Trúc Giang (VNTB)
Nếu xuống đường biểu tình phản đối chuyện thông qua dự luật đặc khu, rồi… “bị hốt” thì liệu công dân tham gia biểu tình đó có bị buộc tội như hăm he của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, là “nghe theo sự kích động, xúi giục của các phần tử xấu” để “chống phá Đảng và nhà nước ta”?.
Đe dọa người chuẩn bị xuống đường biểu tình
Hiến pháp 2013, Điều 25 cho biết “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
“Ngay câu thòng ở Điều 25 là “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” cũng không thể cản trở người dân quyền tham gia biểu tình. Nếu Nhà nước muốn chi phối việc tham gia biểu tình của công dân, thì Nhà nước phải ban hành luật. Khi Nhà nước không ban hành luật, thì đó là lỗi của Nhà nước chứ không phải lỗi của công dân. Và không vì không có luật rồi tước đoạt quyền biểu tình của công dân. Nếu có luật thì người dân sẽ thực thi quyền của mình theo luật.
Còn nếu không có luật thì công dân có quyền thực thi quyền của mình theo Hiến pháp, và theo cách mà người công dân ấy thấy thích hợp. Nếu Nhà nước muốn điều chỉnh hành vi của công dân thì phải ban hành luật. Còn nếu không có luật thì công dân cũng không cần phải quan tâm, và họ thực thi cái quyền Hiến định của mình theo cách mà mình thấy thích hợp”. Nguyên luật sư Lê Công Định biện giải.
Cùng chia sẻ câu chuyện về “chủ nhật này xuống đường”, luật gia Cao Minh Tâm cho rằng nếu cản trở người dân thực thi quyền Hiến định, thì hành vi đó khả năng chịu sự cáo buộc của pháp luật hình sự.
“Bộ Luật hình sự 2015, Điều 167. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, quy định (1). Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. (2). Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. (3). Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm”.
Luật gia Cao Minh Tâm viện dẫn điều luật nói trên, và cho rằng tờ thông báo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương về việc kêu gọi người lao động đừng tham gia biểu tình, vì phía Liên đoàn cho rằng đó sẽ là hành vi tiếp tay thế lực thù địch để chống phá Đảng và Nhà nước, thì ở đây có thể xem là Liên đoàn đang dùng “thủ đoạn” để cản trở người dân thực hiện quyền Hiến định của mình.
Sao lại ‘chụp mũ’ người dân là ‘tiếp tay thù địch’?
Điều 25 Hiến pháp 2013 đã quy định, công dân có quyền biểu tình theo quy định của pháp luật. Từ quy định tại Điều 25 này, cũng như các quy định ở trong Chương II về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có thể rút ra một số nhận định sau: Thứ nhất, biểu tình là việc nhân dân bày tỏ chính kiến của mình nhằm thực hiện quyền làm chủ (Điều 2, Hiến pháp), quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28, Hiến pháp) của mình, góp phần thúc đẩy sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thứ hai, Hiến pháp “là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” (Điều 119 Hiến pháp 2013). Hiến pháp 2013 hoàn toàn không trao cho Chính phủ quyền ban hành Nghị định để hạn chế quyền công dân. Do vậy, việc chính quyền ban hành và viện dẫn Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA để ngăn cản biểu tình là vi phạm Hiến pháp.
Chính vì vi hiến, nên Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA không có giá trị pháp lý. Vì không có giá trị pháp lý nên người biểu tình không thể bị quy chụp là “tụ tập đông người”, “gây rối trật tự công cộng” theo Nghị định 38 của Chính phủ ban hành năm 2005.
Thứ ba, cụm từ “theo quy định của pháp luật” có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải chưa có hiệu lực. Như vậy, nếu chưa có quy định của pháp luật tương ứng thì điều đó có nghĩa rằng, quyền biểu tình của công dân theo Điều 25 Hiến pháp 2013 không có bất cứ hạn chế nào.
Cơ quan hành chính nhà nước không thể ngộ nhận về quyền hạn của mình, bởi lẽ nếu Chính phủ muốn quản lý biểu tình thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật, để Quốc hội xem xét và ban hành, chứ Chính phủ không có quyền đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với quyền hiến định của người dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Về lý thuyết luật thì nói vậy, chứ ở Việt Nam ngay cả nếu xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, thì chuyện sẽ bị nhân viên công lực bắt bớ, đánh đập, đe dọa bỏ tù là chuyện quá đỗi bình thường.
Leave a Comment