Lê Anh Hùng – VOA
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước, ngày 29/5/2018 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Công Thương, UBND TP Đà Nẵng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500KV vào “Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.
Điện lực là một ngành kinh tế hạ tầng trọng yếu của bất kỳ quốc gia nào, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam mất điện trong một ngày xem: cả nền hành chính lẫn nền kinh tế quốc gia sẽ rơi vào cảnh đình trệ, thậm chí gần như bị tê liệt. Đối với một tỉnh hay một khu vực, ảnh hưởng do sự cố mất điện gây ra cũng tương tự.
Vì vậy, không chỉ hệ thống truyền tải điện 500KV, mà lẽ ra toàn bộ hệ thống truyền tải điện quốc gia (bao gồm đường dây 500KV và đường dây 220KV) cùng các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy điện công suất lớn) đều phải được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Ai có thể xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam?
Chủ thể có thể xâm phạm an ninh của một quốc gia là đối tượng đe doạ và đủ sức gây phương hại đến an ninh của quốc gia đó. Xét trên phương diện ấy, chỉ có kẻ khủng bố, tổ chức khủng bố hoặc quốc gia thù địch mới có thể đe doạ và xâm phạm an ninh của một quốc gia.
Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một cá nhân hay tổ chức khủng bố nào. Các tổ chức khủng bố trên thế giới thường xuất hiện tại các quốc gia có các tổ chức tôn giáo cực đoan. Vì thế, khả năng trong tương lai các cá nhân hay tổ chức khủng bố xuất hiện tại Việt Nam có thể bị loại trừ.
Như vậy, đối tượng có thể đe doạ và xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam chỉ có thể là các quốc gia thù địch. Theo tiêu chí ấy, Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất có thể đe doạ và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam, bởi họ không chỉ đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa cùng một phần Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên đòi độc chiếm 85% Biển Đông thông qua yêu sách đường lưỡi bò, mà còn nhiều lần đe doạ đánh chiếm phần còn lại ở Trường Sa và xâm lược Việt Nam. (Tổng thống Obama từng đón tiếp người đứng đầu Đảng CSVN tại Nhà Trắng, một cử chỉ cho thấy Hoa Kỳ thừa nhận và tôn trọng chính thể hiện hành tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, Mỹ còn muốn thiết lập mối quan hệ đồng minh chiến lược với Việt Nam để cùng ngăn chặn hiểm hoạ chung mang tên Trung Quốc. Vì thế, có thể nói là Mỹ không đe doạ an ninh quốc gia của Việt Nam, mà ngược lại họ còn đang giúp Việt Nam đương đầu với Trung Quốc. Trong 3 quốc gia láng giềng của Việt Nam thì Lào được xem là đồng minh; Campuchia thì chỉ có thể đe doạ và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam nếu được Trung Quốc xúi giục và hậu thuẫn.)
Trung Quốc đe doạ an ninh quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực điện lực như thế nào?
Thật trớ trêu, trong khi Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất đã, đang và tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam thì đâu đâu trên dải đất hình chữ S này người ta cũng thấy bàn tay lông lá của Bắc Kinh trong lĩnh vực điện lực. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện ở Việt Nam đều do Trung Quốc hoặc đầu tư theo hình thức BOT, hoặc làm tổng thầu (EPC), hoặc cung cấp thiết bị. Thậm chí, ngay cả đồng hồ đo điện tại các hộ dân cũng phần lớn là hàng “made in China”.
Tại sao lại xảy ra sự thể lạ đời như vậy? Câu trả lời nằm ở một người Việt gốc Hoa xuất thân từ ngành điện, đã chui sâu leo cao trong bộ máy quyền lực và khuynh loát ngành điện lực Việt Nam kể từ năm 1995 đến nay – đó là Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Hoàng Trung Hải làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hệ thống điện, Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1981. Từ 9/1995 đến 6/1997, ông ta là Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Trưởng ban Kiểm soát Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN); từ 7/1997đến 3/1998: Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, phụ trách EVN; từ 4/1998 đến 8/2000: Tổng Giám đốc EVN; từ 8/2000 đến 7/2002: Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, phụ trách EVN; từ 8/2002-7/2007: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (bộ chủ quản EVN); từ 8/2007 đến 4/2016: Phó Thủ tướng Chính phủ đặc trách lĩnh vực kinh tế ngành, trong đó có ngành điện lực.
Trong suốt 20 năm nắm giữ các vị trí quan trọng nói trên, “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải đã gần như “Hán hoá” ngành điện lực Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ các loại máy móc, thiết bị điện lực công nghệ lạc hậu và đặc biệt là gây ô nhiễm của Trung Quốc.
Là một kỹ sư hệ thống điện, gắn bó với ngành điện lực suốt 35 năm (từ 1981 đến 2016), trong đó có hơn 20 năm ở cương vị lãnh đạo, nên chúng ta cần cảnh giác trước khả năng Hoàng Trung Hải và Bắc Kinh có thể kiểm soát được một phần hoặc thậm chí toàn bộ hệ thống điện lực, ngành kinh tế hạ tầng đặc biệt trọng yếu của Việt Nam.
Vì vậy, việc mãi gần đây Thủ tướng Chính phủ mới quyết định đưa hệ thống truyền tải điện 500KV vào “Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia” chẳng khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”. Động thái này không chỉ muộn màng mà còn cho thấy là chính phủ cùng các cơ quan hữu trách vẫn chưa đánh giá hết những hiểm hoạ điện lực đang treo lơ lửng trên đầu dân tộc, trong bối cảnh một cuộc chiến trên Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí không loại trừ nguy cơ chiến tranh trên bộ.
Dù vậy, muộn còn hơn không. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống điện lực Việt Nam, cả con người lẫn thiết bị, nhằm tránh lặp lại những thảm hoạ như sự cố mất điện toàn Miền Nam ngày 22/5/2013, một sự cố hết sức nghiêm trọng song thật kỳ lạ là đến nay vẫn chưa có bất kỳ cá nhân nào bị xử lý.
Ngoài ra, chính phủ cần bổ sung các nhà máy điện, nhất là những nhà máy công suất lớn, vào “Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”, đồng thời thực hiện chế độ giám sát chặt chẽ và thường xuyên những nhà máy điện do Trung Quốc làm chủ đầu tư, đặc biệt là tại những vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng như Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận hay Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh.
Leave a Comment