Quảng Cáo

Câu chuyện Phan Rí và những trò lưu manh chính trị

Cảnh sát cơ động và người biểu tình đối mặt trên Quốc lộ 1 ở Bình Thuận ngày 11 tháng Sáu, 2018.

Quảng Cáo

Tân Phong – Việt Tân

“Thế lực thù địch” nào ở Phan Rí?

Phan Rí (hay còn gọi là Phan Rí Cửa), thuộc huyện Tuy Phong, là một thị trấn nhỏ ven biển Nam Trung bộ, nằm trên quốc lộ 1A, giáp ranh với huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 70 km về phía Bắc.

Giống như bao vùng đất ven biển khác ở Việt Nam, Phan Rí cũng cá mắm mặn mòi, những làng chài bình dị và những ngư dân phóng khoáng, ngang tàng. Khí hậu và quang cảnh savan bán hoang mạc với những đồi cát, đồng cỏ khô cằn, phù hợp cho cây thanh long – một loài xương rồng được trồng ở qui mô công nghiệp nhiều năm qua, cùng với những sản vật địa phương như nước mắm Phan Thiết, nước khoáng Vĩnh Hảo và khu du lịch Mũi Né… Đó có lẽ là những gì mà người ta thường biết tới vùng đất của nước Chiêm Thành xa xưa.

Cuộc sống ở Phan Rí hay Phan Thiết nói chung êm ả, hiền hòa. Tỉnh Bình Thuận vẫn còn là một tỉnh nghèo, tỷ trọng kinh tế phụ thuộc nhiều vào nghề biển, nông nghiệp và khai khoáng, mức độ công nghiệp và đô thị hóa không cao.

Bỗng nhiên, vào ngày 10.06.2018 vừa qua, những gì xảy ra ở thị trấn nhỏ bé này đã làm chấn động cả nước bởi sự kiện người dân xô xát với cảnh sát 113, đốt cháy nhiều phương tiện, xe ô tô của phòng Cảnh sát PCCC và công an thị trấn Phan Rí Cửa, buộc lực lượng 113 ở đây phải giải giáp, chạy trốn.

Sự việc này, đặt trong bối cảnh khi cả nước trong ngày 10.06 đang có nhiều cuộc biểu tình phản đối hai dự luật sắp được Quốc hội Việt Nam thông qua là dự luật Đặc khu hành chính kinh tế và dự luật An ninh mạng. Vụ bạo loạn ở Phan Rí có thể nói là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ 1975 trở lại đây khi người dân tấn công trực diện lực lượng vũ trang và đốt phá các trụ sở và phương tiện của nhà nước, khiến cho những “chóp bu” của chế độ phải run rẩy và đám quan chức địa phương sống trong sợ hãi.

Vụ việc khiến cho cầm quyền CSVN lấy đó để qui chụp và đánh đồng những cuộc biểu tình khác diễn ra ôn hòa ở Sài gòn, Đà nẵng, Nha Trang, Hà Nội, Long An… theo một góc độ tiêu cực hoàn toàn khác.

Hà Nội, ngay lập tức đã chọn phương án “đàn áp trước, tuyên truyền sau”.

Không có gì lạ cả. Một thể chế được “đẻ ra từ họng súng” và truyền thống “chuyên chính vô sản” thì thay vì tìm cách đối thoại với người dân, nhà nước CS ưa thích sử dụng dùi cui, hơi cay, và xe tăng… Hàng ngàn lính thuộc cục K20 của Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động được không vận vào chiều ngày 11.06, xe tăng thiết giáp cùng các lực lượng cảnh sát cơ động, đặc nhiệm… ở trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ được điều động khẩn cấp về Bình Thuận và thành Hồ để đối phó “phản loạn, phá hoại” mà như lời ông phó bí thư tỉnh Bình Thuận nói, sẽ “không thể dung thứ”.

Theo lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng, quân khu 7 được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp và thường trực chiến đấu. Một lực lượng quân đội, an ninh, cảnh sát, mật vụ khổng lồ được điều động như để đối phó với một cuộc đảo chính quân sự thực thụ.

Kết quả là “đám phản loạn” gồm toàn những thanh niên choai choai tuổi từ 13- 25, tay không tấc sắt, đã bị “bắt hốt liền” và đập cho nhừ tử. Hơn 200 người bị cho tham gia vào cuộc biểu tình và bạo loạn hôm 10-11.06 ở Phan Rí và Phan Thiết, bị nhà cầm quyền đến từng nhà, tróc nã và tạm giam.

Với tài năng điều tra phá án thần tốc “giỏi nhất thế giới” của cơ quan công an Việt Nam, những thanh niên này đã “thành khẩn khai báo” là có nhận 300 ngàn tiền Hồ của “ai đó” để đi biểu tình, đập phá tài sản và tấn công lực lượng cảnh sát… như bản tin an ninh trật tự của Bộ CA hôm 13.06.

Ngay sau đó, ngày 15.06, công an Bình Thuận đã quyết định khởi tố nhóm thanh niên này. Con ngáo ộp có tên “thế lực thù địch” là cụm từ mà giới chức cộng sản nhắc lại nhiều nhất trong những ngày qua. Bà chủ tịch quốc hội kêu gọi người dân “bình tĩnh, không nghe lời xúi giục, kích động, lợi dụng lòng yêu nước, xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước của thế lực thù địch”. Ông Tổng bí thư sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng cũng đã xuất hiện, ê a nói đến những âm mưu chống phá của thế lực thù địch, “bàn tay nước ngoài” trong việc xúi giục, kích động người dân…

Có điều gì đó rất giống với những gì đã diễn ra cách đây 4 năm trước, năm 2014, trong sự kiện bạo loạn ở Bình Dương khi giàn khoan HD981 của Trung quốc kéo vào vùng biển Việt Nam. Vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của rất nhiều công ty nước ngoài như Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc…

Lúc đó, được cơ quan điều tra Việt Nam cho là có bàn tay xúi giục, kích động và hỗ trợ tài chính của các “tổ chức nước ngoài” như Việt Tân, CIA… Cuối cùng thì “thế lực thù địch” cũng là một vài thanh niên “choai choai”, xăm mình, mấy tay anh chị giang hồ xóm giống như ở Phan Rí hôm nay, sau khi đã bị đánh cho mềm xương, đã lí nhí khai nhận 300 ngàn Hồ tệ để đi đập phá… Nếu như Trịnh Xuân Thanh có thể tự mình vượt biên khỏi Đức bằng máy bay để về Hà Nội đầu thú thì việc mấy thanh niên Phan Rí nhận tiền của “thế lực phản động” đi biểu tình, đánh nhau với cảnh sát, đốt phá trụ sở cơ quan nhà nước… xem chừng có nhiều cơ sở để tin tưởng hơn?

Sự thực về cuộc bạo loạn ở Phan Rí

Nền báo chí cách mạng với hơn 800 tờ báo và 18.000 phóng viên đã gần như cấm khẩu trong việc cập nhật thông tin về các cuộc biểu tình khắp cả nước trong những ngày 10-11.06.2018 và cuộc bạo loạn ở Bình Thuận vừa qua.

Báo chí chỉ làm công việc đăng tải những phát ngôn của một số quan chức chóp bu Hà Nội, những bình luận theo “định hướng”. Trong một xã hội mà truyền thông trở thành công cụ tuyên truyền của thể chế độc tài thì Sự thực trở thành thứ xa xỉ. Tuy nhiên, một số bài báo chính thống, dù đưa tin rất hạn chế và dè dặt, cũng đã vô tình đưa ra những “cái đuôi” rất mâu thuẫn với những thông tin đăng tải trên hệ thống tuyên truyền của Bộ công an và cơ quan tuyên giáo. Và để tìm hiểu chuyện gì thực sự đã xảy ra, người viết bài này đã xuống tận nơi nhiều ngày để nghe những người dân trực tiếp chứng kiến sự việc, kể lại câu chuyện ở Phan Rí.

Trong một bài báo gần đây trên tờ báo điện tử baomoi, tác giả Phong Vũ có bài viết “Tấn công cảnh sát, đốt xe tại Phan Rí – khởi đầu từ tin đồn thất thiệt?”, đã cho biết chứng kiến của người dân tại hiện trường sự việc “Ban đầu bà con ôn hòa, nhưng rồi có một người bị thương nên đưa đi cấp cứu, không hiểu sau đó thế nào mà có tin báo về rằng người đó đã tử vong nên một số người quá khích tấn công CSCĐ” – ông cho rằng chính thông tin thất thiệt đó đã khiến sự việc bùng phát và dần leo thang”.

Đây cũng là điều mà nhiều người dân khẳng định về sự việc ban đầu rất đơn giản. Người dân vùng Phan Rí Cửa vào sáng ngày 10.06 đã xuống đường biểu tình ôn hòa. Một nhóm người khoảng vài chục người đi bộ và xe máy ra khu vực ngã ba Cầu – giao lộ đường Thống Nhất, Phan Rí Cửa với quốc lộ 1A để biểu tình phản đối chính quyền có thể cho Trung cộng thuê đất tới 99 năm ở những đặc khu kinh tế. Là những người dân vùng biển thường xuyên bị các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Trung cộng đâm chìm tàu thuyền, cướp phá tài sản, người dân Phan Rí, Phan Thiết đương nhiên không bao giờ coi Trung Quốc là “bạn bè tốt, láng giềng tốt” như đám lãnh đạo CSVN.

Lực lượng 113 và PCCC đóng tại thị trấn Phan Rí Cửa, ngay gần khu ngã ba Cầu, đã đưa lực lượng ra chặn ngang quốc lộ 1A, không cho đoàn biểu tình ôn hòa này đi tiếp. Việc làm thiếu chuyên nghiệp này của lực lượng cảnh sát 113 Phan Rí Cửa đã làm cho đoạn đường quốc lộ 1A giao với đường Thống Nhất, tắc nghẽn nghiêm trọng.

Cả người biểu tình, người đi đường, người dân hiếu kỳ kéo đến xem, xe máy, xe tải trên quốc lộ… tắc ứ và tạo ra sự hỗn loạn dưới cái nắng cháy da thịt. Căng thẳng bùng phát khi có xô xát và một thanh niên địa phương bị đánh ngất trên cầu. Đám thanh niên Phan Rí Cửa bị đánh đuổi đã gọi thêm bạn bè từ xã Phan Hòa ở huyện Bình Bắc đến ứng cứu và kẹp lực lượng cảnh sát 113 này vào giữa những làn gạch đá giận dữ khiến cho đám CS 113 phải chạy vào núp trú trong trụ sở cảnh sát PCCC gần đó.

Trong cơn tức giận, những thanh niên trong nhóm xô xát với cảnh sát đã lật xe, tháo bình xăng và châm lửa đốt. Lửa cháy lan sang những xe PCCC đỗ sát bên và thiêu rụi gần chục chiếc xe ở sân trạm PCCC. Đám cảnh sát 113 trẻ lúc này đã quá hoảng sợ, bị dồn sát vào tường bên hông khu nhà để tránh khói lửa, cởi bỏ giáp trụ, bỏ vũ khí để đào thoát khỏi trụ sở, trốn vào những nhà dân gần đó. Những thanh niên xô xát với lực lượng cảnh sát cũng tẩu thoát khỏi hiện trường sau đó.

Chiều ngày 11.06 thì lực lượng cảnh sát chống bạo động từ ngoài Bắc đã được không vận vào Phan Thiết, cùng với lực lượng của trung đoàn CS 113 Tây Nam Bộ, cô lập vùng Phan Rí Cửa, trấn áp và truy bắt những người tham gia vào vụ bạo loạn.

Hơn 200 người bị cho là tham gia vào cuộc bạo loạn, biểu tình đã bị lực lượng an ninh, cảnh sát gom bắt vào chiều tối ngày 11.06-13.06. Trên bản tin an ninh trật tự của Bộ công an đã đăng tải clips những thanh thiếu niên “thú nhận” đã nhận tiền, nghe xúi bẩy bởi một người nào đó để đi đập phá, ném đá… Điều này hoàn toàn không đúng với sự thực như người dân địa phương cho biết.

Mượn gió bẻ măng và những chiêu trò chính trị đê mạt

Câu chuyện về Phan Rí Cửa và nguyên nhân của vụ bạo loạn vừa qua, có thể khẳng định là bộc phát giữa người dân và lực lượng cảnh sát. Sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát cũng như việc dùng vũ lực trước với nhóm thanh niên địa phương đã châm ngòi bạo lực không kiểm soát nổi.

Nếu như ở các đô thị lớn như Saigon, lực lượng biểu tình phần lớn khởi đầu từ những người cấp tiến và có tri thức cao, khả năng kiềm chế tốt và có kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động, do đó khả năng bùng phát bạo động là thấp. Trong khí đó, ở những cộng đồng dân cư có mức độ tri thức hạn chế hơn, tính chủng tộc cao (Phan Rí Cửa và Phan Hòa, Bắc Bình là khu cộng đồng người Chăm sinh sống quần tụ nhiều đời), thiếu sự kiềm chế trước hành động vũ lực của nhà cầm quyền như ở Phan Rí thì nguy cơ xảy ra bạo động rất cao.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Bộ công an và cơ quan điều tra luôn muốn “định hướng” và nhấn mạnh vai trò của những “thế lực thù địch” và nguy cơ lật đổ chế độ?

Có một điều phải nói tới vụ việc HD981 và bạo loạn ở Bình Dương năm 2014. Sau sự kiện trên, chính phủ Việt Nam đã phải đền bù thiệt hại rất lớn cho các công ty nước ngoài bị tấn công trong vụ bạo loạn và ngân sách đầu tư cho lực lượng công an kể từ năm 2014 cho đến nay đã tăng gấp rưỡi, vượt cả ngân sách quốc phòng tức là hơn 5 tỷ USD/năm, cùng việc thăng cấp thêm 147 tướng công an. Không biết, “thế lực thù địch” đập phá được bao nhiêu tài sản xã hội nhưng rõ ràng mỗi năm, ngân sách kể từ 2014, đã phải tăng thêm gần 1,2 tỷ usd/năm cho bộ công an để chống bạo loạn, chống lật đổ, chống phản động, thắt chặt an ninh mạng.

Tân Phong, ngày 19.06.2018

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux