Quỳnh Nguyễn|
Đây là lần đầu tiên sau 43 năm kể từ Tháng Tư đen 1975, đã có một sự kiện quần chúng chấn động toàn quốc. Tây Ninh, Mỹ Tho, Bình Dương, Sài Gòn, Đồng Nai, Phan Rí, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nặng, Huế, Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương…
Đây là lần đầu tiên “Lòng Dân” khác “Ý Đảng” ở quy mô lớn với những khẩu hiểu rõ ràng: “Không Trung Quốc, Không Đặc Khu,” “An Ninh Mạng Bịt Miệng Dân”; “Đả Đảo Bè Lũ Tay Sai Bán Nước”…
Đây là dấu chỉ về ý thức hệ đã được thay đổi, và nhất là niềm tin của người dân đối với chế độ hầu như không còn, mặc dầu nỗi sợ hãi vẫn chiếm đa số trong dân. Tuy nhiên với hàng trăm ngàn con người, ngày hôm nay họ thật sự được “giải phóng” chính mình khỏi nỗi sợ hãi dưới thể chế độc tài, đã bám chặt trong trí não hàng bao chục năm nay.
So với các lần biểu tình trước thì lần này có sự tham gia đa dạng nhất, bao gồm đủ các thành phần bà con và đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến cụ già, đây là một thành công lớn vì chính sự đa dạng này làm cầu nối đến rất nhiều người, nhiều gia đình, khai sáng được nhiều người dân và mở rộng được vòng đai ủng hộ. Cũng chính sự đa dạng đó mang lại sự tự tin và hy vọng cho con dân nước Việt rằng: “Bất cứ ai cũng tham gia và lên tiếng được, chỉ có điều có dám làm hay không?”.
Một cuộc xuống đường mang đậm chất tự lực dân sự khi không phụ thuộc vào các vị chủ chăn như Formosa. Chính đồng bào trong nước đã tự lên kế hoạch liên lạc, định ngày và đồng loạt mọi nơi. Có lẽ đặc sắc nhất trong cuộc biểu tình là sự ứng biến tại chỗ về đường đi, lộ trình đã không được thông báo trước và không cố định nên đã tránh được nhiều chốt chặn.
“Màu cờ sắc áo” cũng không còn là vấn đề, điều này chứng tỏ đồng bào nhìn thấy được mục tiêu trong cuộc đấu tranh này, kể cả những người mang “cờ đỏ sao vàng“ vẫn cất cao tiếng hát những bài nhạc đấu tranh, mà trước đây chỉ thường nghe từ phía các nhà đấu tranh dân chủ. Người dân bình thường hát được, tức là họ có thuộc và chứng tỏ trong đời sống hàng ngày họ đã thầm hát và yêu thích những bài hát mang giá trị phổ quát đó.
Điểm hay và tiến bộ hơn trước đó là cuộc biểu tình không chỉ phản đối Trung Quốc mà họ phản đối cả Luật An Ninh Mạng, nghĩa là ý thức Chính Trị rõ ràng hơn, trách nhiệm công dân cao hơn và họ hiểu được quyền của công dân, sức mạnh của lòng dân. Mặc dầu trước đó thủ tướng Chính phủ đã lên tiếng tạm dừng, báo chí đồng loạt đưa tin chưa thông qua luật đặc khu trong kỳ họp Quốc hội lần này, nhằm giảm sức nóng nhưng không còn tác dụng.
Riêng đối với phía nhà cầm quyền bị vỡ trận, mặc dầu lực lượng rất đông và ban đầu có những đàn áp nhất định. Tuy nhiên khi thấy lòng dân quá mạnh và thành phần đa dạng, họ đã phải chùn tay vì đàn áp sẽ xẩy ra dẫm đạp nhau cũng đủ nguy hiểm rồi, hơn nữa họ không thể đàn áp thô bạo được vì người biểu tình trộn lẫn trong đám đông tham gia giao thông kẹt cứng.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình vẫn bị bắt bớ, đánh đập và đàn áp, có những giọt nước mắt đã rơi và thậm chí máu đã đổ xuống. Bởi thiếu tổ chức và những chiến lược dẫn dắt quần chúng.
Mục đích cuộc biểu tình là gì?
Mục tiêu đạt được cái gì?
Giải quyết vấn đề ra sao?
Cuộc biểu tình chỉ dừng lại ở mức độ phản đối mang tính tự phát, như phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981, phản đối Formosa về gây thảm họa môi trường… Đây chỉ là hành động phản đối đơn thuần không có mục tiêu rõ ràng.
Vui thay, sau ngày 10/6 đã xuất hiện nhiều người phát trực tiếp lời kêu gọi trên FB với mực tiêu rõ ràng. Đó là truất phế ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi sau đó giải tán Quốc hội để dân bầu những đại biểu thực sự vì dân.
Phải khẳng định sức mạnh bùng phát từ lòng dân thật kinh hoàng và sự hiểu biết về việc dùng sức mạnh đó một cách ôn hòa nhằm gây áp lực cho nhà nước phải thay đổi, nghĩa là phương pháp đấu tranh Bất Bạo Động đã được đồng bào hiểu và vận dụng khá tốt.
Hy vọng lắm thay và mong ngày càng nhiều người vượt qua được nỗi sợ hãi khi biết mình làm việc chính nghĩa./.
Quỳnh Nguyễn, tác giả gởi CTM Media
Leave a Comment