Hôm nay, ngày 26/6 là Ngày quốc tế hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn (International Day in Support of Torture Victims).
Đây cũng là ngày đánh dấu cho Công ước Chống Tra tấn của LHQ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 1987.
Theo Công ước này, tra tấn được định nghĩa là hành vi gây ra đau đớn nặng nề hoặc đau khổ lên thể xác hay tinh thần đối với người khác được thực hiện bởi viên chức chính quyền nhằm mục đích lấy lời khai, lời thú tội hay để trừng phạt người đó.
Tra tấn không áp dụng thời hiệu truy tố. Tức bất kỳ một viên chức chính quyền nào thực hiện hành vi tra tấn mà thời điểm đó pháp luật không xử lý được họ, thì 50-70 năm sau vẫn có thể truy tố họ về hành vi này.
Không bị tra tấn là một quyền tuyệt đối không thể bị giới hạn hay tước bỏ bởi bất kể lý do gì, kể cả trong tình trạng chiến tranh, xung đột chính trị hay vì lý do an ninh quốc gia.
Các lời biện minh cho hành vi tra tấn như “làm theo lệnh cấp trên” hay “làm theo chỉ đạo” sẽ không được xem xét hay là một tình tiết giảm nhẹ theo Công ước Chống tra tấn vì người thực hiện hành vi tra tấn nhận thức rõ pháp luật nghiêm cấm tuyệt đối về hành vi này nhưng vẫn cố ý thực hiện. Người ra lệnh lẫn người thực hiện hành vi tra tấn đều phải chịu trách nhiệm mà không thể biện minh hay đổ lỗi cho nhau.
Tra tấn bị cấm tuyệt đối được chấp nhận là một nguyên tắc không chỉ theo luật mà còn theo tập quán quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc, người có hành vi tra tấn sẽ không thể dung thân ở bất kỳ quốc gia nào.
Người thực hiện hành vi tra tấn không chỉ phạm pháp mà còn thúc đẩy cho việc hủy hoại lương tri và tâm hồn của chính mình.
Nhân Ngày quốc tế hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn 26/6, tôi xin được gửi lời chúc bình phục đến các nạn nhân bị bắt giữ và bị tra tấn tại công viên Tao Đàn hôm 17/6.
Leave a Comment