Quảng Cáo

Tầm nhìn của Bộ Chính trị?

Quảng Cáo

Trúc Giang (VNTB)

Hoàn toàn có thể ngờ vực vào viễn kiến của các vị trong Bộ Chính trị. Lý do: dự Luật Đặc khu mà nhiều đại biểu Quốc hội và công chúng phản đối, lại từng được Bộ Chính trị khen ngợi là “Đề án xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể rõ ràng, Bộ Chính trị đánh giá cao việc chuẩn bị đề án. Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Nội dung ở trên được trích dẫn từ văn bản có tên “Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”, do ông Đinh Thế Huynh thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 22-3-2017. Văn bản được đánh số 21-TB/TW.

Văn bản 21-TB/TW, yêu cầu: “Giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội xem xét, thông qua Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”.

Chưa bàn chi tiết về nội dung của dự luật có cái tên quá dài nên được gọi vắn tắt là Luật Đặc khu, nếu dự luật này được Quốc hội thông qua theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, thì trong tương lai sẽ phải thông qua các dự luật mang tên kiểu như “Luật Đặc thù thành phố Hồ Chí Minh”, “Luật Đặc thù thành phố Đà Nẵng”…

Chiều ngày 24-11-2017, ở Nghị trường Quốc hội, theo thông báo thì có tới 93,69% đại biểu đồng ý, và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Theo đó, TP.HCM được thực hiện 4 nhóm cơ chế đặc thù “để tạo động lực bứt phá”, gồm quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách, và tăng lương, phúc lợi.

Và nếu quả thực có đề xuất về “Luật Đặc thù thành phố Hồ Chí Minh”, thì xem ra cũng đúng bài bản hơn là với “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”.

Các lý do có thể kể ở đây là những quy định cụ thể cho ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thực chất là lấy từ trong các đề án thành lập ba đặc khu này, mà ba đề án đó mới bàn bạc trong nội bộ Đảng, chưa được Quốc hội thông qua. Trong lúc đó thì Nghị quyết cơ chế thí điểm, chính sách đặc thù cho TP.HCM được Quốc hội ban hành, sau thời gian thực hiện sẽ là cơ sở để tiến đến “Luật Đặc thù thành phố Hồ Chí Minh”, bởi đã trải qua quá trình có thể giúp các nhà lập pháp dùng phương pháp trừu tượng hóa của việc lập pháp, lập quy để ban hành các hành lang và mẫu mực pháp lý cho hành vi và quan hệ xã hội.

Ngược lại, không ai dùng phương pháp cá biệt hóa với những thông tin cụ thể để quyết định cho ra đời ba địa phương cá biệt như với “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)”.

Các nhà luật học đều biết đầu ra của luật là những quy phạm pháp lý “trừu tượng mang tính bắt buộc phổ cập”, đầu ra của nghị quyết thành lập đặc khu kinh tế là những quy định cụ thể, cá biệt, có tính chất chính sách. Đánh lộn sòng hai công việc này là điều không bình thường trong lịch sử lập pháp hiện đại của Việt Nam.

Giờ đây nếu khi xem xét, đánh giá các dữ liệu, thông số, yếu tố, tác động về chính trị, xã hội, kinh tế, kỹ thuật để ra nghị quyết thành lập ba đặc khu mà đại biểu Quốc hội muốn thay đổi, điều chỉnh thì cũng không thể làm được vì họ đã thông qua những điều ấy bằng luật về đặc khu kinh tế đó rồi. Nôm na, đã ban hành Luật, thì luật ấy không thể vừa thi hành, vừa rút kinh nghiệm như nội dung yêu cầu của Bộ Chính trị ở Văn bản 21-TB/TW.

Cá nhân người viết nghi ngờ tầm nhìn của Bộ Chính trị cũng vì lẽ ấy.

Xin được kết bài viết này bằng một chia sẻ gửi đến người đứng đầu Bộ Chính trị: Có thể nói rằng là “hồng phúc của cả dân tộc” khi mà người dân vẫn còn muốn góp ý chung tâm trí với Nhà nước, với Đảng cầm quyền về chuyện dân chuyện nước. Sau khi con dân đã nỗ lực góp ý chung tay với Đảng cầm quyền để luật được hoàn hảo và an toàn, song Đảng vẫn kiên quyết luật phải được thông qua “bằng bất cứ giá nào”, thì chỉ biết gọi là… định mệnh. Còn định mệnh của ai thì…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux