Ánh Liên (VNTB)
Tôi biết Lê Kiên qua những bài đưa tin trên báo Tuổi Trẻ, ấn tượng bởi bài viết luôn chứa đựng hơi thở sinh động của chính trị như Cần xóa cơ chế “Đảng cử dân bầu”; tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm; công bố pháp lệnh mới; cử tri muốn nghe Thủ tướng nói nhiều hơn; không thành lập hội đồng hiến pháp;… Và lúc tôi nhìn thấy hình ảnh đại diện của Lê Kiên trên Facebook, tôi tiếp tục ấn tượng bởi khuôn mặt thanh tú và sức trẻ của anh (sinh năm 1980).
Khi nhà báo Lê Kiên ‘bị phát hiện’ nằm trong đoàn nhà báo được đài thọ đi thăm đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc), tôi cho rằng đó là để có thêm tư liệu viết bài và nó cũng chưa thể hiện được gì nhiều hơn ngoài mục đích đó.
Đi thực tế và viết bài, để viết bài có tính thực tế – điều này không bao giờ là sai trong nghiệp vụ của một nhà báo.
Khi Lê Kiên bị phát hiện, cộng đồng truy Facebook và ‘khủng bố’ anh, tôi tin mỗi người cần có một sự tự do nhất định. Và sự tự do đó bao gồm là sự không bị mạt sát, xúc phạm nhân phẩm, danh dự căn cứ theo Điều 19 – Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền.
Ngay cả khi Lê Kiên đăng tải một phản ứng liên quan đến đặc khu, người viết cũng cho rằng, đấy là phản ứng rất bình thường. Và mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tất nhiên – sai đúng chưa cần biết, nếu đúng là được hoan nghênh, nếu sai thì cần phản biện lại. Đó là chưa kể, người viết nhận ra, Lê Kiên đã hiểu, dù bị chửi bớt nhưng đó là ‘quyền’ của một con người, và anh ta phải tôn trọng.
Vậy Lê Kiên sai chỗ nào?
Lê Kiên khẳng định không sai khi một quốc gia mất chủ quyền là đến từ nghèo hèn. Nhưng Lê Kiên sai khi dẫn chứng ‘một nước Nhật hoang tàn sau thế chiến 2 đã vùng dậy mạnh mẽ’.
Nhiều người có sự nhầm lẫn về khả năng ‘tự lực, tự cường’ của người Nhật mà quên đi vai trò mấu chốt của Tướng quân người Mỹ Douglas MacArthur. Trong cơn thất bại ê chề và toàn diện đó, Douglas MacArthur đã xuất hiện như một ‘vị thần cứu rỗi niềm tin và vật chất’ cho cả nước Nhật. Cụ thể ông ông đã bảo vệ vị vua tinh thần của Nhật bản – Nhật hoàng Hirohito để cùng vực dậy Nhật bản; ông thực thi chính sách hòa hợp khi phóng thích các tù nhân chính trị; ông giải quyết nạn đói với hỗ trợ 3,5 triệu tấn lương thực và 2 tỷ USD, ông cũng thực hiện chương trình bữa trưa cho học sinh Nhật; ông ra lệnh cho 400.000 quân Mỹ phải tôn trọng phong tục tập quán địa phương; ông cũng tuyên bố quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận qua việc ban hành Luật Công hội; ông hỗ trợ Nhật Bản soạn ra bản Hiến pháp mà trong đó Chính phủ Nhật bản phải do cử tri trao quyền và chịu trách nhiệm toàn thể cử tri (chủ quyền đất nước thuộc về nhân dân); ông gia tăng quyền dân sự mới, hạn chế quyền lực cảnh sát, kiểm soát quyền lực của lực lượng vũ trang.
Đó là chưa kể về mặt kinh tế, ông cho ban hành Luật Tản quyền và Kinh doanh công bằng; luật này nhằm mục đích giảm bớt việc tập trung nguồn lợi kinh tế vào tay một nhóm người.
Tất những việc làm trên của tướng Mỹ có thể tóm gọn vào các cụm từ khóa như: cải cách thể chế, hòa hợp dân tộc; tôn trọng bản địa. Và chính từ các yếu tố này, mà tướng Douglas MacArthur được người Nhật tôn xưng là Shogun – người cứu rỗi Nhật Bản. Nếu không có ông, sẽ không có con rồng châu Á Nhật Bản, nếu không có chương trình cải cách thể chế và dân chủ hóa, thì sẽ không có một nước Nhật ‘vùng dậy mạnh mẽ’ như nhà báo Lê Kiên dẫn chứng.
Singapore – làng chài nghèo khó tách ra từ Malaysia cũng như vậy, nó đã trỗi dậy bằng chủ thuyết phát triển đúng đắn’. Lý Quang Diệu chính là con người sáng lập ra cái chủ thuyết đó, và không rõ nhà báo Lê Kiên có nhận biêt được hay không? Nhưng khi Đảng của ông Diệu dành chiến thắng, người cộng sản gốc Hoa đã nổi dậy vũ trang chống chính quyền, và chính trong bối cảnh này, chính phủ Singapore tiêu diệt những tổ chức chính trị, cá nhân bị liệt vào thành phần có cảm tình với phong trào Cộng sản tại Singapore. Lý Quang Diệu người ngưỡng mộ một nước Mỹ cởi mở, nơi có trách nhiệm giải trình của quan chức để đưa vào chương trình hành động của mình; ông thúc đẩy một xã hội có kỷ luật.
Nói cách khác, Lý Quang Diệu không bắt chước 1 mô hình nào cả; Lý Quang Diệu tin vào cải cách và thể chế kiểm soát quyền lực với sự dân chủ nhất định để có một Singapore như ngày hôm nay.
Khi Lê Kiên nói anh ‘cầu nguyện cho VN cải cách, đổi mới’, nhưng anh lại tự mâu thuẫn khi ‘ủng hộ mạnh mẽ chủ trương của Đảng và Chính phủ với quyết tâm làm cho được’. Bởi đâu phải ‘đặc khu’ là đổi mới, là cải cách. Đổi mới, cải cách không phải dùng một kiểu ngây thơ như thế; đổi mới/ cải cách chính là thực hiện một loạt sự cải cách thể chế một cách tàng diện chứ không phải nằm ở đặc khu. Bản thân đặc khu cũng vướng nhiều lý do mà các chuyên gia phải nhấn mạnh nó ‘khó thành công’, cụ thể: Luật đặc khu thiếu cơ sở thực tiễn; quy mô của 3 đặc khu không thể tạo ra ‘cực tăng trưởng’ ; thể chế vượt trội đã thử nghiệm nát ở các khu kinh tế mở nhưng kế quả hoàn 0; tư duy chính sách hiện nay là 1.0 – chủ yếu thu hút đặc khu là dự án bất động sản, thương mại thay vì ngành công nghệ cao.
Và cũng chính vì những bất cập nêu trên, mà vừa qua ông Thủ tướng đã phải đính chính lại là không cho thuê đất 99 năm cũng như có thông báo chính thức là lùi thời gian thông qua Luật về đặc khu.
Lê Kiên và nhiều người khác không hiểu hoặc cố tình không hiểu đặc khu đã lỗi thời, tiềm lực Việt nam chưa cho phép, một sự hóa thân phượng Hoàng cũng cần cải cách thể chế toàn diện chứ không phải manh mún – cậy nhờ đặc khu;… Tất cả tư duy cho rằng, ‘đặc khu’ khiến Việt nam hóa phượng hoàng hay thu hàng trăm đồng chỉ là tư duy ăn xổi ở thì; tư duy ‘đi tắt đón đầu’ không hơn không kém.
Ai không muốn Việt nam sẽ giàu mạnh, nhưng giàu mạnh cho đại đa số người, cho quốc gia dân tộc, chứ không phải là sự giàu mạnh cho một nhóm người. Lấy mô hình Nhật, Hàn, hay Singapore, cũng phải tìm hiểu về nguồn gốc của sự cải cách thể chế ở chính nước đó.
Còn Việt nam, dường như dẫm chân tại chỗ, và sắp tới đây, tiếp tục ‘cải cách/ đổi mới thể chế lùi’ bằng dự Luật an ninh mạng; trong khi ‘nhốt quyền lực vào cơ chế’ chưa được thực hiện; quyền giám sát của Nhân dân qua Quốc Hội bị chi phối bởi Bộ Chính trị; Luật về Hôi, Luật biểu tình bị ‘treo’ qua nhiều năm; tình trạng công an lạm quyền và tham nhũng trong lĩnh vực đất đai – hành chính vẫn diễn ra nghiêm trọng;… Đó là thực tiễn đầy bi kịch ở Việt nam.
Liệu nhà báo Lê Kiên có biết!