Trung Điền – Việt Tân
Trong cuộc gặp gỡ báo chí bên hành lang Quốc hội sáng Thứ Năm mồng 7 tháng 6, ông Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố sẽ “rút thời gian thuê đất đặc khu, không còn giữ 99 năm.”
Tuy chưa xác định là rút xuống bao nhiêu năm, nhưng tuyên bố của ông Phúc cho thấy là 17 thành viên Bộ chính trị CSVN đã bị dao động trước những phẫn nộ quá lớn của dư luận trong và ngoài nước về việc cho thuê 99 năm đối với những đất đai trong dự luật của 3 đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Văn Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được các đại biểu Quốc hội thông qua vào ngày 15 tháng 6 tới đây.
Đây là một thắng lợi bước đầu của cuộc vận động chống Dự Luật đặc khu mà Bộ chính trị đảng CSVN đang muốn gấp rút luật hoá, để qua đó bán đất cho Trung Cộng hầu có tiền nuôi sống chế độ trong tình trạng cạn kiệt ngân sách hiện nay.
Tuy ông Phúc nói là không còn giữ 99 năm nhưng không đưa ra bất cứ con số nào thay thế. Nếu dựa theo đề nghị ban đầu của Dự Luật thì số năm cho thuê là 70 năm.
Giữa 99 năm và 70 năm có khoảng cách là gần 30 năm, nhưng trong thời đại tin học với sự bùng nổ của thông tin mạng, mọi chuyển biến của xã hội và nhất là trong lãnh vực đầu tư thương mại, số năm được tính là từ 5 đến 10 năm cho các dịch vụ công nghệ cao và từ 15 năm đến 25 năm cho các dịch vụ về khách sạn, du lịch và Casino.
Nếu như ông Phúc và Bộ chính trị coi Dự luật Đặc khu là cơ hội để tập trung vào các ngành công nghệ cao và thử nghiệm thể chế nhằm thu hút đầu tư từ bên ngoài thì không chỉ giảm thiểu số năm thuê đất còn một nửa như đề nghị hiện nay mà còn phải bỏ hết tất cả những ưu đãi phi lý dành cho các nhà đầu tư mà đa số là từ Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu ông Phúc cho rằng các áp lực của dư luận vừa qua đến từ lòng yêu nước và bảo vệ quyền lợi dân tộc thì ông Phúc và Bộ chính trị cần phải ban hành quyết định ngưng thảo luận Dự luật đặc khu tại Quốc hội và yêu cầu Bộ kế hoạch đầu tư nghiên cứu và soạn thảo dựa trên ba yếu tố căn bản sau đây:
Thứ nhất, không lập đặc khu tại những vùng an ninh chiến lược, nhất là những vùng ven biển hay biên giới. Cụ thể là không nên tiếp tục lập đặc khu tại Vân Đồn, Bắc Văn Phong là khu vực nhạy cảm nhất trong tình hình tranh chấp biển đảo một cách gay gắt với Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Thứ hai, không cho thuê đất và thế chấp dễ dàng theo một thời gian dài qua 3, 4 thế hệ. Đây là quy định vô trách nhiệm khi buộc những thế hệ kế thừa giải quyết những tàn dư hay những hậu quả trong việc phát triển đặc khu bị thất bại.
Thứ ba, việc cải cách thể chế kinh tế cũng như các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cần phải áp dụng bình đẳng ngay cả đối với các doanh nghiệp trong nước, đồng thời rà soát và bãi bỏ những điều khoản chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích như chỉ định thầu, thế chấp dài hạn.
Nói tóm lại, Bộ chính trị CSVN đã và đang nhìn thấy sự phẫn nộ của dư luận không chỉ ở con số thuê đất 99 năm mà quan trọng hơn là những chắp vá của các chính sách xây dựng đặc khu đều có lợi cho Trung Quốc.
Hay nhất là ông Phúc ra lệnh ngưng xúc tiến xây dựng đặc khu và chờ một thời điểm khác.
Leave a Comment