Ai, thế lực nào đứng đằng sau cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn đốt phá ở Phan Thiết – một cái cớ rất thuận tiện để chính quyền huy động quân đội và cảnh sát đàn áp khốc liệt người biểu tình Phan Thiết?
Những kẻ lạ mặt là ai?
Điều lạ lùng là mặc dù Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tung một lực lượng đông đảo để đàn áp cuộc biểu tình của người dân Phan Thiết, đã bắt bớ gần 200 người, song cho tới nay báo ngành công an vẫn chỉ thông tin “Hé lộ có nhiều “kẻ đứng sau” kích động, xúi giục người gây rối”, và “Theo lời khai của một số đối tượng, trong hai ngày gây rối họ đã được “tiếp sức” từ nhiều người bằng hình thức cho tiền và hứa hẹn sẽ “có thưởng” nếu như đạt được “thành tích” cao…”, mà không thể chỉ rõ nhóm nào đã chủ trương dùng tiền để kích động việc này.
Trong khi đó, ngay sau cuộc biểu tình cực lớn lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, một quan chức công an là phát ngôn viên cho Công an TP.HCM đã nói không ấp úng rằng ‘Việt Tân kích động biểu tình’.
Nhưng phát ngôn trên lại một lần nữa gây nghi ngờ lớn nơi công luận, bởi đã không kèm theo bất cứ một bằng chứng nào về sự hiện diện của đảng Việt Tân trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn trước và trong ngày Mười tháng Sáu năm 2018. Lối phát ngôn không cần thuyết minh bằng chứng như thế lại giống hệt tuyên bố cũng của Công an TP.HCM về Việt Tân sau cuộc biểu tình của người dân phản đối thảm họa xả thải của Formosa. Sau cuộc biểu tình đó, trong khi công an không thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về Việt Tân thì người dân biểu tình lại có quá nhiều bằng chứng về việc công an đã bắt lôi người biểu tình lên xe bus và tập trung khoảng 500 người về sân vận động Hoa Lư ở quận Nhất rồi đánh đập họ cực kỳ dã man.
Còn ở Phan Thiết, chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là ‘Việt Tân kích động’, nhưng giới dư luận viên của đảng và công an vẫn kiên định ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, còn giới quan chức vẫn chưa hề làm rõ những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan là ai.
Trong khi đó, nhiều người dân Phan Rí Cửa và Phan Thiết khẳng định là người dân nơi đây rất hiền hòa, chỉ phản ứng với chính quyền và công an do bị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả thải gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn trên biển làm kiệt đường sinh nhai của bà con ngư dân. Cách phản ứng thông thường của người biểu tình là tuần hành, còn khi bị công an ngăn chặn thô bạo và đánh đập thì họ mới ném đá lại.
Nhưng không có chuyện người dân Phan Thiết hung hãn và cực đoan đến mức đốt phá xe hơi và trụ sở…
Vài bài phóng sự của báo nhà nước, như tờ Phụ Nữ TP.HCM, đã mô tả nhiều người dân Phan Thiết nói về ‘nó đấy’, tức những thanh niên lạ mặt ở nơi khác kéo đến. Số thanh niên này bịt mặt và rất hung hãn.
Số thanh niên này là ai, từ đâu đến? Không ai biết.
Kịch bản ‘áo đỏ – áo vàng’ ở Việt Nam?
Sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ – áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Nếu nhận định trên là có cơ sở, câu hỏi đặt ra là liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó? Và nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng Cộng sản ‘kiến tạo’?
Sẽ rất đơn giản để biết rằng có vai trò của thế lực nội bộ đạo diễn đốt phá hay không, bằng vào kết quả báo cáo của Công an Bình Thuận sau khi điều tra “các đối tượng kích động xúi giục biểu tình’. Nếu báo cáo này chỉ chung chung như báo báo cáo được công bố của ngành công an vào năm 2014 khi nổ ra cuộc biểu tình đập phá và đốt phá các doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai, người ta có thể cho rằng vụ đốt phá ở Phan Thiết được giật dây và tổ chức bởi một thế lực trong nội bộ đảng Cộng sản – một thế lực đủ mạnh mà ngay cả Bộ Công an cũng không dám xử lý.
Một điểm đồng dạng đang hiện ra giữa hai cuộc biểu tình đập phá năm 2014 ở Bình Dương và năm 2018 ở Phan Thiết: đều xuất hiện những người cầm đầu là người lạ mặt. Trong vụ việc Bình Dương năm 2014, thậm chí số người lạ mặt này còn không phải là công nhân và đã được một số nhân chứng mô tả là giang hồ. Thế nhưng khi những kẻ giang hồ này cầm đầu đám đông lao đi đốt phá các nhà máy thì hoặc không thấy bóng dáng cảnh sát đâu, hoặc có cảnh sát nhưng không có bất kỳ hành động ngăn chặn nào. Vì thế, rất nhiều dư luận đã cho rằng chính lực lượng công an đã nhận được mật lệnh làm ngơ cho những kẻ lạ mặt cầm đầu biểu tình đập phá và đốt phá ở Bình Dương và Đồng Nai…
Cho tới tận giờ đây, 4 năm sau vụ bạo động Bình Dương, hành tung và thân thế của những kẻ lạ mặt trên vẫn là một ‘bí mật quốc gia’. Đã không có bất kỳ cơ quan nào của chế độ cầm quyền hé môi về bí mật này.
Không phải và không thể là người dân Phan Thiết chủ ý đốt phá, cũng chưa có bất cứ dấu hiệu nào về một ‘thế lực phản động’ đã cung cấp tiền cho dân Phan Thiết để kéo đi biểu tình và đập phá.
Chỉ còn là ‘bí mật nội bộ’ với những hành tung rất đáng nghi ngờ liên quan đến cuộc xung đột ngày càng ngửa bài và sắc máu trong nội bộ.
Chính trường Việt Nam đang lao đến giữa năm 2018 với đầy rẫy âm mưu và thuyết âm mưu. Trong đó, không thể loại trừ kịch bản ‘áo đỏ – áo vàng’ ở Thái Lan đã được một số nào đó trong giới quan chức Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm lợi dụng dân chúng cho những cuộc biểu tình để gây áp lực chính trị và loại nhau trong nội bộ đảng./.
Leave a Comment