Ba đặc khu, gần như chắc chắn được thành lập, không chỉ có các tập đoàn Trung Quốc mà còn có nước khác và quốc gia chủ nhà nhưng sự có mặt Trung Quốc luôn tiềm ẩn những xáo trộn và nguy cơ xung đột bạo lực. “Chính quyền đặc khu” có đủ thẩm quyền và khả năng để xử lý?
“Vợ chồng anh Nguyễn Văn Len và chị Lê Thị Nghị ở thôn Bắc Hải (xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa) kể: Đúng vào đêm chung kết bóng đá AFF Cup…, một lao động Trung Quốc say rượu vào quán nhà anh mua thuốc lá. Do bất đồng ngôn ngữ nên người lao động Trung Quốc này đã đập bàn ghế, xé bao thuốc lá rồi quát tháo vợ anh. Vừa lúc đó anh Len về nhà, thấy thái độ ngang ngược của lao động Trung Quốc nên đã túm tay vị khách ngang ngược này đẩy ra khỏi quán. Bất ngờ anh Len bị vị khách này quay lại túm tóc đánh ngay tại quán của mình… Sau đó, hơn 100 lao động Trung Quốc tay cầm ống nước, gậy gộc đánh xe tải từ công trường ra lấy đèn rọi vào nhà anh Len đập phá, đánh bị thương nhiều người trong gia đình anh. Thậm chí hàng xóm qua can ngăn cũng bị rượt đánh. Người bị đánh trọng thương nặng nhất là anh Nguyễn Văn Đen, em trai của anh Len.
“… Anh Đen đi xe máy đến thì bị 5 đến 6 lao động Trung Quốc xông tới đánh tới tấp, đập nát xe, mũ bảo hiểm, khiến anh bị gãy tay, chân và phải khâu 16 mũi trên trán, đầu. Trước đó, người dân xã Hải Thượng còn bàn tán về việc công nhân Trung Quốc vào nhà hàng Đồng Thúy, thôn Bắc Hải ôm tivi ngang nhiên bước ra trước sự bất lực của chủ quán. Ông Hoàng Văn Chung, Trưởng công an xã Hải Thượng cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe người dân kể lại, sau khi ngồi uống cafe ở nhà hàng về, vì mất điện thoại, công nhân Trung Quốc quay lại quán tìm nhưng không thấy đâu nên đã ôm tivi của nhà hàng đi…”…
“Ngày 26/4/2009, khoảng 30 công nhân Trung Quốc đã kéo đến ban điều hành nhà thầu Hà Nội đánh một công nhân của nhà thầu này và yêu cầu bồi thường do va chạm giữa hai người với nhau trong quá trình thi công. Việc công nhân Trung Quốc nhậu say, đập phá hàng quán ở khu dân cư sát nhà máy xi măng Nghi Sơn cũng không phải chuyện hiếm. Bà Hiệp, một chủ quán ăn ở gần đó cho biết: “… Trước đây lao động Trung Quốc vào ăn nhậu say không trả tiền rồi đập phá dọa nạt chủ quán xảy ra thường xuyên. Thậm chí, tối đến con gái trong làng còn không dám ra đường vì sợ lao động Trung Quốc say xỉn đuổi bắt dọa nạt…”.
Trở lên là đoạn trích bài báo trên VietnamNet ngày 22-6-2009. Bài báo chỉ tường thuật sự kiện, không viết rõ chính quyền địa phương giải quyết như thế nào. Không chỉ vấn đề gây rối trật tự xã hội địa phương, công nhân Trung Quốc cũng hung bạo với công nhân Việt Nam. Báo Thanh Niên (9-9-2012) thuật: “Ngày 8.9, Công an tỉnh Đắk Nông đang điều tra, xử lý vụ công nhân Trung Quốc hành hung nhiều công nhân Việt Nam, xảy ra tại công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ (H.Đắk R’Lấp, Đắk Nông)… Trong khi đang làm việc cùng nhau trên công trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ, do thấy những công nhân Việt Nam cười nói rôm rả, Liu Jin Fu (33 tuổi, công nhân người Trung Quốc) nghĩ mình đang bị trêu chọc, nên đã bất ngờ dùng gậy đánh vào nhóm công nhân Việt. Thấy vậy, Wang Yong Gang (29 tuổi, cũng là công nhân Trung Quốc), đang lái máy kéo gần đó đã cầm mã tấu xông tới chém vào nhóm công nhân Việt để yểm trợ cho Liu Jin Fu, làm nhiều người bị thương…”.
Gần đây hơn, Soha (16-7-2017) cho biết: “Sự việc chủ quản người Trung Quốc đánh công nhân xảy ra vào sáng 16/7, tại xưởng phun sơn 3 thuộc công ty Shing Mark (khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), đã khiến nhiều công nhân bức xúc và tổ chức đình công… Khi phát hiện hàng hóa bị lỗi, chủ quản của công ty là ông L. S. (người Trung Quốc) cự cãi với một số công nhân. Sau đó ông S. lao vào đánh một công nhân của công ty. Cán bộ của công ty đến can ngăn cũng bị người này đánh”…
Chương IV của Dự thảo luật đặc khu (“Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của nhà nước ở đặc khu”) đã phác họa sơ sài bộ máy chính quyền đặc khu, dù trong đó có tòa án lẫn công an. Nội dung phần này, cũng như toàn bộ bản thân Dự luật, chỉ nói chung chung mà không đưa ra các chi tiết cho thấy cách thức luật được áp dụng. Nếu công nhân Trung Quốc thuộc đặc khu ra ngoài quậy phá và bạo động (như trường hợp ở thôn Bắc Hải-Hải Thượng ngày 28-12-2008 nói ở trên) thì công an đặc khu hay công an địa phương có thẩm quyền giải quyết? Nếu công nhân Việt Nam làm việc trong đặc khu bị người Trung Quốc đánh thì xử thế nào cho công bằng? Tòa án đặc khu có thể xử tù người Trung Quốc nếu họ đánh chết người Việt Nam? Nếu xảy ra xung đột bạo lực cực kỳ nghiêm trọng giữa người Việt Nam và người Trung Quốc, như tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) ngày 15-5-2014, thì chính quyền đặc khu có nhân nhượng “xử lý mềm dẻo” trên “tinh thần đại cục”?
Có lẽ không cần nhắc lại thói quen “lúng túng” của “các cơ quan chức năng”, che đậy một “quán tính” hèn nhược, khi đụng đến những vấn đề liên quan Trung Quốc. Nhưng hẳn cần nhắc lại cách mà chính quyền Việt Nam thường dùng để quy chụp chính người dân mình: “Cảnh giác với âm mưu kích động bạo loạn”! Và cũng cần nhắc lại cách “tháo ngòi nổ”, bằng những phát ngôn xoa dịu: “Lực lượng chức năng đã đưa chủ quản người Trung Quốc có hành vi đánh người lên lấy lời khai để điều tra nguyên nhân, xử lý theo đúng quy định pháp luật” (như vụ công ty Shing Mark). Trong hầu hết trường hợp, những bản tin liên quan các sự cố nói trên chưa bao giờ cung cấp thêm chi tiết cho thấy kết quả việc “xử lý theo đúng quy định pháp luật” là như thế nào.
Vấn đề đặc khu không chỉ liên quan chủ quyền quốc gia – một khi có “yếu tố Trung Quốc”. Nó còn là quyền được bảo vệ của người dân ngay trên lãnh thổ mình. Có bao giờ quân đội, công an và chính quyền đặc khu sẽ đàn áp và bịt miệng chính đồng bào mình để đảm bảo cho sự an toàn của “đại cục đặc khu”? Khó có thể biết bao nhiêu tập đoàn-công ty Trung Quốc có mặt trong ba đặc khu – những “giàn khoan HD 981” cắm ngay bên trong đất liền – nhưng với thói ngang ngược và hung hăng của người Trung Quốc thì vấn đề đặc khu không đơn giản “rót vào một đồng để hút về mấy chục, mấy trăm đồng”. “Đặc khu”, với “yếu tố Trung Quốc”, là bức tranh cuối cùng miêu tả những cái giẫy chết cuối cùng!
Leave a Comment