Phạm Minh Hoàng – Việt Tân
Ngày 10/6/2018, hàng vạn người Việt Nam đã xuống đường để phản đối dự luật đặc khu cho dù trước đó vài ngày, nhà nước đã loan báo hoãn việc thông qua dự luật này cũng như giảm thời gian cho thuê. Có lẽ cùng lúc ấy hàng triệu người Việt khác đang sống lưu vong khắp nơi trên toàn thế giới cũng hướng lòng mình về quê nhà, cùng nhịp đập với hàng vạn đồng bào đang đầu sóng ngọn gió đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cũng như thực hành nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ cha ông.
Một trong những người khác ấy có tôi. Sau một đêm thức trắng chờ tin, đến khi thấy những hình ảnh đầu tiên trên mạng xã hội, tim mình như muốn nhảy ra ngoài. Tôi nghĩ cảm nhận của tôi có điều khác hàng triệu đồng bào của mình ở hải ngoại, vì tôi đã từng tham gia vào làn sóng những ngày ấy trước đó chỉ có vài ba năm. Nếu những năm dạy học là giai đoạn “đẹp” nhất, thì những giây phút xuống đường chính là những khoảng thời gian mãi mãi không phai nhạt trong tâm trí của mình.
Ngoài những cuộc biểu tình mang tính đột xuất và nhỏ lẻ, cuộc biểu tình tuần hành đầu tiên chúng tôi có dịp tham dự là vụ trong chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình tháng 11/2015. Hôm ấy chỉ khoảng trên dưới 100 người. Đối với tôi thì con số ấy đã là hoành tráng ngoài sức tưởng tượng. Nhưng cái vượt xa sức tưởng tượng là sau đó bà con đã tràn xuống đường đi về phía phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tôi nghĩ việc này cũng vượt ra ngoài dự tính của phía an ninh. Sau này, nhiều người khác cho rằng nhà nước Việt Nam đã “bật đèn xanh” cho tuần hành vì muốn gởi đến một thông điệp cho ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, anh em chúng tôi bất cần đèn xanh đèn đỏ từ đâu đến, chúng tôi chỉ biết bày tỏ cảm nghĩ của mình trước thái độ hung hăng của Trung cộng, mà người đứng đầu đang ở cách chúng tôi vài cây số.
Khi bước chân tuần hành, tôi cũng nghĩ sẽ không “toàn thây” trước một lực lượng an ninh dân phòng “đông như quân Nguyên” dầy đặc bao quanh. Nhưng thây kệ, đi theo tiếng gọi của con tim cái đã. Khi đoàn đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, anh em dừng lại và dàn hàng ngang sau các biểu ngữ để chụp hình. Chúng tôi lọt thỏm giữa một không gian bao la của phố đi bộ. Tôi tính nhẩm nếu kích thước của phố khoảng 60 x 700 mét, trung bình cứ 10 người/ mét vuông chỗ này có thể chứa được nửa triệu người xuống đây ăn mừng ngày đất nước tìm lại được dân chủ, nhân quyền. Nghĩ đến đấy mà lòng tôi dào dạt những ý tưởng của ngày ấy. Tôi gào lên trong điện thoại để tường trình về cho bà con đang theo dõi mà tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Tôi đã từng chứng kiến hàng vạn người xuống đường tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức vào đầu thập niên 90 nhưng thú thật là tôi không thể tưởng tượng được có cái giây phút này trong đời, mặc dù tôi biết nó chỉ kéo dài được không đầy nửa tiếng.
Tôi hít một hơi thật sâu như để giữ lại cái không khí của thời khắc đáng nhớ này trước khi cùng đoàn người giải tán. Công an và các lực lượng dân phòng vây chung quanh như hình với bóng. Mọi người nói với nhau đừng đi xé lẻ.
Anh tài xế taxi ngạc nhiên khi thấy anh em chúng tôi bồn chồn lo lắng, luôn đảo mắt nhìn ra phía sau xem có ai đi theo. Chị Kim Chi cắt nghĩa lý do và điều khá bất ngờ là anh ta tỏ vẻ đồng tình: “Chống Trung quốc thì có gì là sai”. Tôi chỉ viết ra đây những gì viết được và lọc bớt vài câu… tiếng Đan Mạch của bác tài dân Sàigòn tặng cho lão Tập và đám tay sai Hà Nội. Và cuối cùng thì xe cũng bị an ninh chặn lại, bác tài lục lọi giấy tờ tồi quay lại trấn an: ”Cô chú ngồi yên trong xe, để tôi ra xem tụi nó muốn gì” (và đây cũng lọc bớt vài tiếng Đan Mạch). Phải có những giây phút như vầy chúng ta mới cảm nhận được tâm tư của người dân bình thường và tôi nghĩ những người đi đấu tranh phải lượng định, đánh giá đúng yếu tố này trong những lần tổ chức đấu tranh bất bạo động.
Nếu các “giấc mơ” trong ngày chống Tập Cận Bình chỉ tụ tập được trên dưới 100 người, thì một năm sau nó trở lại với một mức độ quy mô hơn hàng trăm lần. Ngày 1 và 8/5 năm 2016, trên dưới 10 ngàn người đã xuống đường tuần hành tại Hà Nội và Sàigòn. Tôi còn nhớ như ngày hôm qua, điểm hẹn ở Sàigòn được ấn định tại công viên 30/4 (trước Dinh Độc Lập). Tại đây tôi thấy rải rác nhiều bạn trẻ đang ngồi chơi như mọi sáng chúa nhật, công an cũng chỉ lác đác. Không khí hoàn toàn không có gì khác ngày thường. “Có lẽ sẽ không có biểu tình đâu”. Tôi tự nhủ và vẫn quan sát đường phố chung quanh. Nhà Thờ Đức Bà và Bưu Điện cũng vẫn bình thường.
Đúng 9 giờ (phải nói là 9 giờ 0 phút 0 giây), làm như từ dưới đất chui lên, người ta tràn ra đường phố. Tay cầm các tờ giấy A4 hoặc các hình vẽ xương cá làm bằng cạc-tông vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu phản đối Formosa. Đoàn người đi dọc theo đường Đồng Khởi, tôi thấy chung quanh toàn những người trẻ chưa bao giờ gặp. Hóa ra họ đến từ các tỉnh và không hề có tổ chức trước. Đoàn biểu tình mỗi lúc một đông và khi ra đến công trường chợ Bến Thành nghĩa là một không gian rộng lớn tôi mới kinh ngạc trước một lượng người lớn như thế. Lại một lần nữa tôi như sống trong mơ, được đứng giữa đất trời Việt Nam, giữa hàng ngàn người đang bộc lộ tinh thần yêu nước một cách thật chân thành, và phải nói là đáng yêu mới đúng. Thỉnh thoảng gặp được vài người quen, trên mặt ai cũng rạng rỡ.
Tuy nhiên, quan sát kỹ thì phải nói chúng tôi như những con rắn không đầu, đoàn người cứ quanh quẩn trong khu vực trung tâm, công an chặn chỗ này thì đi chỗ khác, không đi tiếp thì trở đầu, điều đó có nghĩa là mình ở thế bị động liên tục. Chưa hết, có lúc họ dồn những người đi đầu, và đánh đập một số người khác thì phần lớn bà con vẫn đứng yên. Tôi thông hiểu hoàn toàn, vì mọi người xuống đường chỉ trang bị cho mình lòng yêu nước và không có bất cứ thứ nào khác. Không tổ chức, không võ trang, không cờ xí băng rôn, không có ai đi cùng… và dĩ nhiên khi đụng chuyện họ không phản ứng là lẽ tự nhiên.
Ngày hôm nay đây, đứng trước phản ứng của hàng vạn người, nhà cầm quyền CS đã lấy cớ có một vài vụ bạo động xảy ra ở Bình Thuận để chụp mũ bà con là côn đồ – đó là chưa loại ra khả năng chính công an đã sử dụng côn đồ để ngụy tạo ra các chứng cứ hầu lấy lý do đàn áp. Sống ở nước ngoài và chứng kiến các cuộc biểu tình trong các nước cộng sản Đông âu trước thập niên 90, chúng tôi không lạ gì với ngụy tạo này được dùng để trấn áp các cuộc biểu tình. Song song, CS còn trơ trẽn “trưng ra bằng chứng” theo đó người dân đi biểu tình chỉ vì tiền.
Theo luật sư Luân Lê tại Hà Nội: “Lòng yêu nước ấy như một làn sóng khủng khiếp, và vì thế, nó càng không thể bị hạ nhục chỉ vì bởi vài trăm nghìn đồng rẻ mạt và đê tiện của những kẻ đang dùng ngòi bút bỉ ổi để thoá mạ họ. Chưa một cái giá nào có thể đánh đổi được tinh thần yêu nước của một con người chân chính (…) và nếu chỉ vì 300.000 đồng cho một quyền năng hiến định, ắt hẳn, đó phải là nỗi nhục của một đất nước”.
Quả thực là thế, cái nhục khi phải ngậm hột thị khi tàu hải giám và giàn khoan 981 thọc sâu vào lãnh hải, khi “tàu lạ” liên tục gây hấn, đánh chìm và giết hại ngư phủ, khi chấp nhận một dự luật với vô vàn ưu đãi nguy hiểm cho Trung cộng đã đành, nhưng nhục hơn cả là vu khống và đánh giá lòng yêu nước của chính người dân mình chỉ bằng một cái giá rẻ mạt.
Leave a Comment