Quảng Cáo

Công an VN trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm?

CA huyện Diễn Châu, Nghệ An đã dùng thiết bị lạ phát ra âm thanh cực lớn để ngăn cản giáo dân tiếp cận trụ sở công an hồi tháng 5 năm 2017. Ảnh: Citizen

Quảng Cáo
Tương tự giải thích ‘người dân tự chết’ mà giới công an trị ở Việt Nam phát ra để xoa dịu công luận sau cái chết của hàng trăm người dân do bị công an đánh đập dẫn đến tử thương, ‘trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm’ đã bổ sung thêm một dẫn chứng nổi cộm khác về tinh thần ngụy tạo trên cả sống sượng.
‘Trang bị tên lửa để trấn áp tội phạm’ được phát ngôn mới đây bởi Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội, sau khi Bộ Công an bất ngờ ban hành Thông tư số 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo thông tư trên, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã… được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân… Còn công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay…
Ngay lập tức, thông tư ‘chạy đua vũ trang’ trên đã vấp phải một câu hỏi của dư luận và ngay trong nội bộ đảng: việc trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho công an từ cấp huyện trở lên là cực kỳ tốn kém. Liệu một nền ngân sách quốc gia – vốn đang lâm vào tình thế cạn kiệt, đang phải vắt cổ dân để dùng đến hơn 70% trong mục chi thường xuyên chi trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đang phải xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và giảm mạnh biên chế của ngành này…, có chịu nổi gánh nặng trang bị vũ khí hạng nặng cho công an?
Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức lại trả lời báo chí là “quy định trang bị tên lửa, trực thăng cho công an cấp huyện trở lên chỉ được xem xét nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở công tác trấn áp tội phạm, bảo vệ nhân dân’.
Chẳng lẽ tình trạng tội phạm ở Việt Nam đã khủng khiếp đến mức công an phải dùng tên lửa để tiêu diệt tội phạm?
Để có thể hình dung rõ hơn về lời giải thích của tướng Đức, hãy liên hệ xem có quốc gia nào trên thế giới đã phải sử dụng tên lửa để trấn áp tội phạm?
Mà nếu lời giải thích của tướng Đức – nằm trong ‘dịch lạm phát’ đến vài ba trăm viên tướng công an – quá thiếu tính thuyết phục mà có thể bị xem là ‘hoang tưởng phân liệt’ như thế, làm thế nào để hàng chục triệu người dân phải è cổ đóng thuế nuôi Bộ Công an – ngành tiêu tốn đến 12% tổng chi ngân sách hàng năm – chấp nhận dùng ngân sách để mua tên lửa và trực thăng ‘trấn áp tội phạm’?
Chỉ trong vòng 3-4 năm qua, Bộ Công an đã tích tụ nhiều kiến nghị trái ngược và xúc phạm lòng dân: kiến nghị về “quyền nổ súng” dành cho cảnh sát cơ động để “trấn áp bạo loạn”, “báo chí phải tiết lộ nguồn tin” dành cho báo giới và “hình sự hóa xử lý hội đoàn” dành cho xã hội dân sự, Công an phường xã có quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu”…
Khi Bộ Công an tung ra dự thảo đề xuất Công an phường xã có quyền “tiến hành kiểm tra, xác minh ban đầu”, phần đông dư luận người dân lập tức phản ứng gay gắt khi dự thảo trên còn e ấp phía sau tấm rèm buông nơi tĩnh phòng quốc hội: “Nếu công an phường, xã được tham gia điều tra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người bị đánh bầm dập lúc xét hỏi”.
Rốt cuộc sau quá nhiều phản ứng của dư luận xã hội, đề xuất trên đã bị Bộ Công an và các cơ quan làm luật nhét vào ngăn kéo.
Giờ đây với thông tư 17 của Bộ Công an, dư luận xã hội đang khởi động một làn sóng phản ứng mới, với một dấu hỏi trầm trọng khác: phải chăng các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng sẽ được công an dùng để đàn áp dân?
Trong thực tế đàn áp dân từ trước đến nay, đa phần công cụ được ngành công an sử dụng là dùi cui, lực đạn cay hay cùng lắm là đạn cao su. Theo logic phát triển về tầm mức sử dụng vũ khí, nếu tình hình trở nên thách thức lớn hơn, công an có thể dùng súng thật và đạn thật, nhưng vẫn không thể đến mức dùng máy bay trực thăng vũ trang hay súng chống tăng… trong khi dân chỉ toàn tay không.
Nhưng nếu mục đích đàn áp dân thay vì đàn áp tội phạm là có thực, sẽ là quá hoang tưởng và cạn tàu ráo máng đối với ngành công an khi xem nhân dân là thù địch, cho là dân có thể tự chế ra xe tăng và phải dùng đến những loại vũ khí sát thương hạng nặng để chống lại những người đã sinh thành ra mình.
Trong thực tế, đã có bằng chứng về việc công an Việt Nam dùng thiết bị hiện đại và đắt tiền để đàn áp dân chúng.
Để vô hiệu hóa hệ thống LRAD.

Từ năm 2014, chính quyền Việt Nam đã trang bị cho một số tàu cảnh sát biển thiết bị âm thanh tầm xa LRAD – là thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, do tập đoàn LRAD của Mỹ sản xuất. LRAD được sử dụng để phát đi cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay đau đớn ở khoảng cách xa hơn các loại loa thông thường. LRAD được sử dụng trong tuần tra trên biển, đuổi tàu vi phạm lãnh hải, chống cướp biển…

Loại máy LRAD trang bị cho các tàu cảnh sát biển Việt Nam là loại LRAD 1000Xi, nặng khoảng 40kg, có thể phát chùm âm thanh định hướng ở khoảng cách lên đến 3.000m tuỳ vào điều kiện môi trường. LRAD 1000Xi có thể phát ra mức âm hưởng tối đa 150dB với góc 30 độ, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn gây đau đớn cho con người (khoảng 130dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ.
Nhưng mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh sát cơ động dùng một thiết bị để trên xe tải quân sự, phát ra âm thanh rất lớn để giải tán người biểu tình chống dự thảo Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng ngày 10 tháng Sáu năm 2018 tại khu vực Hồ Con Rùa ở Sài Gòn./.
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux