Quảng Cáo

Công an VN đang chơi trò gì với Vũ Đình Duy?

Quảng Cáo

Thiền Lâm – Cali today news|

Lại vừa xảy thêm một hành động khó hiểu nữa của công an Việt Nam: ngày 14/6/2018, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), hiện đang bỏ trốn, để ‘chờ đến khi bắt được’.

Mới vào cuối tháng Năm năm 2018, cũng Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với ông Vũ Đình Duy. Đồng thời, ông Vũ Đình Duy còn bị khởi tố thêm tội danh ‘Cố ý làm trái’.

Dấu hỏi đặt ra là có cần phải tạm đình chỉ điều tra trong khi đã phát lệnh truy nã, để ‘đến khi bắt được’ mơi phục hồi điều tra?

Phải chăng bộ Công an đang tự làm rắc rối công việc của họ? Hay nhắm tới một mục đích nào khác?

Liệu động tác ‘tạm đình chỉ điều tra Vũ Đình Duy’ có phải là thủ pháp giương đông kích tây, khiến cho Duy chểnh mảng không đề phòng để công an dễ bề tóm Duy hơn?

Tuy thế, khả năng tóm Vũ Đình Duy chỉ có thể xảy ra khi Duy còn lẩn khuất đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trong thực tế, nhân vật này đã đào thoát khỏi Việt Nam từ cuối năm 2016 và ung dung sống ở châu Âu, có thể là Đức, và qua lại các nước Đông Âu một cách thoải mái. Do đó, giả thiết về Bộ Công an tung ra lệnh tạm đình chỉ điều tra đối với Vũ Đình Duy để dễ tóm Duy hơn là khó đứng vững.

Vậy còn nguyên do hay nguồn cơn nào khác?

Cần nhắc lại, lệnh truy nã đầu tiên đối với Vũ Đình Duy được phát ra vào tháng Sáu, 2017 – tức sau đến tám tháng từ lúc Duy “ra nước ngoài chữa bệnh” mà không hề trở lại Việt Nam.

Nguyễn Hải Long tại tòa án Berlin

Chỉ đến khi tòa án thượng thẩm của Đức mở ra để xử nghi can Nguyễn Hải Long tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người ta mới bất ngờ thấy Vũ Đình Duy hiện ra tại phiên tòa này như một nhân chứng, bên cạnh vợ của Trịnh Xuân Thanh.

Đến ngày 31 tháng Năm, 2018, Cơ Quan An Ninh Điều Tra – Bộ Công An bất chợt ra quyết định truy nã lần thứ hai đối với Vũ Đình Duy.

Nhưng một chi tiết điều khó hiểu là trong tin tức về lệnh truy nã Vũ Đình Duy được Bộ Công An phát đi các báo vào tháng Năm, 2018 lại không nói rõ là truy nã nội địa hay truy nã quốc tế.

Trong trường hợp chỉ truy nã nội địa thì lệnh này còn đỡ hài hước nếu được phát ra trước phiên tòa Đức xử Nguyễn Hải Long, tức trước khi Vũ Đình Duy lộ mặt ở Berlin như một cách khẳng định anh ta đã rời khỏi Việt Nam.

Nhưng vì lệnh truy nã được phát ra sau phiên tòa xử Nguyễn Hải Long, chắc chắn là công an Việt Nam đã phải biết về tung tích của Vũ Đình Duy bất ngờ lộ ra ở phiên tòa này.

Vậy tại sao lệnh truy nã không ghi rõ phạm vi truy nã là nội địa hay quốc tế?

Hay Bộ Công An “thận trọng” mà không dám thông tin cho báo chí biết về phạm vi truy nã? Hoặc Bộ Công An không thể chắc chắn nếu phát lệnh truy nã quốc tế đối với Vũ Đình Duy?

Điều trớ trêu và chua chát gì sẽ xảy ra nếu yêu cầu của Bộ Công An Việt Nam về truy nã Vũ Đình Duy được gửi cho Interpol quốc tế nhưng không được đáp ứng, thậm chí còn bị trả lại?

Nếu trước Tháng Bảy, 2017, tinh thần phối hợp giữa Interpol quốc tế với công an Việt Nam được xem là bình thường, thì sau cái tháng Bảy oan nghiệt của vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ấy, dư luận rất ít nghe nói đến những liên hệ giao hảo hay giao lưu giữa hai cơ quan này.

Nói cách khác, Interpol quốc tế rất có thể đã chịu sự tác động đáng kể từ các cơ quan tình báo, an ninh và tư pháp của Đức, cũng như từ chính Liên Minh Châu Âu về một thái độ cảnh giác trên mức cần thiết đối với mật vụ Việt Nam.

Sau lệnh truy nã lần hai của Bộ Công an đối với Vũ Đình Duy, hàng loạt dấu hỏi lại bất chợt nảy sinh: sau một thời gian khá dài, phải chăng lệnh truy nã này chỉ được phát ra “cho có,” vì rất có thể khi được đưa ra tòa làm nhân chứng, Vũ Đình Duy đã nằm trong diện bảo vệ của cơ quan tư pháp Đức mà phía Việt Nam không thể với tay tới được?

Động tác Bộ Công an Việt Nam ‘tạm đình chỉ điều tra Vũ Đình Duy’ lại xảy ra trong bối cảnh một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là Luật sư Nguyễn Văn Đài – dù bị chính quyền Việt Nam kết án đến 15 năm tù – vừa được trả tự do sang Đức theo yêu cầu mang tính sức ép của phía Đức.

Cũng gần đây, báo chí Đức đã đưa tin về cuộc đàm phán Đức – Việt về Trịnh Xuân Thanh đã đạt được kết quả: Trịnh Xuân Thanh sẽ được ‘đoàn tụ’ với gia đình của mình trong thời gian không lâu nữa.

Một giả thiết, nhưng đang trở thành giả thiết có tính xác thực: phải chăng do Vũ Đình Duy đang nằm trong chương trình bảo vệ nhân chứng của Đức nên người Đức không muốn công an Việt Nam làm rắc rối thêm bằng hoạt động điều tra đối với Duy, cho tới tháng Tám năm 2018 khi kết thúc phiên tòa xử Nguyễn Hải Long?

Một bằng chứng rõ ràng cho thấy Tổng bí thư Trọng và Bộ Công an không ‘buông’ vụ PVTEX: ngày 13/6 – một ngày trước khi Bộ Công an Việt Nam ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Vũ Đình Duy – Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát tối cao tối cao đề nghị truy tố 4 bị can trong vụ án liên quan đến vụ PVTEX và các đơn vị liên quan. Trong đó, bị can Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVTEX, bị đề nghị truy tố về các tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.

Nhưng dường như bộ Công an phải tạm ‘buông’ Vũ Đình Duy.

Việc Bộ Công an Việt Nam phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Vũ Đình Duy cũng lộ thêm một dấu hiệu về việc sức ép của Đức đối với Việt Nam liên quan vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đang ngày càng lớn, khiến giới chóp bu Việt Nam không còn cách nào khác là phải xuống thang nhân nhượng./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux