Quảng Cáo

Lần thứ ba Chủ tịch quốc hội Ngân thoát ‘còng số 8’

Hẳn là từ năm ngoái đến nay, bà Kim Ngân đã ý thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và những bộ ngành liên quan.

Quảng Cáo

Thiền Lâm Cali Today News|

Lần thứ ba trong vòng một năm, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có vẻ đã tìm cách thoát được “còng số 8” (một cách mà người dân chua chát ví von về dự kiến 8.000 đồng trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường đánh vào 1 lít xăng) – được đề xuất không ngưng nghỉ bởi ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đối với Bộ Tài chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng) và chính phủ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Chương trình năm 2018, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 8 để xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, để ‘có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, bảo đảm khoa học và phù hợp với thực tiễn’ và ‘xem xét một cách thận trọng, vì đây là dự án Luật có nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân’.

Có thật là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường bị hoãn lại là do ‘chính phủ đề nghị’, hay bởi Ủy ban Thường vụ quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân không muốn mang tiếng là cơ quan dân cử tối cao nhưng lại đi ‘bóp cổ dân’?

Từ tháng Hai năm 2017 khi Bộ Tài Chính được biến thành mũi tiên phong của nhóm lợi ích xăng dầu để trình ra đề xuất “còng số 8”, âm mưu tăng vọt giá xăng dầu đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ công đoạn đó trở đi, không phải Bộ Tư Pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương hay Phó Thủ Tướng Vương Ðình Huệ và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ quan “của dân, do dân và vì dân” mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng tắc biến.

Việc chính phủ Việt Nam như thể “ném đá giấu tay” thông qua việc ủy quyền cho Bộ Tư Pháp hoặc Bộ Tài chính để vẫn gửi văn bản “còng số 8” đến Quốc Hội đã cho thấy không chỉ động cơ đi đêm tàn hại của nhóm lợi ích xăng dầu khi quyết moi đến đồng cuối cùng trong gấu áo người dân nghèo, mà tình trạng ngân sách quốc gia năm 2017 và những năm sau đó thực sự là một bi kịch, bi kịch đến mức mà nếu không bổ thuế vào đầu dân thì “trung ương” sẽ không biết lấy đâu ra tiền để nuôi dưỡng bảo bọc một bộ máy mà 30% trong số đó “không làm gì cả.”

Vào tháng Chín năm ngoái, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã “thoát hiểm” lần thứ hai. Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, bà Ngân đã khẽ khàng nói “hiếm khi một dự án luật nào mà quan điểm của cơ quan soạn thảo và thẩm tra lại cách xa nhau”. Bà Ngân cũng nhắc lại quan điểm hạn chế tăng các loại thuế, phí của Thủ tướng trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với mặt hàng xăng thì khung thuế suất hiện hành cũng chưa áp dụng mức tối đa (4.000 đồng một lít), nên việc đề nghị tăng khung thuế mới cần được cân nhắc.

Còn trước đó, âm mưu tăng thuế “bảo vệ môi trường”, mà thực chất là phi mã thuế xăng lên đến 8.000 đồng/lít, đã được Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công thương xúc tiến như “thiêu thân” trong kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017. Một chiến dịch vận động hành lang và trên truyền thông cũng đã được “kiến tạo” rầm rộ và dường như đã nhận được động tác “gật” dễ dãi của Ủy ban thường vụ quốc hội…

Tuy nhiên khi kết thúc kỳ họp trên, âm mưu tăng thuế xăng dầu đã câm bặt. Đã không có bất cứ nội dung nào nghị luận về việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại kỳ họp trên, dù trước đó đã có thông tin vụ việc này được đưa vào nghị trình thảo luận của Quốc hội, thậm chí còn được PR rằng Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn sẽ xem xét trên tinh thần thông qua một dự luật về thuế bảo vệ môi trường. Nhưng cuối cùng, bà Kim Ngân đã không hề hé môi về vụ “còng số 8”.

Hẳn là từ năm ngoái đến nay, bà Kim Ngân đã ý thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và những bộ ngành liên quan.

Trong thời gian này, tác nhân chính gây ra bão giá xăng dầu và lạm phát là Petrolimex đã âm thầm tăng dần giá xăng, từ mức giá 16.000 – 17.000 đồng/lít vào giữa năm 2017 lên trên 20.000 đồng/lít vào đầu năm 2018, và đang ‘tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc’ đến mốc 25.000 đồng/lít chỉ nội trong năm 2018.

Tức cứ tăng dần dần, tăng từ từ, dân Việt dù biết bị móc túi nhưng không thể phản ứng mạnh và rồi sẽ quen dần.

Nhưng mối nguy hiểm mới và sâu độc là lòng tham và thói tàn bạo sẽ không dừng ở đó. Mà giá xăng còn có thể được đẩy bật đến mức 50.000 đồng/lít!

Nếu dân Việt vẫn cúi đầu cam chịu như một đàn cừu ngoan ngoãn…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux