BBC|
Hãng tin Bloomberg ngày 18/6 có bài viết tựa đề “Việt Nam: Bất mãn ẩn náu dưới bề mặt thành công về kinh tế”.
“Việt Nam khoe là một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong khu vực, công dân lạc quan và một chính phủ ổn định. Nhưng bên dưới bề mặt tích cực đó là sự bất mãn, bùng nổ qua các cuộc biểu tình khắp Việt Nam tuần qua,” bài trên Bloomberg cho hay.
“Có một sự thất vọng chung trong xã hội”, Alexander Vuving, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Hawaii, được Bloomberg trích lời.
Trong vòng 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới WTO, đã có tiến bộ trong việc tạo ra sự giàu có. Nhưng cùng lúc đó, người ta chứng kiến rất nhiều tham nhũng. Và người dân Việt Nam nghi ngại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự mất tin tưởng vào chính phủ tồn tại trong dân chúng, những người bày tỏ sự lo ngại của mình trên mạng xã hội, theo Bloomberg.
Các mối nguy với nền kinh tế
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,38% trong quý đầu 2018. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6.5% lên 6.8% trong cả năm nay.
Bùng nổ kinh tế tại Việt Nam là nhờ vào đầu tư từ các công ty nước ngoài như Samsung, LG Electronics, Nestle SA, các tập đoàn biến Việt Nam thành một xưởng sản xuất thủ công.
Hiện các nhà đầu tư chưa nản lòng tại Việt Nam, nhưng “mối nguy lớn nhất cho Việt Nam bây giờ là sụt giảm FDI, trong bối cảnh sự bất mãn trong xã hội gia tăng,” Bloomberg trích lời ông Bernard Lapointed, công ty Viet Dragon tại TP Hồ Chí Minh.
Luật sư Trần Vũ Hải chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng ‘thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng.’
“Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật An ninh mạng vào 9h57 sáng thứ Ba 12/6/2018, thị trường chứng khoán bị chao đảo, có lúc giảm gần 30 điểm (giảm gần 3%). Đến phiên chiều có hồi phục chút ít, nhưng cũng giảm 18 điểm (1,8%).”
Trong khi đó, luật sư Luân Lê viết trên trang cá nhân:
“Thị trường chứng khoán lao dốc và bốc hơi đến gần 6 tỷ đô la chỉ trong vòng chưa đến một ngày ngắn ngủi bằng những phiên bán tháo với khối lượng lớn, trong đó đặc biệt là khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài).”
“Đó là tình trạng xảy ra ngay sau khi quốc hội bấm nút thông qua luật an ninh mạng 2018.”
“Một làn sóng ngầm giận giữ đang lớn dần trong lòng người dân bởi tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch từ chính quyền địa phương,” tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh được Bloomberg trích thuật.
“Một việc rất quan trọng là chính phủ cần giải quyết các vấn đề này trước khi nó trở thành vấn nạn lớn trong dân.”
Hàng chục tỷ đô la bốc hơi
Thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi hơn 30 tỷ đô trong vòng hơn hai tháng, VnIndex tụt sâu dưới ngưỡng 1.000 điểm trong phiên giao dịch sáng 19/6, theo Vietnamnet.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh, trong đó có VPBank (VPB), ACB.
“Túi tiền của nhiều tỷ phú Việt xẹp nhanh chóng”, trang Vietnamnet cho hay.
Theo Dân Việt thống kê, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air bốc hơi khoảng 2.000 tỷ đồng sau ba phiên giao dịch gần nhất.
Tổng tài sản của bà Thảo theo tính toán của Forbes tới 18/6 chỉ còn 2,9 tỷ USD, mất khoảng 1 tỷ USD so với đỉnh cao.
Tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC giảm xuống chỉ còn khoảng 21.700 tỷ đồng (khoảng 950 triệu đô la).
Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng có tài sản bốc hơi khoảng 1.600 tỷ đồng trong hai phiên vừa qua.
Sự sụt giảm kinh tế này xảy ra trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu kinh tế nổ ra tại nhiều tỉnh thành khắp Việt Nam.
Sự việc căng thẳng nhất xảy ra tại Phan Rí khi người dân đốt trụ sở ủy ban và chống trả lực lượng an ninh bằng gạch đá. Hàng trăm người bị bắt sau đó, trong đó có những ‘thành phần quá khích’, theo truyền thông Việt Nam.
Mới đây nhất, hàng trăm người bị bắt câu lưu tại Sài Gòn trước lo ngại biểu tình. Một số nhân chứng cho BBC biết bị bắt vô cớ và bị đánh đập.
Trả lời phóng viên trong nước, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nói “một số sự kiện vừa rồi đã bị lợi dụng”.
“Chắc là các thế lực thù địch phải tìm thời điểm thích hợp để kích động để đúng ý đồ của người ta. Đã có âm mưu thì phải có sự chuẩn bị,” ông Hồng nói thêm.
Các lãnh đạo Việt Nam, gồm cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cũng tìm cách trấn an dư luận rằng “Việt Nam vẫn có tự do Internet”, theo báo chí nước này hôm 18/06./.