Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chuyên trách Đông Nam Á mới đây tuyên bố họ “quan ngại” về việc quốc hội Việt Nam hôm 12/6 thông qua Luật An ninh mạng gây tranh cãi.
Tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền LHQ cũng được đăng tải trên trang Facebook và Twitter chính thức của họ hôm 14/6.
Văn phòng này cho rằng một số điều khoản trong luật mới thông qua “trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”.
Cơ quan của LHQ cũng đánh giá rằng luật này trao cho chính quyền “nhiều quyền hạn mới”, cho phép họ “ép buộc” các công ty công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu máy tính, bao gồm thông tin cá nhân, hoặc phải từ chối dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người sử dụng mà không cần có sự xem xét của nhánh tư pháp.
“Ngoài ra, chúng tôi còn quan ngại rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp tiếng nói bất đồng ở Việt Nam, và chúng tôi muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam mang lại một môi trường thuận lợi, ở đó tự do ngôn luận, cả trực tuyến và ngoài đời thực, đều được bảo vệ”, tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền LHQ viết.
Luật an ninh mạng đã được thông qua trong bối cảnh một số đại biểu quốc hội, chuyên gia công nghệ thông tin, luật sư, nhà báo và các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng nhiều người dân chỉ ra rằng luật có nhiều điều khoản mang tính chất làm giảm tự do internet và tăng khả năng lạm quyền của công an ở Việt Nam.
Những người không ủng hộ dự luật đã kêu gọi quốc hội không thông qua, nhưng ý kiến của họ đã không có tác dụng.
Cơ quan của LHQ nói trong tuyên bố mới đây rằng họ lấy làm tiếc về việc “dường như đã thiếu sự tham vấn” với công chúng cũng như các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi luật mới, trước khi thông qua luật. Văn phòng này kêu gọi chính phủ Việt Nam cần phải đưa công dân và xã hội dân sự tham gia vào việc xây dựng luật pháp và làm chính sách.
Giáo sư Đặng Hữu và các chuyên gia kêu gọi quốc hội Việt Nam sửa một số điều trước khi thông qua dự luật an ninh mạng, 5/6/2018
Giáo sư Đặng Hữu và các chuyên gia kêu gọi quốc hội Việt Nam sửa một số điều trước khi thông qua dự luật an ninh mạng, 5/6/2018
Tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền LHQ chuyên trách Đông Nam Á được đưa ra sau khi có một số phản ứng quốc tế về luật mới của Việt Nam.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố “bày tỏ sự thất vọng” về việc quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng.
Một thông cáo báo chí của tổ chức Ân xá Quốc tế nói luật này “có nguy cơ gây hậu quả tàn hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam” và đồng nghĩa là “hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do nói chuyện.”
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp nhận xét luật Việt Nam vừa thông qua “là bản sao từ luật an ninh mạng có hiệu lực tại Trung Quốc từ tháng 6/2017”. Một đại diện của RSF đưa ra yêu cầu rằng các nhà lập pháp Việt Nam cần “thu hồi luật mới khắc nghiệt này”.
Trên mạng xã hội, nhiều người sử dụng Việt Nam trong những ngày này đang kêu gọi công chúng tham gia ký tên vào một kiến nghị trên trang change.org nhắm mục đích đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang không ký ban hành luật an ninh mạng.
Văn phòng Nhân quyền LHQ nói trong tuyên bố hôm 14/6 rằng dự kiến các vấn đề liên quan đến quyền tự do đưa ra ý kiến, biểu đạt và hội họp sẽ được thảo luận chi tiết vào đầu năm 2019 trong các cuộc kiểm điểm về Việt Nam theo cơ chế Đánh giá Định kỳ Toàn cầu và của Ủy ban Nhân quyền LHQ về việc Việt Nam thực hiện các cam kết của mình theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Leave a Comment