóc TXT, thế nhưng về phía ngoại giao nhà nước Đức không đưa ra yêu cầu gì với ông Lê Thanh Hải cũng như ông Đoàn Xuân Hưng.
Điều này cho thấy phía Việt Nam đã có những động thái tốt để khắc phục sự việc, không phải vô cớ mà tờ báo của thành phố Frankfurt bỗng nhiên đưa tin khả năng Trịnh Xuân Thanh sẽ được gửi lại về Đức trong thời gian tới đây. Cùng với việc quan chức cao cấp là ông Nguyễn Đức Chung, thị trưởng thành phố Hà Nội có chuyến công du sang Đức vừa qua gặp gỡ thị trưởng thành phố Frankfurt. Ông Chung là quan chức cao cấp nhất của Việt Nam có gặp gỡ và làm việc chính thức với quan chức Đức kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc TXT. Tuy việc giao tiếp giữa hai thành phố nằm ở phạm vi khác với Bộ Ngoại Giao, nhưng trong tình cảnh như vậy, đây có thể là một kênh giao tiếp tế nhị để tháo gỡ vụ khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Việc chủ trương bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đưa về bắt nguồn từ ý muốn của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Trọng tuyên bố trước dân chúng rằng TXT không thoát được đâu, bằng cách nào cũng phải đưa về xử tội.
Ông Trọng đã làm đúng những gì ông tuyên bố, Trịnh Xuân Thanh quả là không thoát đã phải ra toà nghe xử tội trạng.
Thế nhưng ông Trọng không nói đến việc TXT có phải chịu tội hay không. Ông chỉ nói không thoát được và phải bị xử tội, hai mệnh đề này đều đã được thực hiện đúng như ông Trọng nói.
Nếu xảy ra trường hợp phải trả TXT về lại cho Đức, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có gì mất mặt hay nhục nhã như người ta nghĩ. Bởi ông không hề nói đến việc Trịnh Xuân Thanh phải chịu tội, phải thi hành án trọn vẹn.
Ông Trọng và ông TXT là đồng hương, họ hàng của hai ông ở hai làng cạnh nhau. Việc bắt rồi thả không phải là chuyện lạ, trong chính trị trước đây đã xảy ra nhiều chuyện bắt bằng mọi giá sau đó lại thả dễ dàng. Chẳng hạn như Khổng Minh bắt Mạch Hoạch đến 7 lần bắt 7 lần thả thành một giai thoại ly kỳ để đời ca ngợi tài trí của Khổng Minh.
Xét về lý và về tình, việc ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định trả TXT về nước không có gì ngạc nhiên với tình cảnh như này. Thiên hạ được xem một màn đầy gay cấn, thoả mãn được tính hiếu kỳ. Ông Trọng giữ được lời nói.
Còn ông TXT chỉ đổi hai năm tù ngắn ngủi để được một cuộc sống tự do bên trời Âu, hàng ngày đi đánh golf, uống bia và hẹn hò với gái đẹp. Chỉ với 2 năm tù mà có được cuộc sống như thế, dám chắc đến hàng chục triệu người Việt Nam sẵn sàng đánh đổi đi tù oan cũng chơi để có được cuộc sống ở xứ giãy chết như TXT.
Chỉ đáng tiếc cho những diễn viên phụ trong vở kịch này như Nguyễn Hải Long, Đào Quốc Oai đang có cuộc sống ổn định, làm ăn phát triển, vợ con sinh sống bên này, bỗng dưng phải chia lìa. Sẽ gọi là đáng tiếc nếu như họ chỉ là cộng tác viên, trong trường hợp họ là những chiến sĩ an ninh năm vùng thì đó là nhiệm vụ, không có điều gì đáng tiếc, thậm chí là môt chiến công để sau này mỗi chiều ngồi ở hàng bia, họ có thể nhắc nhở tự hào như cha ông họ ngày trước đã từng đánh Mỹ./.
Leave a Comment