Không có bất cứ hàng tin nào từ báo chí nhà nước cho biết nguyên nhân cuộc bạo động của người dân Bình Thuận trong cuộc biểu tình ngày 10-6-2018. Như các cuộc biểu tình trước ở bất kỳ đâu, người biểu tình vẫn bị xem là “thành phần gây rối”. Ai tạo ra ngòi nổ thì luôn được cố tình “ẩn danh”.
Chẳng có gì khó khăn để biết tại sao người dân Bình Thuận bạo động. Từ đầu năm 2017, khu vực dân cư quanh bãi xỉ thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) đã biến thành tử địa. Cây cối chết rũ, nước giếng lờ lợ không dùng được, đất đai bị úng. Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Tài nguyên cho biết, “hàm lượng clorua trong nước ngầm của 3/4 hộ dân vượt từ 1,2 lần đến 1,8 lần; hàm lượng clorua trong 4/5 hồ nước để phục vụ nhu cầu tưới tro, xỉ vượt từ 1,05 lần đến 1,8 lần, đất bị mặn”. Một diện tích khoảng 12,4 hecta đã bị ô nhiễm với hàm lượng clorua từ 250 mg/l đến 721 mg/l, vượt mức cho phép nhiều lần (tiêu chuẩn nước dùng ăn uống là 250mg/l).
Tháng 9-2017, bờ biển Vĩnh Tân xảy ra hiện tượng “cá bơi lờ đờ, chết rải rác và một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sò điệp trồi lên mặt đáy biển”. Ngư dân cho biết, tại khu vực phía ngoài Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 kéo dài đến Cửa Sứt, từ bờ biển ra khoảng 2-3 hải lý, “nước biển đục, đen và rất bẩn”. Rồi, trung tuần tháng 12-2017, bụi từ bãi xỉ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 “bay mù mịt khiến bầu trời tại Vĩnh Tân xám xịt”. Vấn đề ô nhiễm tàn phá khu vực Vĩnh Tân chưa dừng lại. Người ta còn có ý định nhận chìm một triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Tuy Phong, Bình Thuận) xuống vùng biển cách Hòn Cau 6 km!
Thủ phạm “gây rối” đời sống người dân Vĩnh Tân nói riêng và Bình Thuận nói chung là ai? Là chính quyền địa phương khi họ không kiểm soát chặt chẽ kế hoạch xây cụm nhà máy nhiệt điện với chủ thầu là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc, cùng Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (với tỷ lệ đóng góp cổ phần tương ứng 50%, 45% và 5%). Thủ phạm gián tiếp tàn phá Bình Thuận là Bộ Tài nguyên-Môi trường khi họ không quản lý và giám sát dự án bằng tinh thần trách nhiệm.
Một trong những điều tồi tệ đáng kinh tởm liên quan sự kiện Bình Thuận là một nhà báo đã vu vạ rằng người dân biểu tình đã “giết chết hai chiến sĩ công an” trong cuộc biểu tình ngày 10-6-2018. Sáng 11-6-2018, thiếu tướng Nguyễn Văn Thân, giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, “khẳng định không có tử vong trong vụ người quá khích đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vào tối 10-6” – theo tường thuật của Zing. Như tất cả cuộc biểu tình trước tại khắp nơi trên đất nước, diễn biến sau đó là những màn kịch quen thuộc: tung ra lực lượng dư luận viên sử dụng những luận điệu cũ rích; dùng hệ thống báo chí nhà nước quy chụp và đổ tội người biểu tình; bắt giam “những kẻ cầm đầu quá khích” trong đoàn biểu tình; ỉm nhẹm nguyên nhân gây ra biểu tình.
Cách làm này phản tác dụng. Nó chẳng khác gì việc nhồi thêm thuốc nổ vào những quả bom hẹn giờ mà chính quyền chứ không ai khác là kẻ thiết kế nên những quả bom ấy. Có vô số quả bom hẹn giờ trên đất nước này, ở đủ lĩnh vực, trong đó có các dự án công nghiệp mà Trung Quốc thắng thầu. Thay vì rút bớt củi khỏi lò, cách thức xử lý “hậu biểu tình” như đã và đang làm chẳng khác gì châm thêm củi khô. Thay vì vớt vát lại chút niềm tin, chính quyền tiếp tục khoét sâu khoảng cách bất tín đối với người dân. Oán thù của người dân với chính quyền ngày càng chồng chất. Hôm nay là Bình Thuận, ngày mai là những Bình Thuận khác. Không có sự đàn áp nào có thể chặn đứng được dòng thác lũ của nhân dân. Đi lên quyền lực từ sức mạnh đạt được từ nỗi uất nghẹn của nhân dân, chính quyền cộng sản hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Chẳng có sự tàn độc nào mà không trả giá. Không có chính quyền nào trường tồn bằng sự đàn áp nhân dân và bằng những thủ đoạn tàn độc với nhân dân.
Tôi không thích cách nói “nhân dân đã trưởng thành” khi đề cập đến sự kiện biểu tình chấn động ngày 10-6-2018. Nói như vậy chẳng khác gì cho rằng nhân dân lâu nay vốn non nớt và ngu dốt. Nhân dân không ngu dốt. Nhân dân ráng nhịn. Bây giờ nhân dân không nhịn nữa./.
Leave a Comment