Nhân dịp có một tay đại biểu cuốc hụi phát biểu so sánh rằng đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê thì có khác gì các khu phố Tàu (Chinatown) mà thành phố lớn nào trên thế giới cũng có, tôi xin đưa ra 5 khác biệt lớn của hai hình thức dân cư nói trên để phản bác lại ngụy biện của kẻ giả ngu kia. Đây là những điều cơ bản nhất mà không cần phải là tiến sĩ kinh tế cũng có thể phân tích được.
1. Về chính trị: Những khu phố Tàu có mặt hầu hết khắp nơi trong các thành phố lớn trên thế giới, là nơi người Hoa di dân sang để sống tại đất nước đó. Người Hoa ở các khu phố Tàu phần lớn là những người dân tị nạn chính trị và họ ra đi vì không công nhận sự tồn tại của chính thể đang cai trị tại quê hương họ. Còn dân của các đặc khu kinh tế Trung Cộng là do chính phủ đưa sang và cài cắm vào đó với mục đích biến đặc khu đó thành đất của chính phủ Trung Cộng về lâu về dài. Cả bộ máy hành chính của đặc khu cũng được đưa từ Trung Quốc sang. Mỗi đặc khu là một đất nước Trung Quốc thu nhỏ về mặt chính trị và hành chính.
2. Về quy mô và vị trí: Các khu phố Tàu tại các thành phố lớn thường có quy mô nhỏ, chỉ vài con đường. Khu Chợ Lớn được xem là Chinatown lớn nhất thế giới và lâu đời nhất cũng chỉ có quy mô vài quận. Một đặc khu kinh tế thì quy mô hoàn toàn khác hẳn, rộng lớn hơn rất nhiều, diện tích ít nhất cũng bằng một thành phố nhỏ. Các khu phố Tàu không hề có ranh giới biệt lập với khu dân cư bản địa, vì nó là một phần của thành phố bản địa, ra vào không cần phải xuất trình giấy tờ đặc biệt cũng không phải nhất thiết là người Hoa mới vào được. Các đặc khu kinh tế Trung Quốc tuy nằm trên đất Việt Nam nhưng lại tách biệt hoàn toàn, người Việt Nam nếu không có giấy tờ đặc biệt cũng không được vào.
3. Về tư cách công dân: Dân cư khu phố Tàu qua nhiều thế hệ hòa nhập với dân địa phương và trở thành một phần của cộng đồng nơi đó. Họ nhập tịch của quốc gia sở tại, nếu lập gia đình với người bản địa hoặc với người đồng hương thì con cái của họ vẫn mang quốc tịch nước sở tại chứ không mang quốc tịch Trung Quốc. Con cái họ lớn lên đi học nền giáo dục địa phương, nói tiếng địa phương song song với tiếng Hoa. Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc mang quốc tịch Trung Hoa, nếu có lấy vợ người bản địa thì con cái họ vẫn mang quốc tịch Trung Hoa. Họ học chương trình giáo dục Trung Quốc và không cần phải học tiếng địa phương của nước sở tại.
4. Về việc chấp hành pháp luật: Dân cư khu phố Tàu chịu sự chế tài của pháp luật nước sở tại và thực hiện quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân nước sở tại. Họ làm việc, đóng thuế cho nhà nước sở tại và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cộng đồng. Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc tuân theo pháp luật Trung Quốc, thực hiện nghĩa vụ công dân với Trung Quốc nhưng lại được hưởng nhiều ưu đãi về mặt quyền lợi kinh tế mà ngay cả doanh nghiệp bản dịa cũng không được hưởng. Họ làm việc, đóng thuế cho quốc gia của họ và khai thác tài nguyên nước sở tại góp phần làmgiàu cho Trung Quốc.
5. Về quân sự: Ở các khu phố Tàu, việc thành lập quân đội hay lực lượng cảnh sát riêng là điều không thể xảy ra vì chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi thứ trong khi những đặc khu kinh tế, nơi tách biệt hoàn toàn với nước sở tại và chính quyền địa phương không có quyền hành kiểm soát mọi hoạt động bên trong, việc thành lập một căn cứ quân sự hay xây nhà máy sản xuất vũ khí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu có xảy ra xung đột giữa dân địa phương và dân trong đặc khu, chính quyền Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa quân đội sang với cớ là bảo vệ công dân nước mình. Lúc đó trong đánh ra ngoài đánh vào thành thế gọng kìm coi như ta không thế nào trở tay kịp.
Những điều này chỉ có những kẻ cực ngu hoặc cực kì khốn nạn mới cố tình không hiểu.
Riêng tôi, một người Việt gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi phản đối việc cho Trung Quốc thuê ba đặc khu kinh tế trong vòng 99 năm./.
Leave a Comment