Quảng Cáo

Làm thế nào để ngăn cản một dự luật?

Quảng Cáo

Trịnh Hữu Long – Luật Khoa tạp chí|

Việc chính của các đại biểu Quốc hội là làm luật phục vụ cho quyền lợi của cử tri. Vậy nếu cử tri không hài lòng với một dự luật, họ có thể làm gì để ngăn cản nó?

Về lý thuyết, Quốc hội Việt Nam hiện nay là do người dân bầu ra thông qua cuộc bầu cử tháng 5/2016. Có tất cả 496 người được bầu trở thành đại biểu Quốc hội. Mỗi đại biểu đại diện cho khu vực cử tri của mình ở địa phương và đồng thời đại diện cho nhân dân cả nước.

Trong điều kiện Việt Nam, việc tiếp xúc và chất vấn trực tiếp các đại biểu Quốc hội là… cực khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Làm thế nào để gây chú ý và tạo được áp lực lên các đại biểu?

Cần nhớ rằng các đại biểu Quốc hội không quen thuộc với Facebook để mà biết bạn đang nói gì. Nếu có nghe thấy, khả năng cao họ cũng không quan tâm vì trên thực tế chức vụ của họ là do sắp xếp chứ không phải do phiếu bầu của bạn.

Chiến thuật hiệu quả là phải ép được các đại biểu chịu thiệt hại cá nhân cho quyết định bỏ phiếu của mình và gây sức ép bằng cách biểu tình.

1. Gửi thư, gọi điện, bêu tên

Việc công nhưng lợi tư. Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu cho một dự luật là việc công, thể hiện chức năng mà người dân giao cho họ làm. Họ có thể bỏ phiếu theo ý chí của mình. Họ cũng có thể bị “cấp trên” ép phải bỏ phiếu theo sắp xếp. Họ rất có thể cũng chí là người đi ép các đại biểu khác phải bỏ phiếu theo ý mình. Nhưng nếu ta đặt được họ vào tình thế bị thiệt hại nặng nề về uy tín cá nhân, họ có thể nghĩ khác và bỏ phiếu khác.

Uy tín cá nhân của một đại biểu Quốc hội nằm ở đâu? Ở cơ quan, đồng nghiệp, người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng, v.v.. Và ở một nơi nữa: trong sử sách.

Một số việc có thể làm:

  • Dội bom thư và điện thoại đến văn phòng của đại biểu:

Bạn hò hét trên mạng cỡ nào cũng không lọt đến tai họ. Vậy thì hãy gửi thư tay và gọi điện tới văn phòng của họ. Làm thế nào để tìm được địa chỉ văn phòng của họ?

Bạn có thể tra cứu thông tin đại biểu tại website của Quốc hội, hoặc website của Thông tấn xã Việt Nam.

Tại đây, bạn sẽ tìm được nơi công tác của từng đại biểu. Việc tra cứu ra địa chỉ và số điện thoại của cơ quan họ không có gì khó, bạn chỉ cần google là ra.

Ngoài ra, ai có cuốn Niêm giám Đại biểu Quốc hội thì sẽ tìm được ngay địa chỉ cụ thể của từng người.

Nên gửi gì cho đại biểu? Bạn có thể gửi một lá thư bạn tự viết, hoặc copy một kiến nghị đã có trên mạng, ở đây và ở đây, hoặc copy một bài viết trên mạng, v.v.

Nên gửi cho ai? Nên gửi cho những người có ảnh hưởng nhất, mà bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gợi ý, “Bộ Chính trị”. Tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay đều là đại biểu Quốc hội. Bạn có thể tra cứu danh sách uỷ viên Bộ Chính trị tại đây.

Đối với uỷ viên Bộ Chính trị, bạn có thể gửi tới: Văn phòng Trung ương Đảng, 1A, Hùng Vương, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra, hãy gửi cho các uỷ viên Trung ương Đảng, cơ quan rất quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đều là đại biểu Quốc hội. Tra cứu thông tin của họ tại đây.

Thêm nữa, hãy gửi cho đại biểu thuộc địa phương bạn.

Nếu một ngày mỗi đại biểu nhận được một lá thư, họ sẽ chẳng quan tâm. Nhưng nếu 100, 1.000 lá thư được gửi đến mỗi ngày, họ sẽ thay đổi thái độ. Chỉ cần 10 nghìn người, mỗi người gửi 10 lá thư, chúng ta sẽ có 100 nghìn lá thư.

Không cần thiết họ phải đọc thư hay nghe điện thoại, chỉ cần một số lượng lớn thư từ, điện thoại được gửi đến là đủ để họ biết sức nóng dư luận như thế nào.

Đó sẽ là câu chuyện được lưu truyền xa, rộng và lâu dài, trực tiếp tác động tới uy tín cá nhân của họ.

  • Bêu tên (“Naming and Shaming”): đăng tên và hình ảnh của họ trước công chúng, trên mạng internet, v.v.

Ở một số nước, họ có các website do người dân lập ra để theo dõi hoạt động, lời ăn tiếng nói của các đại biểu. Điều ta có thể làm là tạo ra một “bảo tàng online”, lưu lại danh sách các đại biểu và những đạo luật mà họ đã bấm nút thông qua, cho con cháu đời sau có thể tra cứu lại.

Hiện Quốc hội không có cơ chế công khai xem ai bỏ phiếu thế nào, mà chỉ cho con số tổng. Đó là việc của họ. Người dân có quyền nghi ngờ bất kỳ đại biểu nào đã bỏ phiếu thuận cho một dự luật nào đó. Do đó, toàn bộ các đại biểu Quốc hội hiện nay phải chịu trách nhiệm và chịu mang tiếng xấu cho những dự luật đó.

Đại biểu nào không muốn mang tiếng xấu thì họ phải tự tuyên bố rằng họ không bỏ phiếu cho dự luật đó.

2. Biểu tình

Biểu tình hoàn toàn hợp pháp và là quyền con người căn bản bậc nhất. Khi cần thiết, đặc biệt khi có nguy cơ cao về chủ quyền như Dự luật Đặc khu hay về tự do ngôn luận như Dự luật An ninh mạng, hãy dùng đến quyền này để gây sức ép cho các đại biểu.

Không có gì khiến cho chính quyền chú ý đến tiếng nói của bạn hơn cách đứng trước văn phòng của họ hoặc nơi đông người qua lại và nói to, dõng dạc quan điểm của bạn.

Trên thực tế, biểu tình đã là một trong những phương cách thành công nhất để ngăn cản một đạo luật hay đạt được một quyền lợi nào đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng rất thành công phương pháp này trong thời kỳ trước năm 1945 cũng như thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam.

Khi biểu tình, dĩ nhiên ta phải cam kết với bản thân và với công chúng rằng ta không tạo ra một mối đe doạ nào cho công chúng. Nói không với bất kỳ hình thức bạo lực tay chân hay bạo lực lời nói nào. Không xả rác ra đường và dọn rác sau khi biểu tình. Tôn trọng những người tham gia giao thông.

Cuộc biểu tình càng văn minh và càng đẹp đẽ thì càng giành được sự ủng hộ lớn hơn của công chúng.

***

Sau tất cả, dù bạn có đạt được mục đích của mình hay không, bạn cũng đã tạo ra được một thay đổi lớn lao trong xã hội: biến việc thực hành các quyền công dân thành một việc bình thường. Đó là tiền đề cho những thay đổi thực sự trong tương lai và là ngọn nguồn của một xã hội dân chủ, thịnh vượng./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux