Phạm Chí Dũng – Người Việt |
Nếu vài năm trước, dân chúng và cả một phần lớn trong đội ngũ công chức “còn đảng còn mình” bức bối vì âm mưu của nhóm lợi ích xăng dầu sẽ kích động giá xăng lên trên 20.000 đồng/lít và lao thẳng đến mốc 25.000 đồng/lít, thì đến nay cái mốc 25.000 đồng kia chỉ còn là tương lai gần. Nhưng mối nguy hiểm mới và sâu độc là lòng tham và thói tàn bạo sẽ không dừng ở đó. Mà giá xăng còn có thể được đẩy bật đến mức 50.000 đồng/lít!
Thuế bảo vệ môi trường từ 10.000-20.000 đồng/lít (!?)
Tháng Năm năm 2018, sau khi Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng được Thủ Tướng Phúc “gật” để “thừa ủy quyền của thủ tướng chính phủ, thay mặt chính phủ” ký tờ trình cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Dự Thảo Nghị Quyết về Biểu Thuế Bảo Vệ Môi Trường, đã lấp ló một chiến dịch PR mới của nhóm cá mập xăng dầu nhằm âm mưu tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ lên kịch khung mà còn tạo ra một cái khung cao hơn nhiều để thêm một lần nữa “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.”
Trước đó, chiến dịch vận động tăng giá xăng dầu đã luôn được Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng giới quan chức chủ quản là Bộ Công Thương và cơ quan chuyên “sáng tạo” thuế bổ đầu dân là Bộ Tài Chính khai triển từ nhiều năm qua, đặc biệt sau thời gian Petrolimex đầu tư ồ ạt và trái ngành vào chứng khoán, bất động sản những năm 2007-2008 mà đã phải gánh số lỗ đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Còn nay, một nữ quan chức là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – phó vụ trưởng Vụ Chính Sách Thuế, Bộ Tài Chính vừa thông tin cho báo chí là tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Sửa Đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo Vệ Môi Trường do Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội tổ chức năm 2017, Tiến Sĩ Huỳnh Thế Du – giám đốc đào tạo Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright đã nhận định: “Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít.”
“Trên cơ sở đó, Bộ Tài Chính đã trình chính phủ và chính phủ đã đồng ý trình Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi ni lông, trong đó đề xuất tăng kịch khung thuế đối với xăng dầu, dung dịch HCFC và túi ni lông,” bà Hằng nói với thái độ như thể “việc đã rồi.”
Từ đầu năm 2016 và ngay sau khi đại hội 12 của đảng cầm quyền “thành công tốt đẹp,” đã nhiều lần “Bộ bóp cổ” (một hỗn danh mà dân gian đương đại dùng để gọi Bộ Tài Chính) âm mưu đặt các vụ tăng giá xăng dầu và tăng thuế bảo vệ môi trường vào sự đã rồi.
Trong hai năm 2016 và 2017, sau chiến dịch PR không thành công để tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít xăng lên đến 8.000 đồng/lít xăng do bị dư luận phản ứng dữ dội, dù Thứ trưởng Bộ Tài Chính là Đỗ Hoàng Anh Tuấn phải phát ra một tuyên bố trở tráo về “thuế bảo vệ môi trường” là “được lòng dân hơn,” “Bộ bóp cổ” đã chuyển chiến thuật sang “thu thuế cứ phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi hét toáng lên,” tức ngay trước mắt đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít xăng lên kịch khung là 4.000 đồng/lít xăng, với đủ thứ lý do mà không một lý do nào trong số đó có tính thuyết phục.
Những kẻ chỉ nhăm nhe tăng thuế đè đầu dân chúng cũng bất chấp một khuất tất rất lớn bị công luận cũng phản ứng ghê gớm: số tăng thu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 gấp đến 4 lần năm 2014 nhưng chỉ có khoảng 1/3 số tiền thu được dùng vào việc bảo vệ môi trường, còn 2/3 còn lại không biết “biến” vào túi kẻ nào.
Trong thời gian đó, tác nhân chính gây ra bão giá xăng dầu và lạm phát là Petrolimex đã âm thầm tăng dần giá xăng, từ mức giá 16.000-17.000 đồng/lít vào giữa năm 2017 lên trên 20.000 đồng/lít vào đầu năm 2018, và đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến mốc 25,000 đồng/lít chỉ nội trong năm nay.
Tức cứ tăng dần dần, tăng từ từ, dân Việt dù biết bị móc túi nhưng không thể phản ứng mạnh và rồi sẽ quen dần.
Nhưng 25.000 đồng/lít vẫn không phải là cái đích cuối cùng “cắn xé túi quần dân chúng” của Petrolimex.
Ngân sách sẽ “bóp cổ dân” được 200.000 tỷ đồng?
Trong thực tế, nếu chiến dịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít được tiến hành trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng hàng năm, so với hiện tại chỉ có khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng.
50.000-60.000 tỷ đồng thu thêm chính là số tiền mà ngân sách đang thiếu hụt, cần phải “tái cơ cấu” và do vậy thuế “bảo vệ môi trường” cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới.
Vào lúc này, ngân sách lại đang quằn quại trong cơn khát tiền, chủ yếu để trả lương nuôi đảng.
Kết thúc năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng Công Ty Rượu Bia – nước Giải Khát (Sabeco), thu được chẵn $5 tỷ, tương đương $110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 96.8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96.8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và “bán mình.”
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách “bán mình” tại một số tập đoàn được xem là “bò sữa” luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Nếu thuế bảo vệ môi trường được “Bộ bóp cổ” phóng lên 10.000 – 20.000 đồng/lít xăng dầu nhờ dựa vào “ý kiến chuyên gia,” ngân sách sẽ thu thêm được từ 150.000 đến 200.000 tỷ đồng mỗi năm, còn Petrolimex và cơ quan chủ quản của nó là Bộ Công Thương lẫn “cơ quan phối hợp” của nó là Bộ Tài Chính sẽ có thêm những khoản lợi nhuận khổng lồ từ tiền “bóp cổ” dân. Khi đó, số lãi hàng năm mà Petrolimex chia chác cho Bộ Công Thương không chỉ là 3,000 tỷ đồng như hiện nay, mà chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao giới quan chức Bộ Tài Chính đã xoay sở để có được những ý kiến ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ giới chuyên gia, kể cả những ý kiến trung dung mà có thể được xem là “không có ý kiến có nghĩa là ủng hộ,” hoặc từ những người có hơi hướng “phản biện nhưng trung thành” như Tiến Sĩ Huỳnh Thế Du.
Phát biểu “Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít” của ông Huỳnh Thế Du đã bị “đảng và nhà nước ta” lợi dụng triệt để và lấy làm căn cứ cốt yếu để chính phủ rất có thể sẽ quyết tăng thuế bảo vệ môi trường lên đến 20.000 đồng/lít xăng dầu, trong đó có “con bò sữa Sài Gòn” phải chịu thuế nặng nề nhất.
Ý đồ của nhóm cá mập cùng giới quyền lực độc trị là rất rõ: giá xăng sẽ không chỉ dừng ở mức 25.000 đồng/lít, mà còn có thể được phóng lên gấp đôi như thế – 50.000 đồng/lít, làm đầy hơn cái túi đã quá đầy của những kẻ bóc lột và trám vào lỗ thủng toang hoác của ngân sách để giúp duy trì bộ máy đảng trị và “hành là chính” được tháng nào hay tháng đó./.
Leave a Comment